Lãi suất là một trong những ẩn số vĩ mô với thị trường chứng khoán tháng 5

Lãi suất là một trong những ẩn số vĩ mô với thị trường chứng khoán tháng 5

Thị trường nhiều ẩn số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tháng 5, thị trường chứng khoán được cho sẽ tiếp tục không dễ “chơi”, với nhiều ẩn số phía trước.

Bức tranh vĩ mô tốt hơn nhưng còn bất định

Các dữ liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Còn ở phía cầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4/2024 ước đạt 522.100 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062.300 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,7%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước, do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,81%, cho tín hiệu lãi suất khó giảm thêm.

Xuất khẩu tháng 4/2024 giảm 8,1% so với tháng trước, tuy nhiên, do tăng khá mạnh trong quý I nên tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu vẫn tăng 15% so với cùng kỳ. Nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4/2024 ước đạt 61,2 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, xuất siêu cả nước đạt 8,4 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 7,66 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính (từ đầu năm) đến ngày 20/4/2024 đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện trong 4 tháng đầu năm ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

Những con số trên cho ta dự cảm ra sao về sức khỏe nền kinh tế Việt Nam?

Thứ nhất, tín hiệu phục hồi nền kinh tế tiếp tục ổn định, dựa trên chỉ số IIP phục hồi nhưng không quá mạnh. Lạm phát bắt đầu có sức ép, nếu nền kinh tế tiếp tục hồi phục sẽ có nguy cơ lạm phát tăng, tạo áp lực lên chính sách tiền tệ (lãi suất huy động không thể thấp hơn để đảm bảo nguyên tắc thực dương).

Thứ hai, xuất khẩu và FDI góp phần bổ sung vào dự trữ ngoại hối, tiếp tục tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt ổn định tỷ giá, nhưng cần thời gian đánh giá trên tin tức từ thị trường nước ngoài có tác động lên hoạt động đầu cơ trong nước.

Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp chậm lại

Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhưng chưa theo kịp đà tăng của thị giá nhiều cổ phiếu thời gian qua. Thống kê của FinnTrade về kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp đại diện cho thị trường hầu hết tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, tổng lợi nhuận sau thuế của 787 doanh nghiệp niêm yết trong quý đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng trưởng 48,6% trong quý IV/2023. Đóng góp chủ yếu nhờ nhóm phi tài chính tăng 19,3%, trong khi nhóm tài chính đạt mức tăng thấp hơn, với 12,4%.

Nhìn cụ thể hơn, các nhóm ngành dẫn sóng là bank - chứng - thép đang có ít thông tin hỗ trợ. Nhóm chứng khoán và thép đang có triển vọng không mấy tích cực cho quý II/2024. Với chứng khoán, lợi thế nền so sánh thấp sẽ không còn, khi đây là một trong những ngành có tăng trưởng vượt trội trong quý II/2023. Với thép, rủi ro biên lợi nhuận thu hẹp hiện hữu khi các doanh nghiệp đang chịu áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi hoạt động xây dựng trong nước chưa thực sự hồi phục.

Hai ngành trụ cột của thị trường là ngân hàng, bất động sản cùng có kết quả kinh doanh kém sắc. Với ngân hàng, lợi nhuận sau thuế của 27/27 ngân hàng tăng 9,6%, kém xa mức tăng trưởng dự kiến cho cả năm 2024 (tăng 19%) cũng như kỳ vọng của giới phân tích cho quý I ở mức 12 - 15%. Với bất động sản, lợi nhuận sau thuế của 60/130 doanh nghiệp đại diện 74,4% vốn hóa toàn ngành ghi nhận mức giảm lên tới 82% so với cùng kỳ, do Vinhomes (mã VHM) không còn ghi nhận thu nhập từ bán buôn dự án như cùng kỳ. Nếu không tính VHM, lợi nhuận của 59 doanh nghiệp bất động sản còn lại giảm 15,1% do ảnh hưởng của nhóm bất động sản nhà ở (NVL, KDH, DIG, NLG). Trong khi đó, bất động sản khu công nghiệp duy trì mức tăng trưởng 26,5% so với cùng kỳ nhờ đà tăng trưởng của BCM, SZC, SZB.

Nhóm xuất khẩu phân hóa mạnh, lợi nhuận của nhóm cao su, nhựa, phân bón tăng mạnh; thủy sản và dệt may hồi phục chậm; hóa chất tiếp tục dò đáy.

Ẩn số lãi suất và lạm phát

Theo Fiin Trade, tổng lợi nhuận sau thuế của 787 doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2024 tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng trưởng 48,6% trong quý IV/2023.

Lạm phát tăng mạnh trở lại tiệm cận với mục tiêu là biến số mới khiến câu chuyện điều hành chính sách lâm vào thế khó: tiếp tục ưu tiên kích thích GDP, hay chọn kiềm chế lạm phát? Thời gian qua, lãi suất huy động ở các ngân hàng tăng trở lại, hàm ý thanh khoản trên hệ thống đang suy yếu. Việc các ngân hàng tăng huy động tiền về sẽ tác động tới các kênh đầu cơ, trong đó có thị trường chứng khoán.

Quan điểm của nhiều nhà đầu tư cho tháng 5 và xa hơn là tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản, doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt, có tăng trưởng lợi nhuận, định giá hợp lý (hàng phòng thủ với nhóm lương thực và thực phẩm, hay nhóm có tiền mặt nhiều và đặc biệt là nhóm có cơ cấu cổ đông cô đặc sẽ được ưu tiên).

Nhóm đầu cơ có rủi ro khi dòng tiền rút đi (chứng khoán, thép, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, cao su, hóa chất). Đây là những nhóm tăng giá mạnh trong năm vừa qua nhờ kỳ vọng giá hàng hóa tăng, tăng trưởng lợi nhuận vượt trội khi nền kinh tế phục hồi, tuy nhiên, dựa trên kết quả của nền kinh tế thực tại thời điểm hiện tại là cơ bản không theo kịp. Ngoài ra, kỳ vọng hiệu ứng KRX và tăng vốn kéo theo đầu cơ thị giá cổ phiếu cũng là điều đáng lưu ý.

Hai phiên giao dịch cuối tuần qua cho thấy các tin tức quan trọng để test lại tâm lý thị trường thực ra đã phản ánh vào giá cổ phiếu từ trước nghỉ lễ như lạm phát bật tăng mạnh trở lại trong tháng 4, sát với mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội họp bất thường về công tác nhân sự (2/5), Fed công bố lãi suất điều hành, các quỹ ETF Diamond cơ cấu chỉ số, sử dụng danh mục VNDiamond làm tham chiếu trong ngày cuối cùng (3/5).

Nhìn ở góc độ kỹ thuật của VN-Index, những đợt test cung để rũ lượng hàng lỏng lẻo nhất với tin xấu thì việc duy trì thanh khoản thấp vẫn là một tín hiệu tốt, phản ánh nhu cầu bán không lớn. Mặt khác, thanh khoản cũng khó tăng lên liền do dòng tiền chờ đợi bắt đáy giá thấp, nên thanh khoản cao hay không do phía bên bán quyết định là chính.

Về câu chuyện cơ bản của VN-Index, không phải là mua được giá thấp hay không, mà là thời điểm mua an toàn, dựa trên điểm cân bằng dài hạn trong việc điều hành chính sách với diễn biến vĩ mô và câu chuyện cơ bản của doanh nghiệp.

Giai đoạn này, diễn biến vĩ mô cần chú ý là lãi suất liên ngân hàng tạo đỉnh ngắn hạn và hạ nhiệt và lãi suất huy động của các ngân hàng nâng lên trên diện rộng. Theo dự báo của Dragon Capital, lãi suất huy động có thể tăng từ mức rất thấp lên khoảng 5 - 6%/năm. Tuy vậy, ở góc nhìn tích cực, việc hút tiền về, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động được nâng lên chỉ mang tính điều tiết trong ngắn hạn để phục vụ cho mục tiêu ổn định trong dài hạn.

Tin bài liên quan