Giữ đúng cam kết 2% bằng mọi giá
Giám đốc tiền tệ một ngân hàng cho biết, đầu tháng này, tiền trong hệ thống “thừa” rất nhiều, lãi suất liên ngân hàng qua đêm có thể xuống 1%, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đẩy lãi suất lên. Trong hai tuần trở lại đây, NHNN bán ngoại tệ khoảng 100 - 150 triệu USD, đồng thời, hút VND về mạnh khoảng 25.000 tỷ đồng trong tháng 7. Bởi vậy, thanh khoản của hệ thống đã không còn dồi dào như trước, tác động mạnh lên thị trường trái phiếu.
Cụ thể, trong tuần từ 13 - 17/7, thị trường trái phiếu sơ cấp huy động được 3.492 tỷ đồng trái phiếu, trên tổng số 9.000 tỷ đồng gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu giảm đáng kể, xuống 39% so với mức 68% của tuần trước đó. Thị trường trái phiếu thứ cấp từ ngày 13 - 17/7 tiếp tục giảm mạnh khối lượng giao dịch, chỉ đạt bình quân 2.289 tỷ đồng/ngày, giảm 25,7% so với tuần trước.
“Trong vài tuần qua, nhu cầu mua - bán ngoại tệ chậm, nhưng một nguồn tiền tương đối lớn có thể ảnh hưởng mạnh đến thị trường ngoại hối, bởi thực tế, thị trường này đã có áp lực mặc dù chưa lớn. Tuy vậy, những động thái của NHNN vừa qua cho thấy một dấu hiệu, đó là bằng mọi giá, NHNN sẽ ổn định thị trường ngoại hối. Quan trọng hơn, NHNN đã cam kết ổn định tỷ giá trong năm nay, nên tôi tin cơ quan này sẽ tìm cách giữ đúng cam kết, bởi vấn đề uy tín rất quan trọng. Nếu NHNN tiếp tục điều chỉnh tỷ giá, thị trường sẽ không còn niềm tin vào NHNN”, vị giám đốc trên nói.
Ông Đinh Đức Quang, Phó Tổng giám đốc OCB nhận định, tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm nay có nhiều điểm khác biệt. Nếu như trong nửa đầu năm 2014, Việt Nam có thặng dư thương mại, thì 6 tháng đầu năm nay lại thâm hụt và dự báo 6 tháng cuối năm khó có thể xoay chuyển tình thế này. Ngoa#i ra, một điểm đáng chú ý là đăng ký mới đầu tư nước ngoài sụt giảm, trong khi lượng vốn FDI thực sự giải ngân lại tăng trong 6 tháng đầu năm 2015.
Ông Quang dự báo, mức thâm hụt khoảng 7 - 8 tỷ USD cả năm 2015 sẽ trong tầm kiểm soát của NHNN, bởi dự trữ ngoại hối đủ mạnh để can thiệp bình ổn. Thêm vào đó, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tốt hơn cùng kỳ năm ngoái sẽ không gây áp lực lên tỷ giá đến mức buộc NHNN phải phá vỡ cam kết đã đưa ra đầu năm nay. Đặc biệt, cách thức quản trị của NHNN hiện nay rất khác so với thời kỳ trước, khi NHNN kiên định đưa ra định hướng từ đầu năm và chủ động sử dụng các công cụ để xử lý.
“Lạm phát thấp, tăng trưởng GDP cao hơn kế hoạch, NHNN đang kiểm soát tốt tình hình thanh khoa#n cả nội tệ và ngoại tệ, nên không có lý do gì để thay đổi quan điểm chung về điều hành chính sách tiền tệ vĩ mô, trong đó có tỷ giá. NHNN cam kết trong năm 2015 không điều chỉnh tỷ giá quá 2%, do vậy, nếu phải có điều chỉnh nào đó, NHNN có thể thực hiện sớm vào đầu năm 2016, như cơ quan này đã từng hành động trong những ngày đầu năm 2015 để định hướng thị trường và hạn chế việc thị trường có ý định đầu cơ, kỳ vọng,…”, ông Quang nhấn mạnh.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Báo cáo đánh giá diễn biến thị trường ngoại hối Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2015 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV nhận định, mặc dù NHNN đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ, khẳng định việc thực hiện cam kết điều chỉnh không quá 2% đối với tỷ giá, cũng như sẵn sàng can thiệp để giữ ổn định thị trường, nhưng không thể phủ nhận việc tồn tại các rủi ro tiềm ẩn đối với tỷ giá, cũng như khả năng tạo áp lực đối với thị trường ngoại hối là rất lớn.
Thứ nhất, cán cân thương mại vẫn có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu với 2 kịch bản: i) Đà phục hồi của kinh tế thế giới yếu đi do những biến động của khu vực châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN,…), cũng như khu vực châu Âu (vấn đề Hy Lạp) khiến cho xuất khẩu của Việt Nam không đạt được kỳ vọng; ii) Kinh tế trong nước tăng trưởng nhanh khiến nhu cầu nhập khẩu gia tăng đột biến. Theo đó, thâm hụt cán cân thương mại có thể nới rộng lên khoảng 1 tỷ USD/tháng.
Thứ hai, khả năng NHNN không tiếp tục gia hạn Thông tư 43/TT-NHNN quy định về cho vay ngoại tệ trong năm 2016, sẽ tạo áp lực lên nhu cầu ngoại tệ để giảm dư nợ ngoại tệ trong những tháng cuối năm. Điều này khá hợp lý khi lãi suất cho vay VND đã được kéo giảm mạnh và hiện ở mức chấp nhận được đối với các doanh nghiệp, đặc biệt với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, NHNN vẫn cho thấy sự kiên định đối với kế hoạch giảm dần tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Thứ ba, thêm một yếu tố đặc biệt cần quan tâm là thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản. Với những động thái gần đây, khả năng khá cao là Fed sẽ tiến hành tăng lãi suất ngay trong năm 2015. Khi đó, mặt bằng lãi suất USD trên thị trường quốc tế tăng lên và xu hướng tăng của đồng USD sẽ tiếp diễn, qua đó tạo sức ép gián tiếp lên thị trường ngoại hối trong nước.
Thứ tư, tâm lý thị trường nhìn chung vẫn duy trì sự thận trọng, khiến tình trạng “găm giữ” ngoại tệ có thể tiếp tục diễn ra, đồng thời, trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng có thể biến động mạnh, tác động tiêu cực đến diễn biến tỷ giá.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích thêm rằng, cuối năm nay có thể có những “biến cố” lớn trên thị trường thế giới như Fed sẽ tăng lãi suất, nhiều đồng tiền giảm giá so với USD để tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu, tình hình châu Âu vẫn bất ổn đẩy giá USD lên,… Nếu quyết tâm “neo” tỷ giá, NHNN sẽ cần một lượng dự trữ ngoại tệ lớn để can thiệp hoặc dùng các biện pháp điều hành khác để ổn định thị trường.
“Diễn biến thị trường ngoại hối, bên cạnh yếu tố về mặt cung - cầu truyền thống, sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào thái độ và cách thức điều hành thị trường của NHNN. Thị trường ngoại hối dự báo sẽ khá ổn định trong quý III/2015, trước khi có thể xuất hiện những biến động mạnh hơn trong quý cuối năm. Tỷ giá nhìn chung sẽ duy trì ở mức cao, diễn biến giằng co theo xu hướng tăng, dao động phổ biến trong khoảng 21.800 – 21.890 (VND/USD)”, báo cáo của BIDV nhận định.