Thị trường phái sinh: Hạn chế nhưng tiềm năng

(ĐTCK-online) Bắt đầu xuất hiện tại các thị trường phát triển từ những năm 80 của thế kỷ trước, hiện các công cụ tài chính phái sinh đã được các ngân hàng thương mại trên thế giới sử dụng rộng rãi như những công cụ bảo hiểm rủi ro cho khách hàng. Nhưng tại Việt Nam, sau khoảng 7 năm có mặt trên thị trường, doanh số từ các sản phẩm phái sinh của các ngân hàng vẫn không đáng kể.

Tiềm năng

Từ đầu năm đến nay, trên thị trường quốc tế, xăng dầu có sự tăng giá với tốc độ chóng mặt. Tại Việt Nam , nếu tăng giá xăng dầu thì ảnh hưởng tới chi phí sản xuất đầu vào, giá cả tiêu dùng… còn không tăng thì doanh nghiệp nhập khẩu lỗ nặng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới tăng lên.

Theo các chuyên gia ngân hàng, hợp đồng phái sinh xăng dầu có thể giải quyết vấn đề này, thay vì Chính phủ phải bù giá vốn cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu để ổn định giá xăng dầu trên thị trường.

Cụ thể, thay vì mua hợp đồng mua ở mức giá hiện tại, chỉ cần các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu mua hợp đồng kỳ hạn xăng dầu tại một thời điểm xác định trong tương lai với một mức giá xác định thì mọi sự biến động về giá xăng dầu quốc tế sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch giá của doanh nghiệp.

Tương tự như vậy là rủi ro tỷ giá khi tỷ giá VND/USD biến động khá mạnh so với các năm trước, cho dù sự tác động chưa lớn khi ngoại tệ chính được sử dụng là USD vẫn chịu sự điều tiết mạnh từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo Ngân hàng Quân đội, sự biến động tỷ giá thời gian qua chỉ trong khoảng +/-0,25%, nhưng sẽ có tác động mạnh tới các hợp đồng xuất nhập khẩu có giá trị lớn. Ví dụ, giá trị một hợp đồng nhập khẩu của công ty A ký vào ngày 3/7/2007 với tỷ giá USD/VND là 16.139 đồng. Họ phải thanh toán vào thời điểm 3/8/2007, lúc đó tỷ giá là 16.164 đồng, chênh lệch tỷ giá là 25 đồng. Như vậy, với mỗi một USD phải thanh toán, doanh nghiệp phải bù thêm 25 đồng. Nếu đó là hợp đồng trị giá 1 triệu USD, VND phải bù đắp do chênh lệch tỷ giá là 25 triệu đồng.

Đó là USD, còn đối với các đồng tiền khác như yên Nhật hay Euro với tỷ giá được "thả tự do" thì mức biến động còn lớn hơn và khi đó sẽ tác động rất mạnh tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng các đồng tiền này.

Để phòng ngừa rủi ro vượt dự kiến của doanh nghiệp, nhiều sản phẩm phái sinh như giao dịch kỳ hạn (Forward), hoán đổi (Swaps), quyền chọn (Options) và tương lai (Futures) đã được một số ngân hàng triển khai như Vietcombank, BIDV, Techcombank, HSBC…

Tuy nhiên, theo số liệu của Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ doanh thu từ các sản phẩm phái sinh trên tổng doanh thu của các ngân hàng thương mại trong các năm 1995, 2000 và 2006 chỉ là 11,7%, 15,4%, và 17,5%. Trong khi đó, theo báo cáo của IMF, thị trường phái sinh quốc tế có sự tăng trưởng rất mạnh, tính riêng từ đầu năm 2007 đến nay đã tăng 30% và đạt quy mô khoảng 370 tỷ USD.

Ông Trần Hà Nguyên, chuyên gia của Viện Chiến lược phát triển cho biết, với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định thì tiềm năng của thị trường phái sinh Việt Nam là rất lớn. Hiện nay, Việt Nam có trên 7.000 doanh nghiệp có quy mô vốn 30 - 50 tỷ đồng/doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp này phát triển, nhu cầu với các sản phẩm phái sinh sẽ ngày càng tăng.

 

Những rào cản

Theo các chuyên gia ngân hàng, do sản phẩm phái sinh khá phức tạp nên hiện nay, các doanh nghiệp trong nước vẫn ngại sử dụng. Thêm vào đó, hiểu biết của doanh nghiệp về các sản phẩm này vẫn còn rất hạn chế. Ngân hàng HSBC tại Việt Nam , sau 2 năm triển khai các sản phẩm phái sinh, mới chỉ có vài doanh nghiệp sử dụng. Có trường hợp thực hiện giao dịch hoán đổi giữa hai đồng tiền, ngân hàng này mất tới 6 tháng để giải thích, thỏa thuận với khách hàng.

Trong khi đó, các ngân hàng vẫn còn yếu trong tuyên truyền, tiếp cận khách hàng. Lãnh đạo của một ngân hàng quốc doanh cho biết, lý do một phần vì doanh thu của các sản phẩm phái sinh vẫn còn hạn chế nên các ngân hàng chưa quan tâm đúng mức tới việc quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các điều kiện của thị trường hiện nay chưa thực sự thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm phái sinh. Trước hết, do chính sách ổn định tỷ giá đồng Việt Nam của NHNN nên những năm gần đây, tỷ giá VND/USD biến động không đáng kể. Vì vậy, các doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng công cụ phái sinh để phòng chống rủi ro tỷ giá (trong khi các hợp đồng phái sinh gắn với tỷ giá chiếm tỷ trọng lớn thứ hai sau lãi suất với 14% tổng giá trị thị trường trên thế giới).

Thứ hai, theo các chuyên gia của Vietcombank, lãi suất thả nổi với VND (lãi suất VNIBOR) chưa thực sự phản ánh chính xác lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Thiếu một lãi suất tham chiếu chuẩn cũng là một lý do khiến các doanh nghiệp ngần ngại trong phòng ngừa rủi ro lãi suất. Hiện các khoản tín dụng trên thị trường đa số áp dụng lãi suất cố định (ước tính khoảng 90%). Với lãi suất cố định, người vay sẽ không cần các nghiệp vụ phái sinh để hạn chế biến động lãi suất.