Các công ty thanh toán như Visa, PayPal, Stripe và các công ty khác đang đầu tư vào các dự án liên quan đến stablecoin – các mã thông báo tiền điện tử gắn liền với giá trị của đồng đô la Mỹ hoặc một loại tiền tệ pháp định khác.
Không giống như Bitcoin và các tiền điện tử khác thường có biến động giá mạnh, việc sử dụng stablecoin làm tiền tệ thực tế trong các giao dịch đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới.
Năm 2025 sẽ chứng kiến sự cạnh tranh gia tăng trong lĩnh vực stablecoin với vốn hoá thị trường đã tăng tổng cộng lên khoảng 205 tỷ USD trong năm 2024. Trong khi USDT - stablecoin được phát hành bởi Tether Holdings tiếp tục dẫn đầu thị trường trong năm 2024 và đạt mức vốn hóa thị trường hiện tại khoảng 140 tỷ USD, thì những trở ngại đối với sự thống trị của đồng tiền này đang nổi lên khi bước sang năm 2025.
Trong khi đó, các quy tắc về Thị trường tiền điện tử (MiCA) của Liên minh châu Âu yêu cầu tất cả các stablecoin được niêm yết trên các sàn giao dịch tập trung phải được phát hành bởi một tổ chức có giấy phép tiền điện tử.
Một số công ty Mỹ đang tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này. Visa đã ra mắt một nền tảng mới có tên là Visa Tokenized Asset Platform để các ngân hàng phát hành stablecoin và các mã thông báo khác. Công ty công nghệ tài chính Revolut đang cân nhắc phát hành stablecoin. Stripe đã mua lại nền tảng công nghệ tài chính Bridge, chuyên về giao dịch stablecoin. PayPal đã có stablecoin tên là PYUSD được tạo ra thông qua sự hợp tác với Paxos có trụ sở tại New York.
Augustus Ilag, đối tác đầu tư và giám đốc khu vực châu Á tại CMT Digital cho biết: “Việc phát hành stablecoin là một mô hình kinh doanh hấp dẫn hiện nay. Nhiều người chơi đã nhận ra sức hấp dẫn của loại tiền này sau thành công của các công ty như Circle và Tether. Bằng cách ra mắt stablecoin, các công ty có được nguồn doanh thu mới, mang lại sự bổ sung hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa các dịch vụ của mình".
Điểm thu hút của các stablecoin là vì chúng chạy trên blockchain nên có thể giúp giảm chi phí giao dịch và cải thiện hiệu quả chung khi chuyển tiền.
Mặc dù vậy, stablecoin không phải là không có rủi ro. TerraUSD - stablecoin được thiết kế để duy trì giá trị ở mốc 1 USD - đã thất bại thảm hại vào năm 2022. Sự sụp đổ của nó đã tạo ra một đợt bán tháo lan rộng hơn khiến 200 tỷ USD vốn hoá thị trường tiền điện tử bị thổi bay nhanh chóng. Một số công ty tài sản kỹ thuật số sau đó cũng phá sản một phần vì sự sụp đổ của stablecoin này.
Hơn hai năm sau, hiện tại vẫn không có chế độ quản lý liên bang thống nhất nào dành cho stablecoin tại Mỹ, bất chấp những nỗ lực của các nhà lập pháp và cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy một khuôn khổ toàn diện. Tuy nhiên, tại Liên minh Châu Âu, các quy tắc MiCA để giám sát ngành công nghiệp tiền điện tử đã đặt ra hướng dẫn rõ ràng về các quy định về stablecoin và dẫn đến việc các công ty và công ty khởi nghiệp có trụ sở tại châu Âu áp dụng ồ ạt.
Với thị trường tiền điện tử đang tận hưởng trạng thái hưng phấn sau chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ, nhiều người lạc quan rằng ngành công nghiệp tiền điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa vào năm 2025 sau sự bùng nổ trong năm 2024. Stablecoin có thể cung cấp con đường ít kháng cự nhất cho các công ty phi tiền điện tử muốn tham gia vào hoạt động tài sản kỹ thuật số.
Anna Yuan, nhà sáng lập dự án stablecoin Perena cho biết: "Stablecoin cho phép họ tham gia vào tiền điện tử mà không cần chạm vào các khía cạnh rủi ro của chứng khoán và các phần mang tính lừa đảo".