Thị trường phân hóa, nhiều mã vừa và nhỏ nổi sóng

Thị trường phân hóa, nhiều mã vừa và nhỏ nổi sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu lớn VIC tiếp tục đóng vai trò động lực chính giúp VN-Index tiếp tục khởi sắc. Trong bối cảnh thị trường chung giao dịch phân hóa, nhiều mã vừa và nhỏ như CII, cùng loạt cổ phiếu nhỏ nhóm chứng khoán.

Mặc dù mở cửa khá thuận lợi nhưng áp lực bán lan rộng hơn khi thị trường đã trải qua 2 phiên khởi sắc và VN-Index tiến vào vùng cản lớn, đã khiến chỉ số chung quay đầu và chuyển qua trạng thái giằng co trong biên độ hẹp trước khi khép lại phiên sáng với mức giảm nhẹ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường nhanh chóng hồi phục sắc xanh. Tuy nhiên, với diễn biến giao dịch chung phân hóa và thanh khoản vẫn khá cầm chừng, đã khiến VN-Index khó bứt tốc.

Chỉ số chung đã đóng cửa với mức tăng gần 6 điểm và vẫn dao động dưới đường xu thế ngắn hạn MA20 ngày, tương đương mốc 1.235 điểm bởi tâm lý giao dịch khá thận trọng khi kỳ nghỉ lễ kéo dài đang cận kề. Trong đó, động lực chính của thị trường vẫn là VIC khi mã này tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp sau những thông tin doanh nghiệp chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên năm 2025 diễn ra ngày hôm qua 24/4.

Đóng cửa, sàn HOSE có 256 mã tăng và 220 mã giảm, VN-Index tăng 5,88 điểm (+0,48%), lên 1.229,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 798,6 triệu đơn vị, giá trị 17.662,5 tỷ đồng, tăng hơn 8% về khối lượng và 15,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 75,7 triệu đơn vị, giá trị 1.974,5 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, cổ phiếu VIC vẫn là điểm tựa chính khi đóng góp tới gần 4,2 điểm cho chỉ số chung, đóng cửa tăng 6,9% lên mức giá trần 67.000 đồng/CP với thanh khoản đạt 14,78 triệu đơn vị, dù khối ngoại đã bán ròng hơn 2,22 triệu đơn vị.

Ngoài VIC, một số mã lớn khác cũng hồi phục mạnh, tiếp thêm sức mạnh giúp VN-Index nới rộng biên độ về cuối phiên, như VJC tăng 6,2% lên mức giá cao nhất trong ngày 91.000 đồng/CP, VNM tăng 3,6%, MSN tăng 3,5%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh cặp đôi nóng CII – LGC vẫn khoe sắc tím, một số mã cũng đã kéo trần thành công như TDH, DRH, đặc biệt là cặp đôi nhỏ nhóm chứng khoán APG và ORS với khối lượng dư mua trần lớn. Kết phiên, ORS khớp lệnh khủng gần 11 triệu đơn vị và dư mua trần 1,92 triệu đơn vị, trong khi APG khớp xấp xỉ 2 triệu đơn vị và dư mua trần 1,68 triệu đơn vị.

Đồng thời, cả 2 mã nhỏ nhóm chứng khoán này đều được khối ngoại mua ròng khá mạnh, với APG được mua ròng hơn 1,4 triệu đơn vị. Hôm nay, APG đã tổ chức ĐHCĐ thường niên và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 tăng đột biến, cùng phương án tăng vốn thêm 3.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, CII vẫn là mã hấp thụ mạnh dòng tiền, đóng cửa tăng trần 6,7% lên mức 12.800 đồng/CP, với vị trí đứng thứ 3 về thanh khoản trên thị trường với hơn 25,3 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần gần 2,7 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, với sự dẫn dắt của VIC cùng đà tăng tích cực của VHM, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn thuộc top tăng tốt nhất thị trường.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng và chứng khoán vẫn điều chỉnh nhẹ với sắc đỏ chiếm ưu thế trong ngành. Cụ thể, ở dòng bank, điểm sáng nhất là MBB tăng 1,3% với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 2 trên thị trường, đạt hơn 40,7 triệu đơn vị; trong khi SHB, VPB, STB, TPB, VCB, CTG, ACB… đều mất điểm, với SHB giảm nhẹ 0,8% và khối lượng khớp lệnh sôi động nhất, đạt hơn 71,7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng đảo chiều hồi phục thành công về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 84 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index tăng 0,65 điểm (+0,31%) lên 211,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,1 triệu đơn vị, giá trị hơn 799 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,17 triệu đơn vị, giá trị 49,58 tỷ đồng.

Top 5 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường đều diễn biến kém khởi sắc, trong đó cặp đôi chứng khoán SHS và MBS đều đóng cửa đứng giá tham chiếu, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 10,3 triệu đơn vị và hơn 3 triệu đơn vị.

Còn lại các mã, CEO giảm 1,6% và khớp 4,84 triệu đơn vị, PVS giảm 0,8% và khớp 2,73 triệu đơn vị, SVN giảm sàn và khớp 2,6 triệu đơn vị.

Điểm sáng vẫn là các cổ phiếu chứng khoán nhỏ, với VIG đóng cửa tăng kịch trần và khớp 2,35 triệu đơn vị, VFS tăng 3,9% và khớp 2,26 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì diễn biến tăng nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,44 điểm (+0,48%), lên 92,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71 triệu đơn vị, giá trị 654 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 14,5 tỷ đồng.

Trái với diễn biến các cổ phiếu chứng khoán vừa và nhỏ niêm yết trên sàn, SBS đã có phiên giao dịch ảm đạm khi đóng cửa giảm 13,8% xuống mức giá sàn 5.000 đồng/Cp với thanh khoản đột biến tới 11,26 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 0,4 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý như AAH tăng kịch trần và khớp 6,96 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần gần nửa triệu đơn vị, MSR cũng tăng vọt 10% trong ngày ĐHCĐ thường niên với thanh khoản đạt hơn 5 triệu đơn vị…

Ngoài ra, các mã ngân hàng cũng giao dịch khởi sắc như VAB tăng 4,7%, BVB tăng 0,8%, ABB tăng 1,4% với thanh khoản đạt hơn 1-2 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2505 tăng 4,9 điểm, tương đương 0,4% lên 1.311,9 điểm, khớp lệnh hơn 197.260 đơn vị, khối lượng mở hơn 43.980 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CMBB2502 có thanh khoản tốt nhất đạt hơn 3,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 9,3% lên mức 1.640 đồng/cq.

Tin bài liên quan