Thị trường nội địa sẽ nâng đỡ ngành dầu khí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành dầu khí thế giới năm 2025 dự kiến có nhiều biến số, nhưng kỳ vọng thị trường nội địa sẽ đủ sức nâng đỡ các doanh nghiệp trong ngành để hoạt động hiệu quả, ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng.

Cổ phiếu phân hóa mạnh

Phiên giao dịch ngày 18/12/2024, nhóm cổ phiếu dầu khí trở thành tâm điểm trên thị trường chứng khoán với thông tin Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating, mã PVB) nhận được hợp đồng bọc ống trên bờ cho dự án Đường ống dẫn khí Lô B với Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã PVS), giá trị hợp đồng là 426 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 282 ngày kể từ ngày ký. Theo đó, hầu hết các cổ phiếu dầu khí đều tăng giá "ăn theo" trong phiên này như PVC tăng 6,8%, PVS tăng 3%, PVD tăng 3%, OIL tăng 2,56%, BSR tăng 2,29%, riêng PVB tăng hết biên độ lên xấp xỉ 10%.

Nhiều tháng trước đó, nhóm cổ phiếu dầu khí không có sóng lớn, thỉnh thoảng xuất hiện vài phiên “lăn tăn” rồi nhanh chóng “ngụp lặn”. Vậy nên, hiệu suất nhóm cổ phiếu này trong năm 2024 không tốt như kỳ vọng và có sự phân hoá rõ nét.

Tính đến phiên 20/12/2024, mã PVC giảm 27%, mã PVD giảm 15,6%, mã PVS giảm 8,3% so với đầu năm 2024. Trong khi đó, thị giá mã GAS gần như không thay đổi, dù có những đợt tăng mạnh, vì sau đó nhanh chóng giảm tương ứng. Trong khi đó, mã PVB tăng 46%, mã OIL tăng 26%, mã BSR tăng 24,7%, mã PLX tăng 17,47%.

Sự phân hoá của nhóm cổ phiếu dầu khí do ngành này thiếu động lực tăng trưởng chung, cụ thể là quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án Lô B - Ô Môn. Dễ thấy nhất là chỉ cần một tin tức nhỏ liên quan đến đại dự án này cũng đủ sức khiến cả ngành “sóng sánh”, như phiên 18/12/2024. Còn sự tăng giá của một số cổ phiếu chủ yếu do được hỗ trợ bởi các câu chuyện và kỳ vọng riêng đối với từng doanh nghiệp.

Trong các cuộc trao đổi với chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, người viết nhận thấy một điểm chung là tất cả đều kỳ vọng vào FID, đồng thời có niềm tin lớn rằng, chỉ cần có động lực từ FID, cổ phiếu dầu khí có thể tạo sóng lớn. Đến thời điểm hiện tại, các công việc thành phần của dự án Lô B - Ô Môn vẫn được triển khai, nhưng FID sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, hiệu quả kinh tế và sự thành công của dự án.

Kỳ vọng động lực từ thị trường nội địa

Theo ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBank, những khó khăn của ngành dầu khí đã phản ánh vào giá cổ phiếu và tạo cơ hội đầu tư mang tính chất chu kỳ cho toàn ngành trong năm 2025. Dù ngành này gặp thách thức từ môi trường quốc tế (giá dầu chịu áp lực giảm), nhưng lạc quan về thị trường nội địa nhờ kế hoạch đầu tư trong phân khúc thượng nguồn và sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế trong nước sẽ tạo ra nhu cầu lớn đối với phân khúc hạ nguồn.

Dự báo giá dầu Brent năm 2025 của nhiều tổ chức quốc tế như J.P Morgan Research, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, giá dầu sẽ dao động phổ biến trong vùng 73 - 75 USD/thùng. Trong khi đó, Fitch Ratings cho rằng, giá dầu có thể về mức 70 USD/thùng. Nhìn chung, đa số các tổ chức đã hạ triển vọng giá dầu so với dự báo trước đây (trung bình trên 80 USD/thùng) cũng như so với mức trung bình trong năm 2024 khoảng 80 USD/thùng. Lý do là triển vọng kinh tế không chắc chắn ở các nước tiêu thụ dầu lớn như Trung Quốc có thể khiến nhu cầu dầu suy giảm, trong khi sản lượng từ các nước không thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và những nước đối tác (OPEC+) lại gia tăng, dẫn đến tình trạng dư cung.

Ngành dầu khí gặp thách thức từ môi trường quốc tế, nhưng lạc quan về thị trường nội địa nhờ kế hoạch đầu tư trong phân khúc thượng nguồn và sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế trong nước sẽ tạo ra nhu cầu lớn đối với phân khúc hạ nguồn.

Đầu tháng 12/2024, OPEC+ đã quyết định lùi thời điểm tăng sản lượng dầu từ tháng 1/2025 sang tháng 4/2025, nhưng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định, ngay cả khi OPEC+ duy trì sản lượng dầu ở mức hiện tại trong suốt năm 2025, thị trường vẫn sẽ dư thừa nguồn cung khoảng 950.000 thùng dầu mỗi ngày. Nếu OPEC+ bắt đầu dỡ bỏ kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện từ cuối tháng 3/2025, mức dư cung sẽ tăng lên 1,4 triệu thùng/ngày.

Đáng lưu ý, ông Donald Trump, Tổng thống đắc cử Mỹ tuyên bố, Mỹ sẽ tăng cường sản xuất dầu trong năm 2025 nhằm giảm một nửa chi phí năng lượng.

Thị trường dầu khí toàn cầu năm 2025 có nhiều biến số, nhưng động lực chính của ngành dầu khí Việt Nam được kỳ vọng đến từ thị trường nội địa, khi nhiều dự án khai thác dầu khí lớn có những bước tiến mới như Lô B, Kình Ngư Trắng, Lạc Đà Vàng, Cá Voi Xanh, sẽ đảm bảo nguồn công việc và góp phần thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn cho không ít doanh nghiệp.

Công ty Chứng khoán Vietcap cho rằng, dự án Lô B sẽ được tiếp tục triển khai do tình trạng thiếu hụt khí đốt trầm trọng của Việt Nam. Vietcap ước tính, mức chi tiêu đối với hoạt động thăm dò và khai thác trong nước năm 2024 sẽ cải thiện 14% so với năm 2023, lên mức 0,8 tỷ USD. Năm 2025, con số này có thể tăng 63%, lên 1,3 tỷ USD và đạt đỉnh ở mức 2,8 tỷ USD vào năm 2027. Mức chi tiêu trung bình trong giai đoạn 2025 - 2029 là 2,1 tỷ USD/năm, gấp 2,6 lần mức trung bình giai đoạn 2015 - 2023.

Ngoài phân khúc thượng nguồn, sự gia tăng nhu cầu trong các lĩnh vực sản xuất điện, hóa chất, công nghiệp và giao thông sẽ là một trong những động lực quan trọng đối với phân khúc hạ nguồn, đặc biệt là khí. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, tổng nhu cầu khí đốt sẽ đạt 22 tỷ m3 vào năm 2025 (tăng 69% so với năm 2020) và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ lên 34 tỷ m3 vào năm 2030.

Lợi nhuận có triển vọng tăng

Theo dự báo của ông Đào Hồng Dương, năm 2025, lợi nhuận toàn ngành dầu khí sẽ tăng 21% so với mức ước tính năm 2024 là 25.300 tỷ đồng (giảm 20% so với năm 2023).

Hiện một số doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2025, đa phần là thận trọng so với kết quả ước tính hoặc kế hoạch năm 2024. Tuy nhiên, việc đặt kế hoạch đi lùi được coi là “truyền thống” của các doanh nghiệp dầu khí khi kết quả thực tế thường vượt mục tiêu.

Năm 2025, PTSC dự kiến đạt doanh thu 22.500 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với kế hoạch năm 2024, nhưng giảm 6,25% so với ước tính đạt được năm 2024. Về mục tiêu lợi nhuận, Ban lãnh đạo PTSC cho biết, doanh nghiệp sẽ giữ ở mức ổn định do định hướng tăng cường đầu tư.

Năm 2024, PTSC ước đạt doanh thu hợp nhất 24.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.100 tỷ đồng, lần lượt vượt 54,8% và 28,2% kế hoạch. Ngoại trừ lĩnh vực dịch vụ cơ khí dầu khí có doanh thu tương đương năm 2023, các lĩnh vực hoạt động khác của PTSC đều tăng trưởng, đặc biệt lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi tăng 32%.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã PVD) cho hay, PV Drilling đặt mục tiêu năm 2025 đạt doanh thu 7.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 790 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 530 tỷ đồng. Năm 2024, Công ty ước đạt doanh thu hợp nhất 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 630 tỷ đồng, lần lượt vượt 45% và 64% kế hoạch.

Như vậy, kế hoạch kinh doanh năm 2025 của PV Drilling đang thấp hơn mức thực hiện năm 2024, dù cả 6/6 giàn khoan của doanh nghiệp đều kín lịch tại các thị trường quốc tế, một số giàn ký hợp đồng dài hạn đến năm 2028. Bên cạnh đó, giàn khoan tự nâng đa năng 3 chân rời dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động từ quý IV/2025. Ngoài ra, từ nay đến năm 2026, PV Drilling sẽ xem xét mua thêm một giàn khoan tự nâng, tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường khoan.

Với Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã BSR), kế hoạch kinh doanh năm 2025 là doanh thu hợp nhất 114.654 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 752 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2024, mục tiêu doanh thu tăng gần 21%, nhưng mục tiêu lợi nhuận giảm 35%. Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp này lãi sau thuế hơn 674 tỷ đồng, tương đương gần 90% kế hoạch năm 2025.

Tin bài liên quan