Nghị định 140/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015.
Với các quy định của Nghị định 140/2020, các doanh nghiệp thoái vốn sẽ phải thực hiện một số điểm mới trong công tác định giá doanh nghiệp.
Thông thường, phải dựa vào báo cáo tài chính có kiểm toán việc định giá mới được tiến hành. Các đợt thoái vốn của năm 2021 nhiều khả năng phải căn cứ vào báo cáo kiểm toán 2020 của doanh nghiệp. Báo cáo này sớm nhất cũng phải sau tháng 3/2021 doanh nghiệp mới có.
Trong khi đó, cho đến thời điểm này đã hết năm 2020 tức là các doanh nghiệp thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 mà chưa thực hiện thoái vốn được sẽ phải chờ có chỉ đạo mới.
Tại buổi gặp gỡ báo chí sáng nay 14/1, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, Tổng công ty đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về việc triển khai bán vốn tại các doanh nghiệp chưa thực hiện được theo Quyết định 1001/QĐ-TTg (ngày 10/7/2017). Theo quyết định này, trong giai đoạn 2017 - 2020, SCIC phải bán vốn nhà nước tại 132 doanh nghiệp.
Năm 2020, SCIC đã thoái vốn thành công ở 10 doanh nghiệp, thu về 1.521 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giá vốn.
Đến hết tháng 12/2020, danh mục các doanh nghiệp do SCIC quản lý có 145 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước 39.199 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 124.168 tỷ đồng.