Thị trường phân hóa, điểm nóng thuộc về các mã vừa và nhỏ

Thị trường phân hóa, điểm nóng thuộc về các mã vừa và nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chung giao dịch phân hóa và nhờ sự dẫn dắt của dòng bank, chỉ số VN-Index tiếp tục xác nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Tâm điểm đáng chú ý của thị trường vẫn thuộc về các cổ phiếu vừa và nhỏ như GEX, hay bộ đôi HPX - AGM...

Áp lực chốt lời sau 2 phiên hồi phục mạnh cùng tâm lý ngày thứ Sáu đã khiến thị trường giao dịch chững lại trong phiên chiều. Sự phân hóa trên thị trường chung là nguyên nhân khiến VN-Index khó có động lực bật cao như đầu phiên sáng. Chỉ số VN-Index duy trì trạng thái lình xình trên mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều, thậm chí có thời điểm bị đẩy về sát mốc tham chiếu khi nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép.

Kết phiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là động lực chính giúp thị trường ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp và xác nhận đỉnh ngắn hạn tại mốc 1.281,8 điểm. Đáng chú ý, thanh khoản thị trường vẫn sôi động với gần 35.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trên sàn HOSE, tuy nhiên phiên chiều có dấu hiệu chững lại khi chỉ đóng góp khoảng 13.000 tỷ đồng.

Những diễn biến trên cho thấy đà tăng của thị trường đã dần suy yếu cả về điểm số và thanh khoản. Đặc biệt là khi VN-Index đang tiến vào vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm, nên những nhịp rung lắc là điều rất dễ xảy ra.

Chốt phiên, sàn HOSE có 248 mã tăng và 231 mã giảm, VN-Index tăng 5,38 điểm (+0,42%), lên 1.281,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 1,38 tỷ đơn vị, giá trị hơn 34.734 tỷ đồng, tăng 10,4% về khối lượng và 17,29% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 196,92 triệu đơn vị, giá trị hơn 5.470 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa với 15 mã tăng và 12 mã giảm, kết phiên chỉ số nhóm này tăng chưa tới 3 điểm, chủ yếu là nhờ sự đóng góp của các cổ phiếu ngân hàng.

Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, tâm điểm của dòng tiền vẫn là cổ phiếu GEX khi cả khối ngoại và nhà đầu tư trong nước vẫn tham gia “nhiệt tình”. Kết phiên, GEX tăng 6,4% lên mức 24.950 đồng/CP và thanh khoản đột biến tới hơn 72 triệu đơn vị. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại cũng đã mua ròng tới gần 7,8 triệu cổ phiếu GEX.

Điểm nóng thị trường vẫn thuộc về 2 mã mới trở lại thị trường sau 6 tháng bị đình chỉ giao dịch, đó là HPX và AGM đều đóng cửa trong trạng thái dư mua trần. Trong đó, HPX khớp lệnh hơn 2,33 triệu đơn vị và dư mua trần tới 20,25 triệu đơn vị, còn AGM khớp 2,72 triệu đơn vị và dư mua trần 85.000 đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các nhóm chủ yếu biến động tăng giảm chưa tới 1%. Và như đã nói ở trên, các cổ phiếu ngân hàng vẫn là động lực chính của thị trường dù biên độ tăng giảm đáng kể. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu lớn là VCB, BID và CTG đều đóng góp hơn 1 điểm cho chỉ số chung, đóng cửa tăng trên dưới 2%.

Các cổ phiếu ngân hàng đều hạ nhiệt, trong đó MBB cũng không ngoại trừ khi chỉ còn tăng 1,2%, đóng cửa đứng ở mức 25.050 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn sôi động nhất ngành, đạt hơn 41,53 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép vẫn tích cực với HPG tăng 1% lên 30.550 đồng/CP và khớp 37,38 triệu đơn vị; HSG tăng 2,4% lên 23.250 đồng/CP và khớp hơn 31,32 triệu đơn vị, còn NKG tăng nhẹ.

Các nhóm cổ phiếu lớn khác như chứng khoán, bất động sản đều đóng cửa tăng nhẹ. Đáng kể có một vài điểm sáng trong ngành như KBC xác nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp, lên mức 35.700 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất của KBC trong hơn 1 năm qua, đồng thời thanh khoản vẫn sôi động với 21,47 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đặc biệt hơn là cổ phiếu chứng khoán BSI đóng cửa tăng 5,93% lên mức giá 62.500 đồng/CP. Đây là mức giá cao nhất của BSI từ trước đến nay và nếu tính trong khoảng 1 năm thì giá cổ phiếu này đã tăng gần gấp 3 lần.

Ở chiều ngược lại, các nhóm nông – lâm – ngư; dịch vụ tư vấn, hỗ trợ; công nghệ và thông tin giảm mạnh nhất đều chưa tới 1%

Trên sàn HNX, sau nhịp hạ độ cao ở cuối phiên sáng, thị trường cũng trở nên giằng co trong phiên chiều và may mắn vẫn giữ được sắc xanh nhạt trước sự phân hóa của thị trường chung.

Đóng cửa, sàn HNX có 90 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,54 điểm (+0,22%), lên 241,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 119,6 triệu đơn vị, giá trị 2.510,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,87 triệu đơn vị, giá trị 37,47 tỷ đồng.

Top 5 cổ phiếu thanh khoản trên sàn HNX đều biến động trong biên độ hẹp. Trong đó SHS dẫn đầu khi khớp 30,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,5%; tiếp theo là CEO tăng 0,9% và khớp 24,14 triệu đơn vị; PVS tăng 0,3% và khớp 7,4 triệu đơn vị; MBS tăng 1% và khớp 5,36 triệu đơn vị; chỉ duy nhất HUT là giảm 1% và khớp 4,34 triệu đơn vị.

Nhiều mã khác trong rổ HNX30 cũng chỉ biến động trong phạm vi khoảng 1%, điểm sáng là PLC kết phiên tăng 6,6% lên mức giá cao nhất ngày 33.900 đồng/CP và L14 tăng 5,7%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, VC7 có phiên giao dịch đột biến khi đóng cửa tăng kịch trần lên mức giá 13.500 đồng/CP, thanh khoản lên tới 3,82 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường tiếp tục rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu trong suốt phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,15%), lên 90,95 điểm với 198 mã tăng và 112 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 58,58 triệu đơn vị, giá trị 596,86 tỷ đồng.

Tâm điểm của thị trường là cổ phiếu DDV khi bất ngờ tăng vọt với biên độ 10,3%, đóng cửa leo lên mức giá 16.000 đồng/Cp, thanh khoản đột biến với 4,19 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra, NED cũng ấn tượng khi tăng 7,4% và đóng cửa đứng ở mức giá cao nhất trong ngày 7.300 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường với 3,24 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Cổ phiếu BSR vẫn có giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt 6,76 triệu đơn vị, kết phiên chỉ tăng nhẹ 0,5% lên 19.300 đồng/CP.

Ở nhóm chứng khoán, trong khi SBS đảo chiều giảm nhẹ 1,3%, thì AAS vẫn giữ mức tăng 1,1%, còn DSC tiếp tục tỏa sáng khi đóng cửa tăng 4,5%, thanh khoản đều đạt một vài triệu đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ chưa tới 5 điểm, trong đó, VN30F2404 đáo hạn gần nhất là ngày 17/4 tăng 2 điểm, tương đương +0,2% lên 1.284,4 điểm, khớp lệnh hơn 270.640 đơn vị, khối lượng mở gần 39.450 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CSTB2322 vẫn có giao dịch vượt trội với khối lượng giao dịch 7,17 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 2,9% lên 700 đồng/cq.

Tin bài liên quan