Giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ của Vĩnh Hoàn giảm liên tục 10 tháng qua

Giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ của Vĩnh Hoàn giảm liên tục 10 tháng qua

Thị trường Mỹ “hắt hơi”, Vĩnh Hoàn (VHC) “sổ mũi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) đang cho thấy sự phụ thuộc rất lớn vào thị trường chủ lực Hoa Kỳ, bởi ngay khi thị trường này sụt giảm thì hiệu quả kinh doanh của Công ty cũng lập tức giảm theo.

Khi động lực tăng trưởng chính suy yếu

Trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra, Vĩnh Hoàn được biết đến như là doanh nghiệp đầu ngành, chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… và điều này giúp Công ty giữ được biên lợi nhuận vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành, lý do bởi giá bán sản phẩm tại những thị trường khó tính này cao hơn so với các thị trường khác.

Năm 2022, Vĩnh Hoàn giữ vị trí dẫn đầu toàn ngành, chiếm 15,4% giá trị và 10,31% về sản lượng xuất khẩu cá tra. Trong đó, thị trường Mỹ ghi nhận 247,54 triệu USD, chiếm 46,08% thị phần tại Mỹ; thị trường Anh ghi nhận 56,29 triệu USD, chiếm 88,14% thị phần tại Anh; thị trường Canada ghi nhận 14,7 triệu USD, chiếm 26,49% thị phần tại Canada…

Tuy nhiên, “gió đã đổi chiều” trong năm 2023 khi mà đã 10 tháng liên tiếp, thị trường chủ lực Mỹ ghi nhận doanh số sụt giảm liên tục và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong đó, 3 tháng trở lại đây là tháng 8 ghi nhận giảm 45%, tháng 9 giảm 18% và tháng 10 giảm 59%.

Ngoài ra, doanh thu thị trường Mỹ tháng 5 ghi nhận 373 tỷ đồng, chiếm 39,1% tổng doanh thu, nhưng tới tháng 10 giảm xuống còn 169 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,6%. Như vậy, bên cạnh giảm doanh thu so với cùng kỳ, thị trường này còn ghi nhận giảm cả về tỷ trọng trong tổng doanh thu đóng góp cho Vĩnh Hoàn.

Ở chiều ngược lại, thị trường Trung Quốc và châu Âu ghi nhận doanh thu tăng trưởng dương trở lại trong 2 tháng 9 và 10. Trong đó, riêng tháng 10, doanh thu thị trường Trung Quốc tăng trưởng 43%, thị trường châu Âu tăng trưởng 20%.

Mặc dù 2 thị trường Trung Quốc và châu Âu đang có sự hồi phục, nhưng việc thị trường chủ lực là Mỹ chưa ngừng giảm đang và sẽ còn ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp Vĩnh Hoàn do biên lợi nhuận gộp của thị trường Mỹ thường cao hơn các thị trường còn lại. Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm từ 23,2% về 16,3%, biên lợi nhuận ròng giảm từ 16,9% về 11,6%.

Đáng chú ý, theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận biên lợi nhuận gộp đạt 22,49% và biên lợi nhuận ròng đạt 15,21% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Qua đây, có thể thấy, Vĩnh Hoàn đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Mỹ, bởi khi thị trường chủ lực này suy giảm thì ngay lập tức hiệu quả kinh doanh của Công ty cũng giảm theo.

Thấy gì từ chiến lược quản trị tồn kho?

Thực tế, trong giai đoạn khó khăn, nhìn vào chiến lược quản trị tồn kho có thể giúp nhà đầu tư nhận ra cách doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá về thách thức hiện tại. Nếu đánh giá khó khăn sẽ kéo dài, doanh nghiệp thường có xu hướng giảm giá để đẩy tồn kho và tăng tích trữ tiền mặt nhằm phòng ngừa rủi ro thanh khoản.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp nhận định khó khăn chỉ là tạm thời thì có xu hướng tích trữ thêm hàng hóa, chờ khó khăn qua đi sẽ đẩy mạnh sản phẩm ra thị trường nhằm tận dụng sức mua bùng nổ trở lại và điều này đang diễn ra tại Vĩnh Hoàn.

Báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy, tính đến cuối quý, tồn kho của Vĩnh Hoàn tăng 39,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm gần 1.108 tỷ đồng, lên hơn 3.925 tỷ đồng và chiếm 31,7% tổng tài sản (đầu năm chiếm 24,3% tổng tài sản).

Dẫu vậy, chiến lược tăng tích trữ tồn kho đang khiến Vĩnh Hoàn bị thâm hụt dòng tiền, khi trong 9 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 231,1 tỷ đồng (cùng kỳ dương 597,8 tỷ đồng) và dòng tiền tài chính dương 280,3 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Được biết, từ năm 2009 tới năm 2022, Vĩnh Hoàn liên tục duy trì dòng tiền kinh doanh dương. Như vậy, Vĩnh Hoàn đang ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục tính đến cuối quý III/2023.

Thực tế, theo kinh nghiệm chăn nuôi cá tra, kể từ khi thả nuôi đến khi thu hoạch cần từ 6-8 tháng. Việc giá cá tra giảm sâu từ đầu năm 2023 khiến sản lượng nuôi trồng giảm xuống, đồng nghĩa với việc nguồn cung cũng suy giảm vào cuối năm. Tuy nhiên, do có chu kỳ chăn nuôi ngắn nên giá cá tra có thể hồi phục khi nguồn cung suy giảm.

Mặt khác, theo dữ liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra đạt 1,5 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Nhìn vào toàn bộ ngành thủy sản, VASEP đánh giá thận trọng về quá trình hồi phục của ngành khi cho biết các thị trường xuất khẩu chính đang phục hồi khá chậm nên xuất khẩu thủy sản chưa thế bứt phá trong những tháng tới.

Trong khi đó, tháng 10 hàng năm thường là tháng cao điểm, nhưng giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10 năm nay vẫn thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 825 triệu USD và thấp hơn so với mức đỉnh của năm là 859 triệu USD xác lập trong tháng 8.

Với diễn biến này, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 21% so với năm 2022.

Tin bài liên quan