Giao dịch đột biến khi thị trường cơ sở lao dốc
Thanh khoản của thị trường chứng khoán phái sinh thời gian qua đã tăng đột biến so với giai đoạn mới đi vào vận hành, điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi sản phẩm chứng khoán phái sinh ngày càng được nhiều nhà đầu tư biết tới. Điều gây chú ý hơn khi nhìn lại diễn biến giao dịch của thị trường này chính là khối lượng và giá trị giao dịch tăng vọt trong những giai đoạn thị trường chứng khoán cơ sở biến động mạnh.
Cụ thể, thanh khoản của thị trường này bắt đầu tăng nhanh kể từ tháng 4/2022, sau khi chỉ số VN-Index để mất mốc 1.500 điểm và bước vào nhịp điều chỉnh lớn. Ngoài hoạt động đầu cơ, việc “short” phái sinh cũng là một phương án để các nhà đầu tư phòng vệ, giảm thiệt hại cho danh mục cổ phiếu của mình khi thị trường chứng khoán lao dốc.
Giá trị giao dịch danh nghĩa trên thị trường phái sinh thường xuyên duy trì ở mức trên 30.000 tỷ đồng/phiên, kỷ lục giá trị giao dịch hơn 62.000 tỷ đồng được thiết lập ở phiên 21/6/2022.
Tại phiên VN-Index “thủng” đáy 16 tháng thiết lập ngày 6/7 vừa qua, đã có hơn 49.000 tỷ đồng (giá trị danh nghĩa) giao dịch trên thị trường phái sinh. Mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn, nhưng khối tự doanh của các công ty chứng khoán đã giao dịch tới 12.744 hợp đồng phái sinh trong phiên này, cao gấp gần 4 lần nhiều phiên trước, với giá trị giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng.
Tương quan giá trị giao dịch khớp lệnh phái sinh và giá trị khớp lệnh sàn HOSE. |
Trong tháng 7/2022, khối lượng mở (OI) hợp đồng tương lai vẫn tăng 0,72% so với tháng trước, đạt 40.232 hợp đồng tại phiên giao dịch cuối tháng 7/2022, đây cũng là mức OI cuối tháng cao nhất từ đầu năm đến nay.
Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 6/7/2022 có khối lượng mở đạt 49.368 hợp đồng, khối lượng giao dịch phiên này cũng đạt mức cao nhất trong tháng 7 với 400.160 hợp đồng.
Ngược lại, thanh khoản thị trường cơ sở trong giai đoạn này có dấu hiệu cạn kiệt. Từ cuối tháng 4, thanh khoản của sàn HOSE rơi xuống vùng 12.000 tỷ đồng/phiên và dao động ở mức 9.000 tỷ đồng cho tới 18.000 tỷ đồng từ đó đến nay, trong khi giai đoạn trước thường xuyên ở mức 20.000 - 30.000 tỷ đồng.
Trước những diễn biến trên, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận xét: “Ở một chừng mực nào đó, sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN-30 đã phát huy được khả năng bảo vệ danh mục cho nhà đầu tư trong những giai đoạn thị trường xuất hiện xu hướng mạnh, nhất là ở những nhịp giảm điểm nhanh trong quãng thời gian tương đối ngắn như đã xảy ra trong quý II/2022”.
Dòng tiền tìm đến kênh sinh lời
Trên thị trường chứng khoán, dòng tiền luôn tìm đến những cổ phiếu có khả năng sinh lời cao và chứng khoán phái sinh cũng không phải là ngoại lệ. Khi các mã cổ phiếu cơ sở gặp khó khăn lúc thị trường chung giảm, dòng tiền thông minh sẽ tìm tới chứng khoán phái sinh (do đây là sản phẩm được phép giao dịch bán khống) để tìm kiếm lợi nhuận. Hơn nữa, các tổ chức và nhà đầu tư lớn sử dụng chứng khoán phái sinh như một công cụ phòng ngừa rủi ro khi thị trường giảm.
Khi thị trường giảm, với quy mô giá trị tài sản ròng (NAV) lớn, các tổ chức và nhà đầu tư lớn không thể bán hết danh mục của mình một cách nhanh chóng như những nhà đầu tư nhỏ lẻ, để giảm thiệt hại cho danh mục cơ sở của mình, nhà đầu tư tổ chức sẽ mở vị thế short hợp đồng phái sinh.
Với cách giao dịch này, thua lỗ ở danh mục cơ sở sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận từ vị thế short hợp đồng phái sinh.
Tuy nhiên, theo dõi số liệu trên thị trường phái sinh Việt Nam, có thể thấy, việc giao dịch kiểu phòng hộ danh mục này không nhiều, chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng khối lượng giao dịch hàng ngày.
Đối với giao dịch quay vòng và sử dụng đòn bẩy (margin) cao của những nhà giao dịch chuyên nghiệp, đây mới là nhân tố chính đẩy khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh tăng mạnh khi thị trường cơ sở có biến động lớn. Do chứng khoán phái sinh đã có cơ chế cho phép giao dịch trong ngày, cộng với độ biến động lớn khi thị trường cơ sở giảm mạnh nên nhà đầu tư giao dịch phái sinh có thể thực hiện long/short nhiều lần trong ngày, tận dụng cả những nhịp hồi ngắn để tối đa hóa lợi nhuận.
Với tỷ lệ ký quỹ giao dịch phái sinh yêu cầu hiện nay của các công ty chứng khoán là 15% (tương đương với tỷ lệ margin khoảng 1:7), bên cạnh đó, một số công ty chứng khoán có thêm cơ chế hợp tác đầu tư, hay nói cách khác là cho vay thêm margin để nộp ký quỹ lên Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), nhà đầu tư có thể đẩy tỷ lệ đòn bẩy lên 1:25 đến 1:30. Cũng giống như việc sử dụng margin khi cổ phiếu cơ sở tăng mạnh, dùng margin trong giao dịch phái sinh cũng giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận khi thị trường thuận lợi.
Kết hợp những yếu tố này, chỉ cần một lượng tiền nhỏ đổ vào thị trường phái sinh cũng có thể đẩy giá trị giao dịch tăng lên rất nhiều.
Khối lượng giao dịch phái sinh chỉ tăng mạnh khi thị trường cơ sở có biến động mạnh (cả khi giảm mạnh và khi hồi phục nhanh). Khi thị trường đi vào giai đoạn tích lũy tạo đáy như hiện nay, khối lượng giao dịch phái sinh trở về như lúc trước khi thị trường giảm mạnh.
Nhà đầu tư tìm cơ hội ở thị trường phái sinh khi thị trường cơ sở điều chỉnh là chiến lược hợp lý.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư tìm cơ hội ở thị trường phái sinh khi thị trường cơ sở điều chỉnh là chiến lược hợp lý. Khi đà giảm thị trường vẫn đang duy trì và chiến lược “short” trên phái sinh đang mang lại hiệu quả và quản trị rủi ro giảm giá của danh mục.
Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng có thể thấy, sau 5 năm đi vào vận hành giao dịch, chứng khoán phái sinh đã ít nhiều phát huy được những ưu điểm của mình. Bên cạnh vai trò là công cụ phòng hộ rủi ro cho danh mục cơ sở khi thị trường giảm mạnh, phái sinh cũng là sản phẩm thu hút được sự quan tâm và tham gia của rất nhiều nhà đầu tư đam mê giao dịch.
Với định hướng trong thời gian sắp tới, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, thị trường cơ sở sẽ triển khai cơ chế giao dịch T0 và xa hơn nữa là cho phép giao dịch bán khống, thị trường phái sinh là cơ hội trải nghiệm thú vị cho nhà đầu tư.