Người viết lựa chọn một số mã từng được các nhà đầu tư săn đón, thị trường ưa thích, bởi đây đều là cổ phiếu của các doanh nghiệp cơ bản tốt, xét về mức định giá còn thấp và nhiều doanh nghiệp có động lực tăng trưởng trong năm 2019…, thì đều đang có một tình trạng chung: giá cổ phiếu giảm từ 30 - 50% so với mức đỉnh tính từ năm 2017 trở lại đây.
Chẳng hạn, cổ phiếu BMP của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh từng đạt mức giá trên 105.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2017 và trên 87.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2018, hiện được giao dịch quanh mức 50.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, thương hiệu Nhựa Bình Mình rất quen thuộc với người tiêu dùng và khẳng định được vị thế đầu ngành ống nhựa xây dựng, với thị phần cả nước ước tính 25%, trong đó thị phần phía Nam đạt khoảng 50%. Công ty trả cổ tức hàng năm từ 20 - 45%.
Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, tỷ lệ trả cổ tức của BMP tương đối cao (trên 40%) sẽ được duy trì vì Công ty có nguồn lợi nhuận giữ lại lớn và chưa có kế hoạch đầu tư mở rộng trong thời gian tới. Theo báo cáo tài chính quý III/2018, tỷ lệ nợ vay ngắn hạn của BMP thấp, khoảng 2% tổng nguồn vốn và không có nợ vay dài hạn. Số dư Quỹ đầu tư và phát triển chiếm 46% tổng tài sản.
Khó khăn chung của ngành vì giá nguyên liệu tăng và cạnh tranh khốc liệt buộc BMP phải tăng tỷ lệ chiết khấu cho đại lý đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ sản phẩm của BMP đã khả quan trở lại, giành thêm được thị phần khi đối thủ không còn áp dụng chiến lược bán giá thấp. Nhiều dự báo cho rằng, giá dầu trong xu hướng giảm giúp giảm áp lực tăng của giá hạt nhựa, kỳ vọng cải thiện lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong ngành.
Đồng thời, sản phẩm của Nhựa Bình Minh vốn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, bản thân doanh nghiệp có cơ cấu tài chính lành mạnh và sự trợ lực của cổ đông lớn, nên cổ phiếu BMP hiện được nhiều công ty chứng khoán đánh giá là cơ hội đầu tư tốt, giá mục tiêu trong khoảng 1 năm từ 70.000 - 77.000 đồng/cổ phiếu.
Với cổ phiếu KSB của Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, từng có mức giá trên 50.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2017, đến nay chỉ còn khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu, trong khi hoạt động kinh doanh của Công ty tăng trưởng và biên lợi nhuận cải thiện đáng kể từ năm 2016 trở lại đây.
Đặc biệt, mỏ đá Tân Đông Hiệp có chất lượng đá tốt nhất Đông Nam Bộ được cấp phép khai thác sâu xuống -120m, đây là mỏ đá chiếm sản lượng lớn và đóng góp tỷ trọng lớn trong doanh thu của KSB. Ngoài ra, mảng bất động sản khu công nghiệp có nhiều tiềm năng khi giá cho thuê tăng trong bối cảnh nhu cầu tăng cao và KSB duy trì mức chi trả cổ tức hấp dẫn. Ở mức giá hiện tại, cổ phiếu KSB đang được định giá với P/E khoảng 4,3 lần, rất thấp so với P/E chung toàn thị trường khoảng 16 lần.
Trường hợp của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, sau 2 năm tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, mới đây Công ty đã đưa ra thị trường sản phẩm sữa đậu nành Fami Go, kỳ vọng sẽ đóng góp không nhỏ vào doanh thu mảng sữa đậu nành.
Mặc dù thị trường đường thế giới và trong nước vẫn trong tình trạng dư cung, khiến giá bán khó có thể tăng mạnh trở lại, nhưng với vị thế đầu ngành trong lĩnh vực sữa đậu nành, thị phần đạt trên 85%, kết hợp bổ sung phát điện sinh khối, Công ty Chứng khoán MB cho rằng, cổ phiếu QNS là cơ hội đầu tư tốt trong trung và dài hạn.
Năm 2019, động lực tăng trưởng của QNS là các sản phẩm sữa thực vật. Bên cạnh đó là kỳ vọng gia tăng công suất tại nhà máy Bình Dương nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng. Ngoài ra, Công ty tập trung vào mảng đường bằng việc mở rộng quy mô sản xuất và mảng điện sinh khối còn nhiều tiềm năng. Theo đó, QNS không chỉ giảm giá thành sản xuất đường, mà còn có nguồn thu khi bán điện ra bên ngoài.
Một số trường hợp trên cho thấy, ở những giai đoạn thị trường hưng phấn, mua được các cổ phiếu ở mức giá hiện tại là niềm mơ ước. Dĩ nhiên, mức giá cổ phiếu hiện nay ngoài ảnh hưởng bởi diễn biến thị trường chung còn có sự tác động bởi những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, sự sụt giảm của nhiều cổ phiếu là quá đà so với nội lực và tiềm năng của doanh nghiệp.
Theo thống kê và dự phóng lợi nhuận 50 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), 50 doanh nghiệp này hiện chiếm khoảng 50% vốn hóa toàn thị trường, mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 dự báo trong khoảng 14 - 16%, thấp hơn so với dự phóng tăng trưởng 25 - 26% năm 2018.
Định giá theo P/E giảm từ mức 20 lần (đầu năm 2018) về hơn 15 lần (phản ánh sự lo ngại về tăng trưởng thấp hơn so với năm 2018). Tuy nhiên, P/E này là mức trung bình, trong đó sẽ có những cổ phiếu P/E cao và cổ phiếu P/E thấp. Một khi dòng tiền rẻ dành cho thị trường chứng khoán không còn dồi dào thì P/E sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp nhiều hơn.
Có thể chia thành 3 nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư xem xét, bao gồm nhóm doanh nghiệp có nền tảng tốt (nhóm phòng thủ, tỷ lệ tiền mặt cao, mức độ sử dụng đòn bẩy thấp, cổ tức hấp dẫn…); ngành hưởng lợi từ vòng xoáy thương mại và nhóm có câu chuyện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Cụ thể, ở nhóm cơ bản, VDSC khuyến nghị, nhiệt điện là nhóm có thể xem xét. Với cổ phiếu có cổ tức cao thì cần so sánh với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Trong đó, có thể xem xét MSH - được đánh giá cao không chỉ vì duy trì cổ tức cao mà còn có triển vọng dài hạn tích cực từ các hiệp định thương mại tự do và khả năng tăng công suất trong các năm tới.
Ở nhóm doanh nghiệp đầu ngành tiêu dùng, tuy không có định giá rẻ, cạnh tranh gay gắt, nhưng triển vọng còn tích cực, nên sự điều chỉnh mạnh của giá cổ phiếu có thể xem là cơ hội giải ngân. Một số mã đáng quan tâm là MBB, HDB, MWG, PNJ, VNM, QNS, NT2, PPC.
Đối với nhóm ngành hưởng lợi từ làn sóng thương mại toàn cầu và tham gia sâu rộng các hiệp định thương mại tự do, qua đó có làn sóng dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam nhanh và nhiều hơn, các ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp như khu công nghiệp, kho vận, dệt may, bán lẻ, ô tô, thủy sản (cá tra), hưởng lợi gián tiếp là các ngành ngân hàng, bảo hiểm, hạ tầng.
Nhóm doanh nghiệp có câu chuyện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước dự kiến sẽ có diễn biến tích cực trong năm 2019, nhất là khi Bộ Tài chính đặt kỳ vọng thu về 50.000 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước, cao gần 50% so với thực hiện năm 2018. Nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu ACV, nhưng Rồng Việt khuyến nghị, mức định giá hiện nay chưa thực sự hấp dẫn.