Tại Việt Nam, có đến trên 90% nhà đầu tư chứng khoán là các cá nhân.

Tại Việt Nam, có đến trên 90% nhà đầu tư chứng khoán là các cá nhân.

Thị trường Mỹ, một số điểm đáng để học tập

(ĐTCK-online) So sánh TTCK non trẻ của Việt Nam với một thị trường lâu đời như Mỹ là khập khiễng, nhưng thị trường Mỹ có một số điểm đáng để chúng ta học tập, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

TTCK Mỹ hoạt động liên tục từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, nhưng luôn có kẻ mua người bán tấp nập, với khối lượng cả tỷ cổ phiếu mỗi ngày. Cơ quan quản lý TTCK Mỹ đưa ra những quy định ngặt nghèo từ niêm yết đến báo cáo, từ môi giới đến tự doanh, từ phương thức giao dịch đến sử dụng tiền vay… Tất cả đều quy định thành luật rõ ràng và các CTCK hay ngân hàng đầu tư có trách nhiệm thông báo những quy định đó cho khách hàng của họ.

Do TTCK tiềm ẩn rủi ro mất vốn rất cao, nên đa số NĐT cá nhân đều ủy thác tài sản của họ cho những tổ chức chuyên nghiệp kinh doanh và quản lý hộ, chứ không tự đi kinh doanh như ở Việt Nam. Do đó, số lượng NĐT cá nhân rất ít. Trong khi đó, các tổ chức môi giới hay tư vấn đầu tư thường có uy tín, có đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tế và phong cách chuyên nghiệp, không bao giờ trả lời cho khách hàng những vấn đề mà họ không thông thạo.

Ngoài ra, các CTCK bị ràng buộc với quy định: đảm bảo an toàn tài sản và khả năng sinh tồn cho NĐT trong trường hợp mất vốn. Có nghĩa là, nếu thu nhập của bạn thấp, mà bạn dùng hết tiền của bạn đi đầu tư vào những dạng đầu tư mang tính rủi cao sẽ không được chấp thuận. Đây là điều mà các CTCK Việt Nam không có trong chính sách của họ, mà ngược lại, có công ty còn khuyến khích khách hàng vay tiền để đầu tư, khi TTCK tuột dốc thì chỉ việc giải chấp và thu hồi cả vốn lẫn lãi. Thậm chí, có công ty còn tư vấn khách hàng mua cổ phiếu, trong khi khối tự doanh của họ muốn bán ra cổ phiếu đó.

Tại hầu hết những trường kinh doanh lớn ở Mỹ như Hardvard, Standford, Yale, University of California at Berkeley..., môn đạo đức kinh doanh là môn bắt buộc, do đó những CEO khi ra trường đều hiểu rõ điều này và luôn tuân thủ. Khi kinh doanh, họ thực hiện chiến lược "win - win". Họ thường không khuyến nghị khách hàng đầu tư vào những cổ phiếu rủi ro cao và không cho vay tiền để đầu tư vào những cổ phiếu nhỏ. Nhưng ở Việt Nam, nhiều CTCK lại khuyên NĐT ngược lại.

Các tổ chức đầu tư hoặc NĐT cá nhân lớn thường nhắm vào blue-chip, vì tính an toàn và thanh khoản của nó. Họ thường có một chiến lược đầu tư rõ ràng và lâu dài cả chục năm, chứ không đầu tư theo T+3 như ở Việt Nam. Ngoài ra, họ luôn phân tích, đánh giá bài bản về cổ phiếu trước khi quyết định giao dịch. Họ thuộc những trường phái đầu tư khác nhau, có những chiến lược kinh doanh khác nhau, nhưng điểm chung là đầu tư phải an toàn, nên blue-chip là lựa chọn của họ, chứ không như tại TTCK Việt Nam thời gian qua, NĐT đổ xô vào một số cổ phiếu nhỏ.