Thêm những tín hiệu vui
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao quyết định chấp thuận nhà đầu tư đối với 3 dự án trên địa bàn tỉnh, gồm Khu đô thị sinh thái Coastal Quảng Ngãi, Khu đô thị Bàu Giang và Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer - Quảng Ngãi, tổng giá trị đầu tư dự kiến hơn 13.500 tỷ đồng.
TP. Vũng Tàu đang kêu gọi đầu tư 4 dự án gồm Khu đô thị cù lao Bến Đình (quy mô 110 ha, tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng), Khu đô thị Gò Găng (1,389 ha), Khu đô thị Đường 3/2 (93,6 ha) và Khu công viên văn hóa - đô thị Bàu Trũng (173 ha). Các dự án được kêu gọi đầu tư theo 2 hình thức đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất.
Không chỉ Quảng Ngãi hay Vũng Tàu, một loạt địa phương khác cũng đang kêu gọi đầu tư vào các dự án nhà ở, chẳng hạn tỉnh Hoà Bình là dự án Khu đô thị thương mại và nhà ở Sông Bùi tại TP. Hòa Bình (quy mô 60,4 ha, tổng mức đầu tư gần 830 tỷ đồng); Bắc Giang kêu gọi đầu tư cho 6 dự án nhà ở, tổng diện tích hơn 105 ha; Thanh Hóa với dự án Khu đô thị phía Đông công sở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (quy mô 34,2 ha, tổng mức đầu tư gần 2,891 tỷ đồng)…
Từ phía doanh nghiệp, những ngày cuối năm 2023, các cuộc chuyển giao tài sản cũng xuất hiện nhiều hơn.
Chẳng hạn, cuối tháng 12/2023, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã HPX) đã thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng 4,99 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 99,8% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xanh Kỳ Sơn (Idgreen Ky Son), tổng giá trị nhận chuyển nhượng hơn 434,4 tỷ đồng. Đây là diễn biến đáng chú ý nhất tại Hải Phát sau thời gian dài cổ phiếu bị “thả nổi”, mất kiểm soát (sự tham gia của nhóm cổ đông mới và đình chỉ giao dịch - PV). Năm 2023, Hải Phát gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, lãi ròng 9 tháng đầu năm chỉ đạt gần 57 tỷ đồng, giảm tới 54% so với cùng kỳ năm trước.
Việc Hải Phát mạnh dạn chi tiền thực hiện M&A dự án trong bối cảnh vừa thoát “cửa tử” được cho là tín hiệu tích cực không chỉ với doanh nghiệp, mà còn cả thị trường địa ốc khi các tín hiệu phục hồi ngày một rõ nét hơn.
Các doanh nghiệp địa ốc bước vào chu kỳ mới. Ảnh: Dũng Minh |
Cuộc chơi dài hạn
Nhiều thành viên thị trường cho rằng, hiện là thời điểm thích hợp cho những “tay chơi” mới “mạnh gạo, bạo tiền” tham gia thị trường, hoặc những “người cũ” gia tăng tài sản từ những bên gặp khó.
Cuối tháng 12/2023, Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) đã thông qua nghị quyết góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn (60% còn lại đến từ các cổ đông sáng lập khác). Theo đó, Hoa Sen Sài Gòn sẽ chuyên đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hướng tới các phân khúc văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở quy mô từ 1.000-3.000 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu Tập đoàn Hoa Sen lấn sân sang lĩnh vực địa ốc. Từ năm 2009, Hoa Sen đã đầu tư vào 5 dự án gồm Khu chung cư cao tầng Hoa Sen Phố Đông (quận 9, TP.HCM), căn hộ Hoa Sen Phước Long B (quận 9, TP.HCM); căn hộ Hoa Sen Riverview (quận 9, TP.HCM), Văn phòng trụ sở Hoa Sen Group (quận 2, TP.HCM) và Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau đó, Hoa Sen bỏ cuộc chơi và chỉ giữ lại dự án Hoa Sen Phố Đông.
Đến năm 2016, Hoa Sen “yêu lại từ đầu” khi thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Công ty cổ phần Hoa Sen Yên Bái, Công ty cổ phần Hoa Sen Hội Vân, Công ty cổ phần Hoa Sen Vân Hội và Công ty cổ phần Hoa Sen Quy Nhơn. Thế nhưng, cũng là quãng thời gian 2 năm sau đó, Hoa Sen một lần nữa “thu mình”, chỉ giữ lại Hoa Sen Yên Bái hoạt động cho đến nay.
Trên thị trường địa ốc, việc “người đến, kẻ đi” là chuyện bình thường và nhiều thành viên thị trường, nhà quan sát tiếp tục dõi theo bước đi lần này của Hoa Sen để xem ở lần thứ 3 tái xuất, “ông lớn” lĩnh vực tôn, thép này có gắn kết lâu dài hơn với bất động sản so với 2 lần trước đó.
Bên cạnh những doanh nghiệp có xu hướng mở rộng quy mô, ngành nghề, cũng có những doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tái cấu trúc theo hướng “thu mình” lại.
Đơn cử, vào cuối tháng 12/2023, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Everland (mã EVG) đã thông qua việc nhận chuyển nhượng 11 triệu cổ phiếu tại Công ty cổ phần Everland Vĩnh Phúc. Giá trị thương vụ khoảng 110 tỷ đồng.
Năm 2023 là năm Everland đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động và kết quả là trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt hơn 868 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước đó, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng 29%.
Về cổ phiếu EVG, hiện cổ phiếu này vẫn trong diện cảnh báo do tổ chức kiểm toán chưa có đủ cơ sở để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ tại kỳ soát xét báo cáo tài chính bán niên 2023 của doanh nghiệp.
“Bước chuyển” tâm lý
Theo PGS-TS. Đinh trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, việc nhiều địa phương đang kêu gọi đầu tư vào các dự án nhà ở mới, nhiều doanh nghiệp đang tích cực thực hiện M&A dự án, tài sản… là những tín hiệu vui cho thị trường bất động sản. Ông Thịnh kỳ vọng, năm 2024, thị trường sẽ có những chuyển biến mới sau một năm 2023 khó khăn.
“Tiến trình tái cấu trúc đã diễn ra mạnh mẽ tại các doanh nghiệp bất động sản trong năm qua và tiến trình này sẽ còn được duy trì trong năm nay. Theo đó, các hoạt động kêu gọi đầu tư, gọi vốn sẽ gia tăng mạnh. Thị trường bất động sản đang ấm dần lên, nên việc nhiều thành viên thị trường kỳ vọng vào năm 2024 là điều dễ hiểu. Đây cũng chính là nét mới, là bước chuyển quan trọng trong tâm lý người mua nhà cũng như nhà đầu tư”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Còn nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, sau 4 lần hạ lãi suất điều hành trong năm 2023, lãi suất cho vay bất động sản hiện dao động quanh mức 9-11%/năm (giảm từ mức 12-13%/năm thời điểm nửa sau 2022) - đủ hấp dẫn để có thể kích thích phát triển thị trường địa ốc.
Theo MBS, lãi suất giảm là yếu tố hỗ trợ tốt cho cả nguồn cung lẫn sức cầu bất động sản. Cụ thể, lãi suất ở mức thấp tác động tích cực đến khả năng tiếp cận vốn của các chủ đầu tư để triển khai các dự án mới. Nhờ áp lực tài chính giảm bớt, các chủ đầu tư có thể rút ngắn thời gian triển khai dự án, qua đó nâng cao nguồn cung cho thị trường. Đồng thời, lãi suất cho vay hợp lý cũng tạo điều kiện thuận lợi để mua nhà trong bối cảnh các chủ đầu tư và ngân hàng tăng cường ưu đãi trong chính sách bán hàng.
MBS cũng cho rằng, với những điều khoản thắt chặt trong quy định và triển khai dự án buộc các chủ đầu tư phải có nền tảng tài chính vững vàng do luật mới sẽ giảm khả năng chiếm dụng vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Khi đó, các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính dồi dào, ít chịu áp lực nợ vay và triển khai dự án bài bản sẽ có lợi thế lớn.