Tháng 8: Thị trường ngoại hối duy trì ổn định
Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, tuần từ 3/9 - 7/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng - giảm nhẹ, trong đó có 2 phiên không thay đổi so với các phiên liền trước.
Chốt tuần 31/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.686 VND/USD, tăng 8 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được NHNN niêm yết ở mức 22.700 VND/USD, tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá phiên cuối tuần ở mức 23.317 VND/USD.
Trong khi đó, tỷ giá liên ngân hàng khá ổn định trong tuần. Chốt tuần 7/9, tỷ giá giao dịch ở mức 23.300 VND/USD, giảm nhẹ 8 đồng so với cuối tuần trước đó. Trên thị trường tự do, tỷ giá tiếp tục đà giảm của tuần liền trước.
Kết thúc ngày 7/9, tỷ giá giảm 65 đồng ở chiều mua vào và 55 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.420-23.450 VND/USD.
Ước tính, từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND mất giá 2,67% và Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia có biến động tỷ giá thấp trong khu vực (cùng với Malaysia, Thái Lan, Singapore…).
Theo các chuyên gia kinh tế, về cơ bản các yếu tố đều theo hướng hỗ trợ cho xu hướng tỷ giá ổn định, thậm chí đôi lúc giảm nhẹ trong tháng 8 như từ phía nhà điều hành đã chủ động, nhất quán trong chính sách điều hành tỷ giá.
Cụ thể, ngoài việc giữ nguyên cơ chế yết tỷ giá mua vào và bán ra, NHNN cũng điều chỉnh tỷ giá trung tâm khá linh hoạt trong biên độ hẹp nhằm tạo mốc tham chiếu để định hướng cho thị trường.
“So với cuối tháng 7, tỷ giá trung tâm tháng 8 chỉ tăng 9 điểm, tương đương với mức tăng 0,04%. Ngoài ra, NHNN cũng thực hiện bán ngoại tệ ra ước tính khoảng 1,2-1,3 tỷ USD để hỗ trợ thị trường trong khoảng 10 ngày đầu tháng 8.
Qua đó, NHNN đã đạt được 3 mục tiêu: Bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại; mở rộng chênh lệch lãi suất VND-USD liên ngân hàng thông qua việc làm giảm thanh khoản VND trên thị trường; tạo tâm lý ổn định cho thị trường ngoại hối”, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết.
Chênh lệch lãi suất VND/USD liên ngân hàng duy trì ở mức cao, tham chiếu VNIBOR, chênh lệch lãi suất đã mở rộng từ mức 0,07-1,09%/năm lên mức 2,27%-2,13%/năm, tương ứng đối với kỳ hạn 1 tuần - 1 tháng.
Chi phí nắm giữ USD ở mức cao qua đó làm giảm áp lực lên tỷ giá. Cung - cầu ngoại tệ từ các hoạt động cơ bản của nền kinh tế trong tháng 8 nhìn chung có chiều hướng thuận lợi hơn so với tháng 7.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 8, giải ngân FDI tiếp tục duy trì ổn định khi đạt 1,4 tỷ USD, trong khi cán cân thương mại thâm hụt nhẹ 100 triệu USD. Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ còn được bổ sung bởi một số giao dịch lớn.
Trên thị trường chứng khoán, mức độ bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm bớt, ước khoảng 50 triệu USD so với con số bán ròng gần 300 triệu USD trong tháng 7.
Đồng thời với đó, áp lực trên thị trường quốc tế cũng giảm khi các đồng tiền trong rổ ngoại tệ mạnh không có biến động lớn. Trong đó, đáng chú ý là việc đồng CNY đã chững lại đà giảm dưới tác động can thiệp mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).
Tháng 9: Đối mặt với nhiều áp lực
Trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 8/2018, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và điều hành tỷ giá thận trọng, linh hoạt theo sát diễn biến của thị trường quốc tế.
Theo đó, NHNN có thể sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp điều hành như trong tháng 8. Đó là, duy trì tỷ giá trung tâm và tỷ giá bán ra trong biên độ hẹp; bán ngoại tệ can thiệp ra thị trường khi cần thiết; điều hành cung tiền chặt chẽ để tạo ra mức chênh lệch lãi suất phù hợp.
Cùng với dự báo cán cân thương mại hàng hóa ước tính có thể đạt mức thặng dư khoảng 500-600 triệu USD; giải ngân FDI có thể đạt 1,9-2 tỷ USD và nhà đầu tư nước ngoài có thể quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán khi thị trường hồi phục… là những yếu tố được cho rằng sẽ giúp thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì được sự ổn định như tháng 8 vừa qua, dao động trong khoảng 23.280-23.340 VND/USD.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng tỷ giá có thể biến động mạnh, với mức tăng cao hơn biên độ dự kiến xuất phát từ các động thái của Mỹ, mà theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, phiên họp của Fed trong tháng 9 là một điểm nhấn.
Thực tế, Fed luôn độc lập với Chính phủ Mỹ và hiện cơ quan này vẫn có xu hướng kiềm chế lạm phát, thắt chặt chính sách tiền tệ, nên sẽ tăng lãi suất.
“Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, cùng với đó là quan ngại về tình trạng lạm phát nên khả năng cao Fed tăng lãi suất trong phiên họp tới (xác suất 70%). Đây là động thái nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm áp lực lên lạm phát”, TS. Hiếu nói.
Đồng quan điểm, vị giám đốc nguồn vốn trên cho biết: “Khi Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất trong phiên họp tới (xác suất 98%) và thị trường sẽ chờ đợi tín hiệu phát ra từ phiên họp về lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm.
Theo đó, dự báo đồng USD có thể tăng 1-1,5% trong tháng 9, chỉ số DXY dao động trong khoảng 95,5-96,5 điểm và tỷ giá USD/CNY dao động trong khoảng 6,8-6,9 USD/CNY”.
Thực tế cho thấy, khi Fed tăng lãi suất, giá trị của USD sẽ tăng lên, từ đó tạo áp lực tăng tỷ giá của VND đối với USD.
Đây là điều Việt Nam không mong muốn bởi mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát và tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài về tính ổn định của đồng tiền Việt Nam. Dù rằng tỷ giá tăng sẽ có lợi cho xuất khẩu, nhưng tạo áp lực lớn cho thị trường ngoại hối.
Song song với đó, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ leo thang ở mức mới với động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đe dọa áp thuế lên gần như toàn bộ hàng Trung Quốc vào Mỹ…
Nếu Bắc Kinh tiếp tục có những động thái đáp trả cứng rắn như thời gian qua, áp lực giảm giá lên đồng CNY sẽ quay trở lại.
TS. Hiếu nhận định: “Cuộc chiến chưa có điểm dừng và thậm chí càng ngày càng mạnh, càng lớn chắc chắn sẽ đẩy tỷ giá của CNY tăng lên. PBoC cũng phải đối phó với cuộc chiến này bằng cách để CNY mất giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu để bù trừ cho việc Mỹ đánh thuế hàng hóa Trung Quốc.
Đây là điều bất lợi cho Việt Nam, bởi từ tháng 4 đến nay, VND mất giá so với USD chỉ có 2%, nhưng CNY mất giá tới 8% so với USD, có nghĩa là CNY mất giá khoảng 6% so với VND - là tỷ lệ lớn trong vòng 4 tháng qua.
Điều này cho thấy, chiến tranh thương mại càng leo thang sẽ càng làm rộng khoảng cách giữa VND - CNY và hàng hóa rẻ của Trung Quốc vào Việt Nam, trong khi hàng Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng đắt đỏ”.
“Tâm lý thị trường mặc dù giảm bớt lo ngại sau những diễn biến ổn định của tỷ giá trong tháng 8, nhưng rõ ràng, sự thận trọng tiếp tục được duy trì trong bối cảnh rủi ro từ áp lực quốc tế gia tăng. Nếu căng thẳng gia tăng, rủi ro đối với cung cầu sẽ đến từ tình trạng găm giữ ngoại tệ hay tín dụng ngoại tệ có thể dừng tăng trưởng hoặc co hẹp”, vị giám đốc nguồn vốn trên đánh giá.