Thị trường mỹ phẩm của Việt Nam hầu như đã được “nhường” cho các ông lớn nước ngoài chiếm lĩnh. Ảnh: Đức Thanh

Thị trường mỹ phẩm của Việt Nam hầu như đã được “nhường” cho các ông lớn nước ngoài chiếm lĩnh. Ảnh: Đức Thanh

Thị trường mỹ phẩm Việt: Liên tục đón khách ngoại

Doanh thu thị trường mỹ phẩm không ngừng tăng lên trong 2 thập niên qua, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cùa nhiều thương hiệu mỹ phẩm ngoại.

Mỹ phẩm ngoại đổ bộ

Chuỗi dược, mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản Matsumoto Kiyoshi đã chính thức đặt chân vào thị trường bán lẻ dược, mỹ phẩm Việt Na. Việc ký kết với Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Hoa Sen (Lotus Food Group) để thành lập liên doanh Matsumoto Kiyoshi Việt Nam đã hoàn tất. Tổng vốn của Liên doanh 31,5 tỷ đồng, trong đó, phía  Nhật Bản giữ 51% cổ phần.

Dự kiến, Liên doanh sẽ đưa vào hoạt động cửa hàng đầu tiên tại quận 1, TP.HCM vào cuối tháng 3/2020 và đặt mục tiêu tạo dựng 10 - 15 cửa hàng trong vòng 3 - 5 năm tới và hàng trăm cửa hàng về dài hạn.

Matsumoto Kiyoshi tại Việt Nam sẽ tập trung kinh doanh mỹ phẩm Nhật Bản và các thương hiệu nổi tiếng thế giới, thực phẩm bổ trợ sức khỏe, thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc cơ thể... Hệ thống sẽ tạm thời chưa kinh doanh dược phẩm.

Matsumoto Kiyoshi thành lập tại Chiba (Nhật Bản) năm 1932 và đang là chuỗi bán lẻ dược, mỹ phẩm lớn nhất nước này về cả doanh thu lẫn điểm bán. Chuỗi này có hơn 1.650 cửa hàng tại Nhật Bản, doanh thu năm tài chính 2018 là 5,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, chuỗi còn có 34 cửa hàng ở Thái Lan và 5 cửa hàng tại Đài Loan trước khi đến Việt Nam.

Ông Patrick, Giám đốc tư vấn và sáng tạo Centdegres Việt Nam, một công ty của Pháp về tư vấn xây dựng và thiết kế sản phẩm cho rằng, thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất tiềm năng.

Các thương hiệu mỹ phẩm ngoại hiểu rõ về độ hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Năm 2007, Tập đoàn L'Oréal (Pháp) đã quyết định mở công ty chi nhánh tại Việt Nam, mang các thương hiệu Lancome, LOreal Paris và Maybelline New York vào một trong 15 thị trường được xác định là tiềm năng của Tập đoàn.

Lãnh đạo L'Oréal cho biết, trong khi doanh thu sản phẩm L'Oreal ở một số thị trường khác phát triển chỉ 7 - 8%/năm, thì tại Việt Nam, có thời điểm doanh thu tăng đến 17%/năm, cho thấy nhu cầu tiêu thụ mỹ phẩm của Việt Nam rất lớn.

Hồi đầu năm, nhà bán lẻ mỹ phẩm Hồng Kông đã công bố mở chuỗi bán lẻ Watsons. A.S Watson Group, thuộc CK Hutchison Holdings Limited, được thành lập tại Hồng Kông năm 1841. Đến nay, Watsons là một trong những chuỗi bán lẻ mỹ phẩm và dược phẩm thuộc hàng lớn và phát triển nhanh trên thế giới với khoảng 6.800 cửa hàng tại 12 thị trường ở châu Á và châu Âu…

Với mức tăng trưởng bình quân 30%/năm, Việt Nam từng được Watsons đánh giá là một trong những thị trường đầy tiềm năng và có định hướng khai thác từ năm 2016.

Thị trường tỷ USD

Theo dữ liệu từ Mintel, một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu có trụ sở tại London (Anh), thị trường mỹ phẩm của Việt Nam trị giá khoảng 2,3 tỷ USD vào cuối năm 2018, nhưng chủ yếu hoạt động theo mô hình bán lẻ truyền thống.

Số liệu do Hiệp hội Hóa Mỹ phẩm TP.HCM cung cấp, Hàn Quốc hiện chiếm tỷ lệ lớn nhất trong doanh số bán mỹ phẩm ngoại tại Việt Nam với 30% thị phần. EU đứng ở vị trí thứ hai với 23%, tiếp theo là Nhật Bản (17%), Thái Lan (13%) và Mỹ (10%). Các quốc gia còn lại đóng góp 7%.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, mức chi của người tiêu dùng Việt Nam cho mỹ phẩm chưa nhiều, bình quân chỉ 4 USD/người/năm, trong khi Thái Lan là 20 USD. 

Với mức sống đang tiếp tục được nâng cao, ngày càng có nhiều phụ nữ Việt sử dụng sản phẩm mỹ phẩm đã để chăm sóc sắc đẹp như một nhu cầu thiết yếu. Công ty Asia Plus đã tiến hành khảo sát việc sử dụng mỹ phẩm trang điểm của gần 500 phụ nữ trong độ tuổi 16 - 39 trên toàn quốc cho thấy, trong vòng 3 năm gần đây, số lượng phụ nữ có trang điểm tăng từ 76% lên 86%.

Dự kiến trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng của thị trường mỹ phẩm dưỡng da và trang điểm của Việt Nam sẽ ở mức 2 con số và các nhãn hiệu mỹ phẩm châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… ngày càng được ưa chuộng.

Nhưng, không khó để thấy, trong khi làn sóng mỹ phẩm ngoại với vài chục thương hiệu lớn nhỏ đổ bộ, thì các doanh nghiệp nội gần như vắng bóng. Theo thống kê của Hiệp hội Hóa Mỹ phẩm TP.HCM, các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm của Việt Nam chỉ chiếm được gần 10% thị phần.

Một thị trường có doanh số vài tỷ USD cõ vẻ như được “nhường” cho các ông lớn nước ngoài chiếm lĩnh.

Tin bài liên quan