Nhân viên môi giới HSC hướng dẫn nhà đầu tư thao tác trên hệ thống giao dịch

Nhân viên môi giới HSC hướng dẫn nhà đầu tư thao tác trên hệ thống giao dịch

Thị trường phái sinh, quan trọng là chuẩn hóa ngay từ đầu

(ĐTCK) Là người tham gia trực tiếp vào quá trình chuẩn bị để Công ty Chứng khoán HSC trở thành một trong những công ty tiên phong cung cấp sản phẩm phái sinh, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC chia sẻ những góc nhìn về thị trường mới mẻ này. 

HSC là một thành viên sát cánh cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) từ những ngày đầu chuẩn bị cho sự ra đời của thị trường phái sinh, ông có thể chia sẻ cảm nhận của ông về sự vào cuộc của các bên khi “giờ G” không còn xa nữa?

Trong vòng hơn 2 năm qua, UBCK đã dồn công sức để soạn thảo các văn bản về luật, tổ chức các hội nghị phổ biến. Tôi đánh giá rất cao việc cơ quan quản lý đã dành rất nhiều nỗ lực để phổ biến kiến thức cho thị trường, đưa một thị trường hoàn toàn mới về mặt khái niệm, sản phẩm và giao dịch vào Việt Nam.

Thị trường phái sinh khác với thị trường chứng khoán cơ sở ở mấy điểm chính: cách thức giao dịch, địa điểm giao dịch khác nhau, phương thức thanh toán, ý nghĩa thanh toán và nhà đầu tư khác nhau nên công tác đào tạo, phổ biến kiến thức rất quan trọng.

Ông Trịnh Hoài Giang 

Nhiều hội thảo, hội nghị đã được tổ chức, các chuyên gia quốc tế được mời đến phổ biến kiến thức cho Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều hoạt động đó, thị trường cần có thời gian để hấp thu và hiểu rằng thị trường phái sinh làm cho đồng tiền vốn đã thông minh trong thị trường chứng khoán sẽ lại thông minh thêm nữa, sản phẩm trên thị trường được đa dạng hơn, giá trị giao dịch cao hơn và thị trường hiệu quả hơn.

Thị trường phái sinh làm cho thị trường cơ sở có độ sâu hơn, giúp nhà đầu tư  có nhiều cơ hội hơn, ví dụ như dự báo thị trường, phòng ngừa rủi ro…  và đây là một trong ba trụ cột của thị trường vốn bên cạnh thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. 

Vậy theo ông, thị trường phái sinh liệu có kịp vận hành trong vài tháng tới?

Song song với đào tạo và phổ biến kiến thức thì UBCK đã soạn thảo Nghị định 42 và Thông tư số 11 về thị trường phái sinh. Các đơn vị khác cũng đang lấy ý kiến xây dựng các quy chế, quy trình liên quan và khi mà luật chưa ra đời thì nhiều việc liên quan còn phải đợi như xin giấy phép. Tôi cho rằng, khoảng thời gian hoàn tất các khâu chuẩn bị cho thị trường phái sinh đi vào vận hành là khá căng.

Vừa rồi, tôi có đi dự nhiều hội thảo, hội nghị, và cũng đang thực hiện các bước chuẩn bị như là test hệ thống giữa thành viên và sở giao dịch chứng khoán, test hệ thống bù trừ giữa thành viên bù trừ và thanh toán bù trừ và test hệ thống thanh toán giữa thành viên giao dịch và ngân hàng thanh toán.

Tất cả những việc test đó phải thực hiện trong tháng 11 và 12, dự kiến hoàn tất trong tháng 12 để sang năm bắt đầu giao dịch. Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm thanh toán, trung tâm bù trừ và ngân hàng thanh toán đều có những bước đi cụ thể để sẵn sàng giao dịch vào quý I/2017.

Tuy nhiên, các thành viên thị trường vẫn đang muốn có thêm thời gian để chuẩn bị. Mới chỉ có khoảng 5 - 7 công ty chứng khoán đã chuẩn bị, các công ty còn lại tham gia sau. Đây cũng đã là một sự cố gắng của sở giao dịch chứng khoán, trung tâm bù trừ, công ty chứng khoán.

HSC đã chuẩn bị như thế nào để tham gia thị trường phái sinh và ông có khuyến nghị gì cho công tác xây dựng thị trường?

HSC là một trong những thành viên chuẩn bị tích cực cho việc ra đời của thị trường phái sinh. Chúng tôi tham gia vào các việc như góp ý hệ thống các văn bản luật về phái sinh, góp ý vào sự chuẩn bị.

Nội bộ HSC đã có sự chuẩn bị từ rất lâu, trên 4 khía cạnh: sản phẩm, quy trình vận hành như quy trình giao dịch, thanh toán, quản lý rủi ro, tuân thủ…; hệ thống giao dịch, đang trong bước cuối cùng để sẵn sàng trong quý I/2017 thực hiện giao dịch đầu tiên; phát triển kinh doanh và đang thực hiện thủ tục xin giấy phép. Khi thị trường vận hành vào năm 2017, HSC có thể tham gia được, nhưng chúng tôi muốn sản phẩm được chuẩn bị một cách kỹ càng, chứ không nhất thiết phải là công ty đầu tiên vận hành. Còn nhiều việc phải làm, nhưng các vấn đề chủ yếu chúng tôi đã thực hiện.

Bản thân tôi cũng tham gia một số dự án, tôi thấy việc hoàn thiện sản phẩm phải thực hiện liên tục làm trong quá trình thực hiện, nhưng nên chuẩn hóa ngay từ đầu. Chuẩn hóa sản phẩm, chuẩn hóa giao dịch, chuẩn hóa thanh toán, chuẩn hóa bù trừ và tất cả nên học tập theo thông lệ quốc tế, theo thị trường tiên tiến.

Tin bài liên quan