Thị trường sắp đón nhận thêm hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng chốt danh sách cổ đông chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt ở tỷ lệ cao 20-25%, song cổ đông cũng lo ngại cổ phiếu sẽ bị pha loãng.
Thị trường sắp đón nhận thêm hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng

Cổ đông ngân hàng đồng loạt "nhận thưởng"

ACB vừa có báo cáo về kết quả đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Theo đó, Ngân hàng đã phát hành 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 15% (cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ nhận được 15 cổ phiếu mới).

Sau đợt phát hành, số cổ phiếu đang lưu hành của ACB tăng từ 3,884 tỷ cổ phiếu lên 4,447 tỷ cổ phiếu. Ngày kết thúc đợt phát hành là 3/6. Dự kiến cổ phiếu sẽ được chuyển giao trước ngày 30/6, sau khi Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam điều chỉnh Giấy chứng nhận Đăng ký Chứng khoán.

Như vậy, gần 583 triệu cổ phiếu ACB sẽ về tài khoản cổ đông trong ít ngày tới. Sau khi hoàn tất việc phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên 44.667 tỷ đồng, chính thức vượt qua Agribank, trở thành ngân hàng có quy mô vốn cao thứ 6 toàn hệ thống, sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MB. Tuy nhiên, ACB dự kiến sẽ tụt xuống hạng 8 vào cuối năm nay khi Agribank và Techcombank hoàn tất kế hoạch tăng vốn.

Trước đó, ACB đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền (với tỷ lệ 10%) vào ngày 3/6, tức 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Số tiền mà ACB dùng để chia cổ tức là 3.884 tỷ đồng dự kiến được thanh toán vào ngày 13/6. Đồng thời, ACB phát hành hơn 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 15% (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới).

HĐQT TPBank cũng vừa thông qua việc triển khai phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 với tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu được nhận 500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu là 21/6 và thời gian thanh toán dự kiến vào 11/7.

Ngoài ra, TPBank còn có kế hoạch phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ của ngân hàng theo đó sẽ tăng thêm hơn 4.400 tỷ lên tối đa 26.419 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sẽ phụ thuộc vào quá trình phê duyệt hồ sơ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Tương tự, không chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 15% (thanh toán vào ngày 5/6), ĐHCĐ thường niên năm 2024 của Techcombank còn thông qua phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng) theo tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ gấp đôi từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng. Ngày 6/6, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo, đã nhận được tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu của Techcombank.

Trong khi đó, MSB dự kiến phát hành thêm tối đa 600 triệu cổ phiếu, để trả cổ tức bằng cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 30% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 30 cổ phiếu mới), qua đó tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện là trong năm 2024, sau khi có chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài các nhà băng trên, hàng loạt ngân hàng thương mại khác cả tư nhân và nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, HDBank, VPBank, OCB, Nam A Bank, VietABank, VietBank... cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn, với tỷ lệ từ 20-30%.

Bội thực "cổ phiếu vua"?

Mặc dù được chia cổ tức cả bằng tiền mặt và cổ phiếu, với tỷ lệ cao, song nhiều cổ đông của ngân hàng cũng băn khoăn về việc với lượng cung khủng cổ phiếu ngân hàng sắp được tung ra sẽ khiến thị trường bị bội thực, kéo giá cổ phiếu "vua" giảm.

Trước lo ngại này, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho rằng, giá cổ phiếu có thể giảm đôi chút nhưng đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư khác mua vào cổ phiếu TCB của Techcombank với giá phù hợp.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngày, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tăng vốn của các ngân hàng được đẩy mạnh thời gian qua và sẽ chưa hết trong thời gian tới là để góp phần phát triển mạng lưới đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị cho ngân hàng, giá trị cổ phiếu lại nâng lên.

Trong 27 mã cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán có 5 mã gần đây xác lập đỉnh mới là VCB, BID, ACB, HDB, MBB. Đáng chú ý, CTG và LPB cũng ở cận kề vùng đỉnh lịch sử.

Giám đốc Quỹ đầu tư PYN Elite, ông Petri Deryng cho hay, hiện Quỹ đầu tư vào nhiều ngân hàng, nhưng các ngân hàng chưa được định giá đúng với giá trị của nó, hiện vẫn ở mức thấp, trong khi cổ phiếu “vua” còn nhiều tiềm năng tăng hơn nữa.

Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng phân tích dữ liệu FiinGroup cho rằng, có ba yếu tố hỗ trợ chính cho ngành ngân hàng trong năm 2024. Thứ nhất, lợi nhuận năm 2024 được kỳ vọng sẽ tăng 12-15%, từ mức nền thấp 2023 nhờ môi trường vĩ mô dần cải thiện. Động lực chính bao gồm tín dụng tăng trưởng trở lại khi các hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục, NIM tiếp tục cải thiện nhờ chi phí vốn giảm và thu nhập ngoài lãi ổn định.

Thứ hai, nhiều cổ phiếu ngân hàng đang ở mức nền định giá thấp từ giai đoạn 2015 đến nay nên cơ hội tái định giá trong thời gian tới vẫn còn, đơn cử như TCB, VIB, ACB, HDB, MSB, TPB, SHB, VPB...

Ngoài ra, với các câu chuyện riêng của từng ngân hàng, bao gồm kế hoạch chi trả cổ tức, phát hành tăng vốn, chuyển sàn của một số ngân hàng trong thời gian tới… là các yếu tố sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu “vua” trong thời gian tới, song sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các cổ phiếu.

Trong đó, với những cổ phiếu có tiềm năng và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt vẫn tích cực. Giá cổ phiếu TCB chốt phiên giao dịch ngày 7/6 tại 49.100 đồng/cổ phiếu (sau khi đã điều chỉnh giá), tương đương tăng gần 70% so với đầu năm. Báo cáo tài chính quý I/2024, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê báo cáo tài chính của 28 ngân hàng thương mại cổ phần, tổng lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 của các ngân hàng đạt khoảng 72.096 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, danh sách top 10 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cao nhất quý I/2024 không có sự biến động mạnh, vẫn là những cái tên quen thuộc: Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, MB, ACB, HDBank, SHB, VPBank và LPBank. Tuy nhiên, thứ tự của bảng xếp hạng đã có sự xáo trộn.

Vietcombank tiếp tục giữ vị trí “quán quân” lợi nhuận trong ngành ngân hàng khi báo lãi sau thuế quý I/2024 đạt 8.585 tỷ đồng. BIDV đã lùi một bậc xuống vị trí thứ 3 (sau Techcombank) khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.915 tỷ đồng, cao hơn 6,4% so với cùng kỳ. VietinBank báo lãi sau thuế 5.002 tỷ đồng quý I/2024, cao hơn năm trước 18,5% và xếp ở vị trí thứ 4.

MB lợi nhuận sau thuế giảm 11,2% còn 4.624 tỷ đồng. ACB vẫn đứng vững ở vị trí thứ 6 với lợi nhuận ròng đạt 3.905 tỷ đồng, giảm 5,6%. 3 vị trí còn lại lần lượt thuộc về HDBank (3.213 tỷ đồng, tăng 46,5%), SHB (3.209 tỷ đồng, tăng 11,4%) VPBank (3.141 tỷ đồng, tăng 90,4%). Đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng lợi nhuận quý 1 năm nay có sự góp mặt của LPBank với 2.298 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 84,9% so với cùng...

TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital cho rằng, ngoại trừ năm 2023, từ năm 2016 đến 2022, ngành ngân hàng luôn có lợi nhuận tăng trưởng 2 chữ số, và với tỷ trọng chiếm hơn 35% giá trị vốn hoá của VN-Index và trên 60% tổng lợi nhuận của VN-Index, ngân hàng vẫn luôn thu hút được sự quan tâm của khối ngoại.

"Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao những ngân hàng hàng đầu trong ngành, đặc biệt là những cổ phiếu còn room nước ngoài và có thể được thêm vào danh sách quan tâm khi Việt Nam được nâng hạng. Vì vậy, chúng tôi vẫn cho rằng, ngành ngân hàng sẽ có tăng trưởng tích cực so với VN-Index", ôngTuấn cho hay.

Tin bài liên quan