Thị trường nội địa làm chủ lực thúc đẩy đà hồi phục của nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng

Thị trường nội địa làm chủ lực thúc đẩy đà hồi phục của nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng được kỳ vọng sẽ dẫn đầu đà phục hồi của thị trường sau giai đoạn bán mạnh trên diện rộng trước đó khi nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu chiết khấu lớn và có hoạt động kinh doanh ổn định chủ yếu ở thị trường nội địa.

Thông tin về việc Mỹ hoãn thuế đối ứng 90 ngày đối với Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã giúp thị trường chứng khoán khởi sắc với hàng loạt cổ phiếu dư mua trần. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/4, chỉ số VN-Index tăng 6,77%, tương ứng tăng 74,04 điểm lên 1.168,34 điểm với 372 mã tăng kịch trần.

Bên cạnh sự phục hồi của các cổ phiếu chịu ảnh hưởng của thuế quan như nhóm cổ phiếu xuất khẩu, cảng biển, vận tải, khu công nghiệp, thị trường còn cho thấy kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ của cổ phiếu các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi câu chuyện thuế quan, tập trung vào thị trường trong nước trong thời gian tới.

Trong phiên phục hồi ngày 10/4, cổ phiếu MSN đã dẫn đầu đà phục của thị trường khi tăng kịch trần 3.500 đồng lên 53.800 đồng/cổ phiếu với dư mua trần hơn 6,7 triệu cổ phiếu; cổ phiếu MML tăng kịch trần 3.500 đồng lên 27.400 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu MCH 13,26%, tương ứng tăng 15.100 đồng lên 129.000 đồng/cổ phiếu; và cổ phiếu CTCP Masan High – Tech Materals (mã MSR) tăng kịch trần 2.000 đồng lên 15.800 đồng/cổ phiếu với dư mua trần hơn 2,58 triệu cổ phiếu.

Được biết, thông thường thị trường thường chia làm ba nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu dẫn sóng, nhóm cổ phiếu thế vai và nhóm cổ phiếu đội sổ. Trong đó, cổ phiếu dẫn sóng có xu hướng giảm ít hơn so với thị trường khi thị trường chung điều chỉnh và có xu hướng bật tăng nhanh hơn, dẫn sóng khi thị trường phục hồi trở lại.

Việc thị trường trải qua 4 phiên bán tháo liên tiếp từ ngày 3/4 đến ngày 9/4 và phục hồi tăng mạnh trở lại trong phiên ngày 10/4 cũng đã cho thấy dấu hiệu nhóm cổ phiếu trong hệ sinh thái Masan có xu hướng giảm ít hơn khi thị trường điều chỉnh và ngay lập tức phục hồi, dẫn sóng khi thị trường quay trở lại tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/4.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu Masan, thị trường cũng ghi nhận phản ứng nhẹ hơn của thị trường trong các phiên bán tháo vừa qua với nhóm cổ phiếu tiện ích, tập trung vào thị trường nội địa như cổ phiếu CTCP – Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) đã tăng 4,1% từ ngày 3/4 đến ngày 10/4, tương ứng tăng từ 43.500 đồng lên 45.300 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu CTCP Cơ Điện Lạnh (mã REE) chỉ giảm 8,2% từ 71.000 đồng về 65.200 đồng/cổ phiếu…

Đặc điểm chung của nhóm cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thị trường chung là tập trung hoạt động kinh doanh cốt lõi tại trường nội địa và có mô hình kinh doanh tạo dòng tiền ổn định, ít chịu tác động bởi thị trường xuất khẩu hay việc thu hút dòng vốn FDI.

Đơn cử, tại nhóm hệ sinh thái tiêu dùng của Masan, doanh nghiệp đã phát triển hệ sinh thái Tiêu dùng – Bán lẻ với doanh thu chủ yếu tập trung ở thị trường nội địa, các dòng sản phẩm đa dạng từ thực phẩm tiện lợi, đồ uống, chăm sóc gia đình & cá nhân... đã khẳng định thương hiệu và đáp ứng vạn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, giúp đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân.

Trong đó, thị trường Mỹ đóng góp chưa đến 1% vào doanh thu của Masan Consumer; các sản phẩm chủ lực của Masan High – Tech Materals hiện được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế quan đã công bố; giá các mặt hàng thiết yếu tại WinCommerce vẫn duy trì tính cạnh tranh so với tất cả các kênh bán lẻ khác trên thị trường; và Chính phủ vẫn đang nỗ lực trong việc đàm phán đưa mức thuế thấp nhất có thể trong 90 ngày tới, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nói chung và nguyên liệu đầu vào của Masan nói riêng.

Thêm nữa, về kết quả kinh doanh, Masan ước tính kết quả kinh doanh quý I/2025 tích cực hơn so với cùng kỳ. Trong đó, Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo lợi nhuận quý I/2025 của Masan có thể đạt 900 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ và luỹ kế cả năm 2025 đạt 4.977 tỷ đồng, tăng 16,5% so với thực hiện trong năm 2024.

Năm 2025, Masan tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng với doanh thu thuần dự kiến từ 80.500 - 85.500 tỷ đồng, tăng từ 7 - 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế dự kiến từ 4.875 - 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng từ 14 - 52% so với ghi nhận lãi 4.272 tỷ đồng trong năm 2024.

Trong đó, Masan cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào tăng trưởng hai chữ số về doanh thu và lợi nhuận, thúc đẩy bởi các mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi, giảm đòn bẩy tài chính nhằm cải thiện bảng cân đối kế toán và cắt giảm chi phí tài chính, giảm tỷ lệ sở hữu tại các mảng kinh doanh không cốt lõi nhằm đơn giản hóa cơ cấu tập đoàn và tập trung hơn cho nền tảng Tiêu dùng - Bán lẻ.

Như vậy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang có sự chọn lựa, dịch chuyển từ nhóm xuất khẩu, nhóm hưởng lợi từ hoạt động thương mại, thu hút vốn FDI để quay trở lại tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định ở thị trường nội địa và đã khẳng định được thương hiệu, sản phẩm đối với khách hàng trong nước.

Tin bài liên quan