Trong 8 tháng đầu năm, có 11 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt quy mô trên 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 13,19 tỷ USD...

Trong 8 tháng đầu năm, có 11 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt quy mô trên 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 13,19 tỷ USD...

Thị trường Mỹ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong xuất khẩu và xuất siêu

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ là thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất, mà Mỹ còn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam.

Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ năm 2019 chiếm 23,2%, năm 2020 chiếm 27,3%, năm 2021 chiếm 28,6%, 8 tháng năm 2022 chiếm 31%. Từ kết quả 8 tháng, có thể dự báo cả năm 2022, xuất khẩu sang Mỹ sẽ cán mốc 115 tỷ USD, chiếm 31% - cao hơn nhiều so với các thị trường lớn khác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...).

Xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng cao lên do xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng chung (năm 2020 tăng 25,7% so với 6,9%, năm 2021 tăng 24,9% so với 19%, 8 tháng 2022 tăng 24,5% so với 18,2%).

Trong 8 tháng đầu năm, có 11 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt quy mô trên 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 13,19 tỷ USD; dệt may đạt 12,88 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,12 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 9,25 tỷ USD...

Mỹ cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn. Năm 2020 chiếm 5,2%, năm 2021 chiếm 4,6%, 8 tháng năm 2022 chiếm 4%, dự báo cả năm có thể đạt 15 tỷ USD và chiếm 4,1%. So với năm trước, nhập khẩu từ Mỹ năm 2021 tăng 11,4%; 8 tháng năm 2022 giảm 4,1%, dự báo cả năm giảm khoảng 2%. Trong 43 mặt hàng chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, có 2 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; bông).

Do nhập khẩu có quy mô, tỷ trọng, tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với xuất khẩu, nên trong quan hệ buôn bán hàng hóa với Mỹ, Việt Nam liên tục ở vị thế xuất siêu với mức xuất siêu lớn nhất và liên tục tăng lên. Mức xuất siêu sang Mỹ năm 2016 đạt 29,75 tỷ USD; năm 2017 là 32,24 tỷ USD; năm 2018 là 34,78 tỷ USD; năm 2019 là 46,9 tỷ USD; năm 2020 là 63,36 tỷ USD; năm 2021 là 81,02 tỷ USD, 8 tháng năm 2022 là 67,08 tỷ USD, dự báo cả năm 2022 có thể cán mốc 100 tỷ USD.

Xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam với Mỹ cao do nhiều yếu tố.

Với 332,3 triệu dân, Mỹ là nước có dân số đông thứ ba thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ). GDP năm 2020 đạt 20.953 tỷ USD, chiếm trên 24,7% GDP toàn cầu, lớn thứ nhất thế giới, vượt xa những nước đứng sau. GDP bình quân đầu người đạt 63.953 USD/năm, đứng thứ 4 thế giới (sau Thụy Sĩ, Ireland, Nauy). Nước Mỹ có quy mô nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ lớn nhất thế giới, với khoảng 3.000 tỷ USD/năm. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang đây mới chiếm tỷ trọng nhỏ (2017 đạt 1,5%, 2018 đạt 1,5%, 2019 đạt 2%, 2020 đạt 2,8%).

Giá hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ khá rẻ so với hàng sản xuất tại Mỹ, nhờ giá nhân công của Việt Nam khá thấp.

Số người Việt Nam tại Mỹ khá đông đảo (2,2 triệu người). Đây là cầu nối về xuất nhập khẩu, đầu tư, du lịch… giữa hai nước.

Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ có tác động về nhiều mặt. Cùng với xuất siêu với nhiều thị trường khác (Hà Lan, Hồng Kông, Canada, Anh, Đức, Mexico, Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Áo, Ba Lan, Pháp, Chile…), việc này đã bù đắp cho nhập siêu lớn từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Kuwait, Nhật Bản… Xuất siêu sang Mỹ đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng hợp, tăng dự trự ngoại hối của quốc gia, ổn định tỷ giá…

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong xuất nhập khẩu và xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ cũng có những vấn đề đặt ra. Về tổng số, xuất siêu sang Mỹ lớn và tăng lên là một trong những cái “cớ” để xuất hiện “nghi ngờ” Việt Nam “thao túng tiền tệ”, trong khi giá USD ở Việt Nam mấy năm qua tăng thấp, thậm chí có hơn 2 năm giảm.

Thực tế, cần giảm xuất siêu với Mỹ trên cơ sở cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, cân nhắc tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là một số mặt hàng Mỹ có thế mạnh như ngô, đậu tương, lúa mì, bông…; rà soát kỹ xuất xứ hàng hóa để tránh tình trạng “xuất khẩu giùm”.

Tin bài liên quan