Thị trường chứng khoán luôn có nhiều biến động, đặc biệt ở những thời điểm đỉnh và đáy của xu hướng trung hạn. Cho nên, việc nhà đầu tư bị “kẹp hàng” không phải hiếm gặp và không phải nhà đầu tư nào cũng có cách xử lý phù hợp khi rơi vào tình cảnh này.
Trong nửa cuối tháng 9, nhiều nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa” khi giá trị tài khoản hầu như suy giảm qua từng ngày. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/9, VN-Index hồi phục gần 16 điểm, phiên sau đó giảm nhẹ, còn phiên cuối tuần qua tăng nhẹ, đóng cửa tại 1.154,15 điểm. Nhìn chung, nhiều cổ phiếu đã có dấu hiệu tăng giá trở lại. Câu hỏi đặt ra là thị trường sẽ hồi phục hay còn giảm thêm? Nhà đầu tư phải xử lý tài khoản như thế nào cho hợp lý?
Yếu tố vĩ mô đang ủng hộ cho kịch bản thị trường sẽ sớm hồi phục, còn yếu tố kỹ thuật cần chờ đợi thêm diễn biến trong tuần giao dịch đầu tháng 10 để xác định xu hướng.
Xét yếu tố vĩ mô, tỷ giá đang ở mức cao, dù thấp hơn năm 2022. Tuy nhiên, năm 2023, vị thế của Ngân hàng Nhà nước được tăng cường nhờ lượng dự trữ ngoại hối được bổ sung trong các tháng đầu năm.
Dự kiến, đến cuối năm nay, dự trữ ngoại hối sẽ đạt 95 tỷ USD (tương đương hơn 3 tháng xuất khẩu), vì nguồn cung ngoại tệ đang có diễn biến tích cực: FDI giải ngân tính đến hết tháng 8 đạt 13,1 tỷ USD; cán cân thương mại 9 tháng thặng dư kỷ lục ở mức 21,68 tỷ USD; kiều hối ổn định, dự báo đến cuối năm đạt 19 tỷ USD; Ngân hàng Nhà nước đã mua vào hơn 6 tỷ USD trong những tháng đầu năm, nếu tỷ giá tiếp tục tăng thì cơ quan này hoàn toàn có khả năng kiềm chế bằng cách bán ra USD.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu cho thấy hoạt động trên thị trường mở đã trở lại, tái khởi động chu kỳ điều hành tỷ giá. Đây là một nghiệp vụ bình thường của ngân hàng trung ương để điều tiết lượng tiền ra vào trong lưu thông.
Bên cạnh đó, lãi suất thấp là một yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng lãi suất cho đến hết năm 2024. Do đó, việc thị trường giảm mạnh chủ yếu là do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi một số thông tin tiêu cực, áp lực nợ vay giao dịch ký quỹ (margin), hành động cơ cấu danh mục nhằm chốt giá trị tài sản ròng của quỹ đầu tư…
Chính phủ đang kết hợp sử dụng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, bỏ qua các yếu tố kỹ thuật trong ngắn hạn, thời điểm này là cơ hội mua tốt cho mục tiêu cuối năm.
Về góc nhìn kỹ thuật, tuần giao dịch đầu tháng 10 có vai trò quan trọng trong việc xác định hướng đi của thị trường. VN-Index đã giảm hơn 10%, không ít cổ phiếu giảm 20 - 30%. Ngày 27/9, chỉ số ngừng rơi và nỗ lực phục hồi. Tuy nhiên, hiện chưa đủ cơ sở để đánh giá mức độ tin cậy của nhịp hồi lần này. Vẫn có khả năng đây sẽ là nhịp hồi phục yếu ớt và thị trường nhanh chóng quay trở lại xu hướng giảm.
Nhà đầu tư cần theo dõi kỹ các phiên giao dịch trong tuần này, nhất là 2 phiên cuối tuần để có thể dự phóng kịch bản thị trường theo giả thiết kỹ thuật.
Nếu VN-Index đóng cửa tuần trên đường MA20 tuần (quanh mức 1.163 điểm), hoặc lấy lại được vùng 1.185 - 1.190 điểm, thì khả năng cao là diễn biến tăng sẽ được duy trì. Các cổ phiếu sẽ nhanh chóng hồi phục và tạo vùng tích lũy cho điểm mua mới.
Trường hợp VN-Index đóng cửa dưới đường MA20 tuần (dưới mức 1.163 điểm), thị trường có thể còn một nhịp giảm nữa mới kết thúc.
Dưới đây là chiến lược giao dịch gợi ý dành cho 2 nhóm nhà đầu tư.
Đối với nhà đầu tư đang bị “kẹp hàng”, ưu tiên tái cơ cấu cổ phiếu có sẵn trong danh mục để hạ giá vốn, không cần đợi hàng về, vì những cổ phiếu giảm giá mạnh sẽ có khả năng bật lại nhanh. Sau đó, đưa tài khoản về trạng thái an toàn, có thể là 50% vị thế tiền mặt, đợi diễn biến tiếp theo của thị trường để đánh giá lại xu hướng.
Đối với nhà đầu tư có sẵn tiền mặt, đầu tư dài hạn hoặc đã bán được ở vùng cao, đây là cơ hội để mua gom cổ phiếu cho nhịp tăng trung hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần xác định rõ ngay từ đầu, đây là vị thế giao dịch T+ hay là mua tích lũy, để tránh tâm lý bị ảnh hưởng khi thị trường biến động.
Thị trường thường không xác nhận đáy bằng 1 phiên, mà sẽ là một vùng, tín hiệu đầy đủ của vùng đáy sẽ được thể hiện bằng nỗ lực phục hồi và xác nhận quay lại xu hướng tăng bằng phiên bùng nổ theo đà (FTD).