Thị trường mua bán nợ tỷ USD hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

0:00 / 0:00
0:00
Được nhiều nhà đầu tư ngoại để ý, song nhiều năm nay, thị trường mua bán nợ của Việt Nam vẫn đứng im một cách đáng ngạc nhiên.
VAMC và ngân hàng đang độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu. Ảnh: Đức Thanh

VAMC và ngân hàng đang độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu. Ảnh: Đức Thanh

Thị trường trị giá nhiều chục tỷ USD

Tính tới cuối tháng 2/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng là 2,91% (tức khoảng 350.000 tỷ đồng, xấp xỉ 15 tỷ USD - PV). Còn nếu tính nợ xấu gộp thì con số lên tới 5%, tức khoảng 25 tỷ USD. Tỷ lệ nợ xấu đã tăng gấp đôi chỉ trong hơn 1 năm và có xu hướng tiếp tục tăng khiến khối ngân hàng lo ngại.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang trình Quốc hội Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bổ sung thêm một chương về xử lý nợ xấu. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi Dự thảo Luật được thông qua, xử lý nợ vẫn sẽ chậm và quẩn quanh, do Dự thảo Luật vẫn tập trung vào các giải pháp để ngân hàng, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) tự xử lý nợ xấu, mà chưa có giải pháp thúc đẩy thị trường mua bán nợ.

Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, trong 10 năm qua (2012-2022), các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 1,57 triệu tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu là bằng hình thức tổ chức tín dụng tự xử lý. Xử lý nợ xấu bằng hình thức bán nợ (bán cho VAMC và các tổ chức, cá nhân khác) chiếm 26,6%, trong đó chủ yếu là bán cho VAMC. Việc bán nợ xấu theo giá trị thị trường vẫn còn vô cùng hạn chế do thị trường mua bán nợ chưa phát triển.

Tháng 10/2021, Sàn Giao dịch nợ VAMC được thành lập, được kỳ vọng sẽ giúp thị trường mua bán nợ xấu hoạt động tấp nập. Tuy nhiên, đến nay, lượng nợ xấu giao dịch trên sàn vẫn khá èo uột.

Ông Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Sàn Giao dịch nợ VAMC cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, Sàn mới thực hiện thành công các hợp đồng tư vấn với khách hàng với tổng giá trị khoản nợ, tài sản bảo đảm đạt gần 450 tỷ đồng.

Theo ông Darryl Dong, cán bộ quốc gia cao cấp (IFC Việt Nam), ngành ngân hàng Việt Nam không thể một mình giải quyết, mà phải mở cửa thị trường mua bán nợ xấu. “Hiện quy định mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường, nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch giữa các ngân hàng, mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa. Thứ nhất, cần có cơ chế thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài trong tham gia giải quyết nợ xấu. Hiện nay, VAMC và ngân hàng độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu, đó không phải giải pháp theo thị trường mà chỉ trên sổ sách kế toán. Thứ hai, Việt Nam cũng nên cho phép tổ chức phi ngân hàng mua bán trực tiếp nợ xấu từ ngân hàng và phải cho phép họ kế thừa đầy đủ trách nhiệm quyền hạn với khoản nợ xấu được mua”, ông Darryl Dong khuyến nghị.

Thị trường nợ xấu Việt Nam vẫn được coi là khá hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại. Theo ông Vũ Ngọc Minh, hiện có rất nhiều khách hàng, đối tác nước ngoài như Công ty TNHH Mua bán nợ OK, Công ty TNHH Mua bán nợ Welcome, KAMCO... quan tâm, tìm hiểu, liên hệ và gửi thư mời hợp tác với Sàn Giao dịch nợ, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

“Nút chặn” nào khiến nhà đầu tư e ngại gia nhập thị trường?

Để thị trường nợ phát triển, cần phải có những chính sách, quy định cụ thể để khuyến khích, thu hút nhiều đối tượng tham gia mua bán nợ xấu để những nhà đầu tư là những người thực sự có tiềm lực về tài chính cũng như sự hiểu biết về thị trường mua bán nợ xấu, giúp TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, từ đó dần hình thành một thị trường mua bán nợ tập trung, công khai và minh bạch.

Ông Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Sàn Giao dịch nợ VAMC

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, mở cửa thị trường mua bán nợ là giải pháp nhanh nhất và hữu hiệu nhất trong xử lý nợ xấu. Cụ thể, năm 2021, Philippines đã ban hành Đạo luật Chuyển nhượng chiến lược cho định chế tài chính năm 2021 (Đạo luật FIST16), cho phép các công ty quản lý tài sản có thể mua và quản lý các khoản nợ xấu từ các định chế tài chính, bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm và các trung gian tài chính khác. Nhờ đó, đã có công ty FIST được thành lập, gồm 2 công ty 100% vốn Chính phủ Philippines, 3 công ty còn lại thuộc các tập đoàn của Nhật Bản, Trung Quốc và Thụy Sỹ, đều là các tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong xử lý nợ xấu, giúp đẩy nhanh xử lý nợ xấu tại quốc gia này.

Tại Ấn Độ, từ khi cho ban hành luật riêng biệt về xử lý nợ xấu, cho phép ngân hàng không nhất thiết phải qua quá trình phức tạp tố tụng, rất nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đã tham gia thị trường này, nhờ vậy nợ xấu được xử lý nhanh chóng.

Tại Việt Nam, theo ông Darryl Dong, chưa có “khe cửa hẹp” nào cho nhà đầu tư ngoại có thể tham gia thị trường mua bán nợ. Theo các quy định hiện hành và cả Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), việc xử lý nợ chủ yếu vẫn nằm tại các ngân hàng và VAMC. Ngay cả với ngân hàng, việc thành lập một công ty mua bán nợ trực thuộc (AMC) cũng rất khó khăn.

Tuy nhiên, “nút chặn” khiến các nhà đầu tư kém mặn mà là không thể chuyển giao được quyền sở hữu tài sản đảm bảo sau khi mua nợ xấu. Có ý kiến cho rằng, NHNN lo ngại về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Về vấn đề trên, ông Darryl Dong cho rằng, Việt Nam có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước. Điều này sẽ tạo ra khung pháp lý hiệu quả, công bằng, sẽ mở ra một ngã rẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, giải pháp căn cơ nhất, hiệu quả nhất để xử lý nợ xấu lâu dài là phải phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Đồng thời, phải có các quy định tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ngân hàng thương mại, ví dụ cho ngân hàng bán nợ xấu với giá trị chỉ 20 - 30% như ngân hàng nhiều nước đang làm, hoặc cho phép ngân hàng xoá nợ nếu họ có đủ khả năng. Hiện nay, nhiều ngân hàng đang bán nợ xấu như giá “nợ tốt” hoặc không dám bán nợ xấu với giá thị trường vì lo ngại trách nhiệm.

Tin bài liên quan