Thị trường phái sinh: Chậm mà chắc!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phái sinh vẫn duy trì được xu thế tăng nhưng có phần “đuối sức” ở các phiên cuối tuần trước, khả năng thị trường có sự chùng xuống trong các phiên đầu tuần này là khá cao để tạo đà cho quá trình đi lên bền vững trong bối cảnh dòng tiền tham gia vốn đang rất hạn hẹp.

Đây đơn thuần có thể là những phiên điều chỉnh kỹ thuật. Các góc nhìn về dòng tiền, sự lan tỏa hay xu hướng các ngành dẫn dắt cũng đang dần dần được cải thiện dù tốc độ còn rất chậm. Do đó, chiến lược Mua (Long) sẽ chỉ được ưu tiên trong các nhịp điều chỉnh thay vì cố gắng mua đuổi theo đà tăng!

Thị trường chứng khoán toàn cầu ở pha tăng

Thị trường chứng khoán quốc tế duy trì được đà tăng. Bức tranh luân chuyển của các loại tài sản không có nhiều chuyển biến mới trong tuần qua, giá dầu, giá USD gần như đi ngang.

Diễn biến đáng chú ý nhất trong tuần qua là nhịp giảm mạnh của chỉ số Shanghai, nhưng dường như điều này không làm ảnh hưởng đến các chỉ số chứng khoán ở Mỹ và châu Á, trong đó có VN-Index. Nhìn chung, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn đang trong pha tăng, nhưng VN-Index tỏ ra yếu hơn so với mặt bằng chung của thị trường chứng khoán quốc tế.

Thị trường phái sinh: Chậm mà chắc! ảnh 1

Mặt bằng chung của TTCK toàn cầu vẫn ở pha tăng.

Từ góc nhìn dòng tiền lớn, khối ngoại đang hạn chế mức bán ròng. Dù vẫn tiếp tục xu thế bán ròng trong thời gian vừa qua (tính từ đầu tháng 7 khối ngoại bán ròng hơn 600 tỷ đồng trên VN30) nhưng tốc độ bán ròng của khối ngoại đã thu hẹp rất đáng kể, thậm chí có hiện tượng mua ròng trở lại vào phiên giao dịch gần nhất (khoảng 30 tỷ đồng).

Sức ép đến từ khối ngoại được hạn chế có thể được xem là chất xúc tác tích cực cho khả năng tiếp diễn xu hướng của thị trường được thuận lợi hơn.

Trong khi đó, từ phân tích kỹ thuật, dù gặp không ít khó khăn, nhưng các chỉ số vẫn dìu dắt đi lên một cách mạch lạc. Việc  giá đi lên chậm như vậy không phải diễn biến gây bất ngờ, bởi dòng tiền tiếp tục tỏ ra thờ ơ với đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tâm lý dòng tiền có những chuyển biến tốt, dòng tiền có sự tự tin hơn đôi chút so với tuần trước đó. Điều này được phản ánh qua việc độ lệch giữa phái sinh và cơ sở có những thời điểm chuyển sang dương. Cả VN30 và VN30F đều có hỗ trợ quan trọng quanh vùng 795 - 800 điểm.

Thị trường phái sinh: Chậm mà chắc! ảnh 2

Diễn biến chỉ số VN30 VÀ VN30F.

Dòng tiền vẫn ì ạch

Dòng tiền tham gia vẫn rất kém, các chỉ số không tạo thành những phiên bùng nổ dù có những thời điểm thuận lợi. Đây là hệ quả của việc dòng tiền đầu cơ chỉ chọn nhóm cổ phiếu vốn hòa vừa (mid-caps) với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II/2020 khả quan, thay vì các cổ phiếu vốn hóa lớn phần nhiều có kết quả kinh doanh ảm đạm.

Thị trường phái sinh: Chậm mà chắc! ảnh 3

Thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn.

Tuy nhiên, đà lan tỏa tiếp tục có những cải thiện khi nhiều cổ phiếu có sự trỗi dậy sau khoảng thời gian im lìm. Sự lan tỏa vẫn ủng hộ cho quan điểm thị trường chung đang trong quá trình tiếp diễn xu hướng tăng.

Thị trường phái sinh: Chậm mà chắc! ảnh 4

Mức độ lan tỏa của dòng tiền.

Hiện tại, thị trường đang có 2 nhóm trụ là Thực phẩm đồ uống và Bất động sản. Hiệu ứng từ 2 nhóm này không nhanh và mạnh như nhóm Ngân hàng nên dễ hiểu tại sao thị trường chung không tạo được sự bùng nổ.

Trạng thái này có thể sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Xu hướng của thị trường đang phụ thuộc tương đối nhiều vào xu hướng của nhóm Bất động sản (VHM) và Thực phẩm đồ uống (SAB), nếu 2 nhóm này mất đà thì thị trường chung dễ “cùng cảnh ngộ”.

Thị trường phái sinh: Chậm mà chắc! ảnh 5

Các trụ cột cho đà tăng của thị trường.

Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Ưu tiên bám theo đà tăng

Phái sinh vẫn duy trì được xu thế tăng nhưng có phần “đuối sức” ở các phiên cuối tuần, khả năng thị trường có sự chùng xuống trong các phiên đầu tuần là khá cao để tạo đà cho quá trình đi lên bền vững trong bối cảnh dòng tiền tham gia vốn đang rất hạn hẹp. Đây đơn thuần có thể là những phiên điều chỉnh kỹ thuật. Các góc nhìn về dòng tiền, sự lan tỏa hay xu hướng các ngành dẫn dắt đang dần được cải thiện dù tốc độ còn rất chậm. Do đó, chiến lược Mua (Long) sẽ chỉ được ưu tiên trong các nhịp điều chỉnh thay vì cố gắng mua đuổi theo đà tăng!

Thị trường phái sinh: Chậm mà chắc! ảnh 6

Diễn biến VN30F1M.

Cụ thể, vị thế Mua (Long) sẽ được cân nhắc khi chỉ số phái sinh VN30F1M điều chỉnh về khu vực hỗ trợ mạnh 795 - 800 điểm. Điều này cũng đồng nghĩa với chiến lược Bán (Short) sẽ được ưu tiên hơn ở các phiên đầu tuần khi giá hưng phấn lên vùng giá 815 - 820 điểm, vị thế Short chỉ nên được giao dịch trong phiên.

Tin bài liên quan