Thị trường ống nhựa cạnh tranh quyết liệt

Thị trường ống nhựa cạnh tranh quyết liệt

(ĐTCK-online) Chiếm giữ 80% thị phần thị trường ống nhựa tại miền Bắc và miền Nam, động thái của 2 doanh nghiệp Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh luôn đóng vai trò chi phối thị trường. Tuy nhiên, hiện bản thân 2 "ông lớn" cũng không cát cứ tại thị trường của riêng mình mà đều có chiến lược mở rộng hoạt động tại các thị trường truyền thống của nhau. Cuộc cạnh tranh trên thị trường ống nhựa do vậy càng trở nên quyết liệt hơn.

CTCP Nhựa Bình Minh hiện có nhu cầu mở các đại lý bán sản phẩm tại khu vực phía Bắc từ Quảng Trị trở ra và đăng thông báo tìm các cửa hàng đại lý nhằm phục vụ cho chiến dịch mở rộng thị trường. Có nhà máy lớn nhất tại Bình Dương, Nhựa Bình Minh vẫn đầu tư thêm một nhà máy nữa tại Hưng Yên (miền Bắc) và hiện Công ty TNHH Nhựa Bình Minh miền Bắc đang thực hiện các biện pháp để tăng thị phần.

Tương tự Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong có nhà máy lớn tại Hải Phòng, năm 2007 lại quyết định mở thêm một nhà máy mới tại Bình Dương, CTCP Nhựa Tiền Phong phía Nam. Năm 2011, Nhựa Tiền Phong quyết định không tham gia đợt tăng vốn vào Nhựa Tiền Phong phía Nam để các cổ đông khác (chủ yếu là các nhà phân phối) tăng tỷ lệ sở hữu tại đây, có thêm động lực gắn bó họ với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài sự cạnh tranh của hai thương hiệu lớn này, thị trường còn có sự tham gia của các thương hiệu khác như Phúc Hà, Cúc Phương, Minh Hùng, Đệ nhất, Vinaconex, Sino… khiến mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Sản phẩm ống nhựa được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực như: xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp, bưu chính, viễn thông,… Do đó, tiềm năng phát triển của ngành ống nhựa ở Việt Nam là rất lớn.

Nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp ống nhựa bao gồm bột PVC, hạt PP, hạt PE, hạt PS… và chủ yếu nhập khẩu, vì thế giá cả các sản phẩm này phụ thuộc rất lớn vào giá hạt nhựa trên thế giới và biến động tỷ giá. Bên cạnh đó, hoa hồng, tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý và chính sách thanh toán tiền hàng cũng có ảnh hưởng lớn đến giá bán sản phẩm.

Năm 2011, các doanh nghiệp trong ngành đã có nhiều đợt tăng giá bán. Tháng 3, Nhà máy Nhựa Bình Minh thông báo tăng giá với lý do thị trường nguyên liệu đầu vào là các loại hạt nhựa đã tăng giá từ lâu. Thêm vào đó là tăng giá xăng dầu, Công ty không thể bù lỗ được cho sản phẩm. Mức tăng giá của Nhựa Bình Minh đối với ống uPVC và HDPE là 15%. Tương tự, giá ống uPVC của Tiền Phong cũng tăng là 5%, HDPE là 10%. Tháng 5, Nhựa Tiền Phong tiếp tục tăng giá ống PPR với mức tăng là 10%. Tháng 9, Nhựa Bình Minh áp dụng bảng giá mới với sản phẩm PPP. Với mức giá như hiện nay, thị trường ống nhiệt PPR cạnh tranh nhau rất mạnh và giá ống PPR sản xuất trong nước và ống nhập ngoại chênh nhau không nhiều.

Sự cạnh tranh lớn trên thị trường ống nhựa, đồng thời thị trường bất động sản ảm đạm, chính sách cắt giảm đầu tư công của Nhà nước khiến mức độ tiêu thụ trên thị trường sụt giảm. Mới đây, ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong đã thông báo điều chỉnh giảm chỉ tiêu sản lượng từ 59.900 tấn xuống 50.000 tấn năm 2011, giá trị tổng sản lượng điều chỉnh giảm từ  997 tỷ đồng xuống 859 tỷ đồng.

Giá cả tăng cao cũng dẫn đến nhiều hệ lụy bên cạnh việc các công ty giảm sản lượng.  Giám đốc một công ty xây dựng cho hay, do giá ống tăng cao, nhiều nhà thầu và chủ đầu tư đã phải chuyển từ sử dụng ống nhựa có thương hiệu mạnh như Bình Minh và Tiền Phong sang các loại ống nhựa rẻ tiền hơn được sản xuất thủ công và không có uy tín trên thị trường, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng các công trình xây dựng.