Thị trường sóng nhỏ, nhóm dầu khí thượng nguồn có nhiều triển vọng

Thị trường sóng nhỏ, nhóm dầu khí thượng nguồn có nhiều triển vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chung xuất hiện các nhịp sóng nhỏ, nhưng chưa có sự đồng thuận tăng điểm trên diện rộng.

Tâm lý do dự

Tuần qua, diễn biến VN-Index không có nhiều bất ngờ khi duy trì quanh ngưỡng 1.100 điểm. Chỉ số đóng cửa tuần tại 1.102,47 điểm, tăng 0,65% so với cuối tuần trước đó. Thanh khoản trên HOSE giảm xuống quanh mức 13.000 tỷ đồng/phiên, trong khi trung bình 10 phiên đạt 15.000 tỷ đồng/phiên.

Sự suy giảm của thanh khoản trong diễn biến giằng co của thị trường chung cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn do dự trong giai đoạn hiện tại. Nhìn chung, VN-Index vẫn nằm trên ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1.080 điểm, nhưng diễn biến lình xình chưa bị phá vỡ.

Trong diễn biến của thị trường chung, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dường như là “gánh nặng” của thị trường, khi áp lực bán gia tăng vào cuối mỗi phiên giao dịch. Trong đó, nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào các mã cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, MWG, MSN và chứng chỉ quỹ FUESSVFL.

Ngược lại, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của giới đầu tư, với những nhóm ngành tiêu biểu như dầu khí, cảng biển, thép, khu công nghiệp… Điều này khiến thị trường chung tuy xuất hiện các nhịp sóng nhỏ, nhưng chưa có sự đồng thuận tăng điểm trên diện rộng. Do đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trạng thái lình xình trong vùng 1.080 - 1.130 điểm.

Ngành dầu khí: Triển vọng thượng nguồn

Hơn 1 tháng gần đây, giá dầu thô giảm mạnh từ trên 90 USD/thùng xuống quanh mức 75 USD/thùng, do cán cân cung - cầu trên thị trường nghiêng về phía cung, bởi giai đoạn thấp điểm cuối năm. Tồn kho xăng dầu của Mỹ cao hơn dự kiến khiến sức mua trên thị trường dầu thế giới giảm. Xung đột Israel - Hamas, sự kiện làm dấy lên lo ngại về những bất ổn có thể lan sang khu vực Trung Đông đã đi đến hồi kết, khiến tâm lý về việc nguồn cung dầu mỏ bị ảnh hưởng được xoa dịu. Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc sụt giảm làm giảm nguồn cung, nhưng báo hiệu nhu cầu dầu thô trong tương lai gần có thể thấp hơn.

Trong bối cảnh hiện tại, giá dầu thô đang nghiêng theo hướng tiếp tục giảm nhẹ trong ngắn hạn. Sang năm 2024, nhu cầu dầu thô thế giới có thể phục hồi, nhưng nhiều khả năng ở tốc độ chậm, do động lực của kinh tế thế giới vẫn còn yếu. Các nỗ lực của OPEC+ nhằm cắt giảm sản lượng tỏ ra kém hiệu quả và trong cuộc họp ngày 30/11, tổ chức này đã quyết định giữ nguyên sản lượng.

Ngành dầu khí Việt Nam có một số điểm khác biệt đối với thế giới, khi lượng tiêu thụ nội địa chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu của ngành. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng có phần tăng và trữ lượng các bể khai thác hiện hữu cạn dần, ngành dầu khí trong nước đang đẩy mạnh đầu tư cho các dự án khai thác trong giai đoạn 2024 - 2028. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như dự án Khí điện Lô B - Ô Môn, dự án Lạc Đà Vàng A&B, dự án Sư Tử Trắng 2B. Các dự án khai thác được đẩy mạnh sẽ tạo ra lượng công việc tăng thêm đáng kể, giúp các doanh nghiệp thượng nguồn gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn 2024 - 2026.

Tin bài liên quan