2018, nhiều hàng "hot" dự kiến lên sàn
Ngày 3/3 vừa qua, Techcombank (mã TCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018. Một trong những vấn đề được giới đầu tư quan tâm lâu nay là kế hoạch niêm yết cổ phiếu đã được cổ đông thông qua. Tuy thời điểm niêm yết cụ thể chưa được công bố, song cổ đông Techcombank đã ủy quyền cho HĐQT Ngân hàng thực hiện các thủ tục cần thiết để hoàn thành kế hoạch niêm yết cổ phần Techcombank trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) ngay trong năm nay.
Đã 8 năm qua, dù kinh doanh có lãi, song Techcombank không chia cổ tức. Sự tích tụ lợi nhuận trong thời gian dài được đánh giá là điểm hấp dẫn cổ đông, cũng như các nhà đầu tư mới khi ngân hàng này tiến hành niêm yết cổ phiếu.
Theo lãnh đạo Techcombank, mặc dù năm 2017 thị trường chứng khoán tăng mạnh và cổ phiếu ngân hàng khởi sắc, song chưa phải thời điểm thích hợp để đưa cổ phiếu Techcombank lên sàn.
"Tuy nhiên, năm 2018 là thời điểm phù hợp để Techcombank niêm yết cổ phiếu. Vấn đề chỉ là thời gian, sao cho có lợi nhất cho cổ đông, nhà đầu tư", vị lãnh đạo này nói.
Bên cạnh việc niêm yết, Techcombank cũng trình cổ đông phương án chào bán gần 14 triệu cổ phiếu quỹ theo chương trình ESOP 2018. Đại diện Techcombank cho biết, năm 2017, Ngân hàng đã mua lại cổ phiếu của HSBC với giá hơn 23.000 đồng/cổ phiếu, nên giá bán sẽ không thấp hơn giá này.
Techcombank đang đàm phán với các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu. Trong trường hợp không bán hết, số cổ phiếu còn lại sẽ được bán tiếp cho nhà đầu tư trong nước để huy động thêm nguồn vốn.
Về vấn đề tăng vốn, lãnh đạo Techcombank cho hay, Ngân hàng hiện chưa có kế hoạch, nhưng sẽ được tính đến sau khi hoàn tất việc chào bán cổ phiếu. Hiện vốn điều lệ của Techcombank đạt hơn 11.000 tỷ đồng.
Thông tin từ HOSE cho biết, Sở đã nhận được hồ sơ niêm yết cổ phiếu của TPBank (mã TPB). Thời gian dự kiến niêm yết vào cuối quý I/2018, sau khi ngân hàng này hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu tỷ lệ 15% để tăng vốn điều lệ.
Được biết, cuối năm 2017, Quỹ đầu PYN Fund Management đã ký hợp đồng mua bán cổ phần giá trị gần 40 triệu USD với TPBank. Theo đó, PYN Elite Fund sẽ sở hữu 4,99% vốn sau phát hành. PYN Elite Fund là quỹ đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại thị trường Việt Nam, với tổng giá trị danh mục đầu tư đạt 417 triệu euro.
Như vậy, nếu việc niêm yết diễn ra theo đúng kế hoạch, TPBank là ngân hàng thứ hai đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2018. Trước đó, đầu tháng 1/2018, HOSE đón nhận cổ phiếu HDB của HDBank. Trước nữa, tháng 8/2017, cổ phiếu VPB của VPBank đã chính giao dịch trên sàn này.
Tính đến nay đã có trên 8 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, bao gồm VCB, CTG, BID, MBB, VPB, HDB, STB và EIB; 3 cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX là ACB, SHB và NVB. Trên UPCoM, có 4 cổ phiếu đang giao dịch là LPB, VIB, KLB và BAB, trong đó LPB, VIB, KLB đã tính chuyện chuyển từ sàn giao dịch tập trung lên niêm yết chính thức.
Giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã có bước tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2017, mà VPB là một điển hình khi sớm thực hiện kế hoạch niêm yết. Vì thế, không chỉ những ngân hàng đã giao dịch trên UPCOM như LPB, VIB, KLB tính chuyện chuyển sang sàn niêm yết chính thức, mà các ngân hàng chưa đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung như Techcombank, TPBank hay OCB cũng khá sốt sắng trong việc niêm yết thẳng cổ phiếu.
Đánh giá được đưa ra từ TS. Nguyễn Văn Thuận, chuyên gia tài chính, việc một số ngân hàng niêm yết trên sàn chính thức, bỏ qua bước "trung gian" UPCoM, là động thái đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thời gian thực hiện niêm yết cổ phiếu vẫn phụ thuộc vào điều kiện thị trường.
Lãnh đạo các nhà băng cũng cho rằng, cần chọn thời điểm niêm yết thích hợp mới có thể cải thiện thanh khoản cổ phiếu.
Lợi nhuận 15 ngân hàng dự báo tăng gần 33%
Thực tế, nhiều cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng giá mạnh trong thời gian qua. Đơn cử, mã CTG tăng 75%, mã VCB tăng hơn 90%, thậm chí các mã BID, MBB, ACB, SHB đều tăng trên 100%. Nhờ "sóng" lên sàn của cổ phiếu "vua", các tân binh như VPB, HDB cũng đều tăng mạnh từ khi còn giao dịch trên thị trường OTC đến khi niêm yết trên HOSE.
Theo giới quan sát, giá cổ phiếu ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh phần lớn nhờ đạt kết quả kinh doanh tích cực. Ngoài những "ông lớn" như VCB, CTG, BID..., kết thúc năm 2017, nhiều ngân hàng tầm trung bất ngờ gia nhập nhóm ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ đồng như VPB, HDB, OCB...
Đứng đầu danh sách ngân hàng đạt lợi nhuận (trước thuế) cao nhất trong năm 2017 là VCB với 11.018 tỷ đồng, tiếp đó là CTG đạt 9.206 tỷ đồng, BIDV đạt 8.800 tỷ đồng, VPB đạt 8.126 tỷ đồng...
Kết thúc năm 2017, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 8.000 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử Ngân hàng và cũng là năm thứ 2 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận năm sau tăng trưởng gấp đôi so với năm liền trước.
Năm 2018, Techcombank đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 20%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 24% (đạt khoảng 10.000 tỷ đồng), tổng tài sản dự kiến tăng trưởng 17% (đạt khoảng 315.184 tỷ đồng), huy động vốn tăng trưởng 40%, tín dụng tăng trưởng 18% và nợ xấu duy trì thấp hơn 2%.
Đáng chú ý, Techcombank vẫn chưa có kế hoạch chia cổ tức 2017. Dù vậy, có ý kiến cho rằng, điều mà cổ đông, nhà đầu tư chờ đợi là giá cổ phiếu tăng sau khi niêm yết, hơn là câu chuyện cổ tức.
Tương tự, với TPBank, các chỉ số tài chính cũng đều tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017. Cụ thể, sau khi trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.205 tỷ đồng, tăng trên 70% so với kết quả năm 2016; tổng tài sản đạt trên 124.000 tỷ đồng, tăng trưởng 17,2%.
Năm qua, tăng trưởng tín dụng của TPBank là 71.295 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch năm và tăng gần 22% so với năm 2016, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,87%. Kế hoạch kinh doanh 2018 hiện chưa được TPBank tiết lộ, song với bối cảnh kinh tế vĩ mô dự báo khả quan, nhiều khả năng ngân hàng này sẽ đưa ra kế hoạch cao cho năm này.
Thông tin từ HDBank cho biết, với việc đạt lợi nhuận vượt xa chỉ tiêu trong năm qua, ngân hàng này dự kiến mức cổ tức 2017 có thể lên tới 30%, bên cạnh thưởng cổ phiếu cho cổ đông. Kế hoạc chi tiết sẽ được trình tại ĐHCĐ thường niên 2018.
Năm nay, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 65,3% lên 3.921 tỷ đồng; tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 34,99%, qua đó nâng dư nợ cho vay khách hàng lên 148.510 tỷ đồng.
Tại Sacombank, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 ở mức 1.640 tỷ đồng, tăng so với con số hơn 1.000 tỷ đồng đạt được trong năm 2017.
Sau thời gian tăng mạnh trước đó, kể từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường chứng khoán chịu áp lực chốt lời mạnh. Tuy nhiên, với sự ổn định của nhóm cổ phiếu "vua", đà tăng của thị trường vẫn được duy trì. Theo một số công ty chứng khoán, diễn biến tăng của thị trường sẽ còn tiếp tục, khi bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng được dự báo tích cực trong năm nay.
Nhận định của SSI Research cho rằng, chi phí vốn bình quân năm 2018 của các ngân hàng sẽ giảm nhờ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cùng sự cải thiện đáng kể của cán cân thanh toán giai đoạn 2017-2018. Cụ thể, các lãi suất điều hành và lãi suất cho vay OMO đều đã giảm xuống 0,25% trong hơn một năm qua.
Hoạt động IPO, bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước trong năm nay sẽ tiếp tục thu hút một lượng lớn dòng vốn ngoại, dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước phải bơm một lượng lớn đồng nội tệ vào hệ thống để tạo sự cân bằng. Theo đó, SSI Research dự báo, lợi nhuận tại 15 ngân hàng đang niêm yết và giao dịch trên UPCOM sẽ tăng 32,9% trong năm 2018.
Đánh giá được đưa ra từ TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, lợi nhuận ngân hàng được kỳ vọng tăng mạnh hơn trong năm 2018 nhờ tín dụng tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, không vì thế mà các ngân hàng không thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu cao, khi mà cạnh tranh trong việc giữ và mở rộng thị phần tăng trưởng trưởng tín dụng ngày càng gay gắt, lãi suất cho vay đang từng bước giảm dần, còn chi phí huy động vốn khó giảm bởi lãi suất đầu vào tăng.