Thị trường ô tô điện tại Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh số bán ô tô tại Trung Quốc đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh số bán ô tô chạy năng lượng mới, bao gồm cả xe plug-in hybrid, lại tăng 23% so với cùng kỳ, nhưng đã chậm lại đáng kể so với năm trước. 
Thị trường ô tô điện tại Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt

Theo Hiệp hội ô tô du lịch Trung Quốc, thị trường ô tô Trung Quốc hiện đã có tốc độ phát triển chậm lại trong năm nay. Trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh số bán ô tô tại nước này đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số bán ô tô chạy bằng xăng sụt giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, góp phần lớn dẫn đến sự sụt giảm tổng doanh số bán xe.

Ở chiều ngược lại, doanh số bán ô tô chạy năng lượng mới, bao gồm cả xe plug-in hybrid, lại tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tốc độ tăng trưởng đạt được vẫn chậm hơn so với tốc độ phát triển kỷ lục của năm ngoái. Một phần là bởi các chính sách trợ cấp xe điện (EV) và giảm thuế khi mua xe điện đã kết thúc vào cuối năm ngoái.

Mặc dù doanh số bán xe vẫn tăng, nhưng các hãng xe điện tại nước này đang trong một cuộc chạy đua giảm giá xe để chiếm thị phần. Tất cả bắt đầu từ việc hãng xe điện Tesla của tỷ phú Mỹ Elon Musk chạy chương trình giảm giá xe điện vào cuối năm 2022. Sang đầu năm 2023, sự kiện này phát triển thành một cuộc chiến giá cả diễn ra trên toàn bộ thị trường ô tô tại Trung Quốc.

Chẳng hạn, hãng Dongfeng Motor của Trung Quốc đang chạy chương trình giảm giá lên tới khoảng 13.000 USD cho một số mẫu ô tô của họ. Các hãng ô tô nước ngoài như Volkswagen và Ford Motor cũng đang giảm giá.

Các chiến dịch giảm giá diễn ra trên diện rộng làm dấy lên lo ngại về việc lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô sẽ bị ảnh hưởng. Bằng chứng là cổ phiếu của hầu hết các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc đã giảm mạnh trong hơn một tháng qua. Cổ phiếu của Dongfeng đã mất gần 1/4 giá trị kể từ cuối tháng 1, hay như cổ phiếu hãng xe Great Wall Motor cũng đã giảm 20% so với cùng kỳ.

Cuộc chiến giá cả khốc liệt cũng sẽ gây áp lực lên các nhà sản xuất ô tô nước ngoài, vốn chủ yếu hoạt động thông qua hình thức liên doanh với các công ty trong nước. Trung Quốc là thị trường béo bở với môi trường EV cạnh tranh nhất thế giới và BYD - một trong những công ty sản xuất xe điện đầu tiên của Trung Quốc - chiếm thị phần khoảng 30%, với ít nhất 25 mẫu xe khác nhau được bán, bao gồm cả xe hybrid và full EV, có giá dao động từ 100.000 nhân dân tệ (13.841 USD) đến 1 triệu nhân dân tệ (138.417 USD) ).

Hiện tại, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đã mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh trong nước khi doanh số bán xe điện của Trung Quốc tăng vọt.

Doanh số xe của các thương hiệu nội địa hiện chiếm khoảng một nửa trong tổng số xe ô tô điện được bán ra tại Trung Quốc trong năm 2022, so với con số chỉ 38% vào năm 2019, theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc. Trong đó, Tesla là thương hiệu nước ngoài duy nhất nằm trong top các mẫu xe điện bán chạy nhất tại Trung Quốc. Xe điện hiện chiếm khoảng 30% doanh số bán ô tô của Trung Quốc và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa.

Theo dữ liệu từ China Merchants Bank International, cơ quan theo dõi đăng ký bảo hiểm xe hơi của Trung Quốc. Tesla bán được tổng cộng 106.915 chiếc tính đến ngày 19/3, tương đương trung bình bán được 1.371 chiếc mỗi ngày. Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô Tesla đã mạnh tay giảm giá các mẫu xe bán chạy nhất của mình tới 13,5% tại Trung Quốc vào tháng 1, do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ BYD, gây ra cuộc chiến giá cả trên diện rộng.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Tesla vẫn chưa bắt kịp BYD. Vào tháng 10/2022, BYD đã bán được kỷ lục 217.800 EV tại Trung Quốc, duy trì 8 tháng liên tiếp đạt doanh số kỷ lục và tăng 168,78% so với cùng kỳ năm trước. Tesla thậm chí còn thua trên chính sân nhà của mình khi trong ba quý đầu năm 2022, BYD đã bán được 1,185 triệu xe EV trên toàn cầu, tăng hơn 160% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua 909.000 chiếc của Tesla.

Doanh số bán hàng của Tesla trong hai tháng đầu năm nay chiếm 7,9% trong lĩnh vực ô tô năng lượng mới, bao gồm cả xe điện thuần túy và xe Plug-in hybrid, tăng nhẹ so với mức 6,8% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, BYD tiếp tục dẫn đầu với 41% thị phần, đây là một bước nhảy vọt so với 29% thị phần tại thời điểm một năm trước.

Tuy nhiên, BYD có thể bán nhiều EV hơn Tesla, nhưng công ty Mỹ có lợi nhuận cao hơn nhiều, tính trên mỗi chiếc và tổng cộng. Trong ba quý đầu năm 2022, BYD báo cáo lợi nhuận ròng là 9,31 tỷ nhân dân tệ (1,28 tỷ USD), trong khi Tesla hơn cùng kỳ công bố lợi nhuận ròng 8,87 tỷ USD. Giá xe trung bình của BYD là 169.000 nhân dân tệ (23.392 USD) với tỷ suất lợi nhuận gộp là 16,3%, trong khi giá xe trung bình của Tesla là 55.700 USD (khoảng 401.700 nhân dân tệ) và tỷ suất lợi nhuận gộp cao là 30,6%.

Vậy nhưng hiện doanh số bán hàng và sức mua tại Trung Quốc đều đang chậm lại và cạnh tranh khốc liệt về giá sẽ tạo nên một năm khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc.

Tin bài liên quan