Sự trỗi dậy
Số liệu từ một bài viết trên Tạp chí Forbes cho biết, tính từ đầu năm đến hết tuần đầu tiên của tháng 4/2014, vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi là hơn 35 tỷ USD, tăng mạnh so với 14,05 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. Châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất với dòng vốn rút ra lên đến 12,97 tỷ USD so với 400 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái. Vậy nói các thị trường mới nổi trỗi dậy liệu có phù hợp?
Thực tế, làn sóng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi bắt đầu từ khi Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra lộ trình cắt giảm gói nới lỏng định lượng qua chương trình mua trái phiếu vào tháng 5/2013 và chính thức thực hiện bước đi đầu tiên vào tháng 12/2013, với số tiền mua trái phiếu hàng tháng giảm từ 85 tỷ USD xuống 75 tỷ USD.
Có thể đưa ra một số lý do chính để giải thích việc này như sau. Thứ nhất, tiền mua trái phiếu giảm dẫn đến kỳ vọng đồng USD mạnh lên, lợi nhuận từ đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi sẽ bị “gặm nhấm” bởi sự tăng giá của đồng USD. Thứ hai, USD tăng giá cũng có nghĩa các quốc gia đang vay nợ nhiều bằng đồng tiền này sẽ đối mặt với rủi ro vỡ nợ. Thứ ba, động thái của Fed được xem là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi, điều đó có nghĩa đầu tư vào Mỹ vừa có cơ hội lại vừa ít rủi ro.
Tuy nhiên, Marc Faber nghĩ khác. Ông cho rằng, những đồng tiền mà Mỹ bỏ vào nền kinh tế đã tạo ra bóng bóng tài sản và nó sắp nổ. Theo ông, trong thế kỷ trước, Mỹ đã khuyến khích tiêu dùng quá mức, điều đó làm triệt tiêu động lực tiết kiệm. Tiêu dùng không tạo ra một nền kinh tế mạnh. Sự giàu có không đến từ tiêu dùng, mà từ đầu tư.
Vấn đề của Mỹ là trong khi nợ tiếp tục tăng, thì vốn đầu tư không tăng, thực tế còn giảm mạnh trong một thời gian dài. Marc Faber so sánh: “Nếu chúng ta tăng nợ, có một sự khác biệt về chất lượng của các khoản nợ đó. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan sử dụng nợ để đầu tư vào công xưởng, nhà máy…, những khoản đầu tư đã tạo ra sự giàu có. Còn Mỹ chỉ dùng nợ để kích cầu, thế thì thu nhập trong tương lai nằm ở đâu?”.
Nhiều báo cáo phân tích khác cho thấy, nhận định các quốc gia mới nổi “trỗi dậy” của Marc Faber là đúng. Ví dụ, Forbes trích dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng cao hơn từ 2 - 3 lần mức tăng của các quốc gia phát triển như Mỹ.
Đáng chú ý, các công ty Mỹ làm ăn khấm khá trong vòng 12 tháng qua, một trong những lý do đó là kết quả kinh doanh của các công ty này tại các thị trường ngoài Mỹ có sự tăng trưởng cao. Lợi nhuận tại các thị trường mới nổi có xu hướng tăng nhanh khi kinh tế tăng trưởng cao hơn.
Các thị trường mới nổi sẽ đóng góp khoảng 70% vào sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm tới. Nếu điều chỉnh biến động chênh lệch sức mua thì tầm quan trọng của các thị trường mới nổi thậm chí còn ấn tượng hơn: IMF dự báo, GDP của các thị trường mới nổi sẽ vượt các nền kinh tế phát triển trong năm 2014 này.
Trong suốt cuộc khủng hoảng nhà đất tại Mỹ, kéo theo khủng hoảng tín dụng năm 2008, chính các thị trường mới nổi đã cứu thế giới thoát khỏi thảm hoạ. Cuộc khủng hoảng này cũng lộ diện một trật tự thế giới mới hiểu theo nghĩa năng động về kinh tế và thị trường. Các nền kinh tế mới nổi đã trở thành những động lực đóng góp mạnh mẽ, quan trọng và lâu dài vào sự tăng trưởng và ổn định của kinh tế toàn cầu.
Cơ hội cho Việt Nam
Cuối năm ngoái, Marc Faber nhận định, cổ phiếu Việt Nam là một trong 3 lựa chọn tốt nhất để duy trì vị thế mua trong năm 2014. Cũng trong năm 2013, có lần ông nói: “Tiền sẽ chuyển từ một số thị trường có giá trị tương đối cao sang các thị trường đã có một hiệu suất kinh ngạc. Vì thế, là NĐT, nếu bạn muốn sở hữu cổ phiếu, theo tôi nên đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản”.
Theo TS. Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư Kamm Investment, dòng vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam sau khi tổng số mã giao dịch cấp cho NĐT cá nhân và tổ chức nước ngoài đạt kỷ lục trong năm qua. Họ xem chứng khoán Việt Nam là một trong những cơ hội đầu tư tốt nhất năm 2014.
Ông Kamm cũng như nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính khác cho rằng, những yếu tố quan trọng khiến Việt Nam thu hút sự quan tâm của các NĐT quốc tế bao gồm: kinh tế ổn định và tăng trưởng, nỗ lực xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khả năng nới “room” từ 49% lên 60%. Đặc biệt, gần đây, Chính phủ cho thấy quyết tâm cao độ trong việc tái cấu trúc DNNN, thể hiện qua lộ trình cổ phần hoá và thoái vốn hàng trăm DN đến năm 2015. Các NĐT nước ngoài cũng bày tỏ sự quan tâm đối với Đề án xây dựng TTCK phái sinh của Việt Nam, cũng như những nỗ lực hoàn thiện cơ chế và khung pháp lý liên quan đến TTCK.
Trong lần trao đổi gần đây với ĐTCK, ông John Chong, Tổng giám đốc Tập đoàn Maybank Kim Eng nói: “Không còn nghi ngờ gì, nhiều NĐT có cái nhìn tích cực về kinh tế về TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài đang là một vấn đề, vì có rất nhiều cổ phiếu không còn room. Chúng tôi biết, UBCK đang trình việc này. Để tạo sự hấp dẫn cho NĐT nước ngoài, điều quan trọng hơn là tăng tính thanh khoản của thị trường, tăng số lượng cổ phiếu có thể đầu tư và đưa ra các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh”.
Một phân tích của Maybank Kim Eng dựa vào dữ liệu lịch sử của các dòng vốn quốc tế cho thấy, thời gian kể từ khi vốn rút khỏi các thị trường mới nổi và quay về các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu đến khi nó chấm dứt mất từ 40 - 50 tuần. Nếu chu kỳ này lặp lại thì khoảng tháng 4 - 5/2014, hiện tượng rút vốn khỏi thị trường mới nổi sẽ kết thúc và rất có thể dòng vốn quay trở lại châu Á.
Có vẻ tình hình thực tế đang diễn ra theo chu kỳ đó. Giữa tháng 4/2014, tổ chức chuyên cung cấp dữ liệu về sự di chuyển của các quỹ đầu tư toàn cầu EPFR Global cho biết, gần 2,5 tỷ USD đã chảy vào các quỹ đầu tư chung (mutual fund) và các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đầu tư vào chứng khoán của các thị trường mới nổi chỉ trong 4 ngày đầu tiên của tháng 4/2014. CNNMoney, trang online của Tạp chí Fortune và Money cho biết, đây là lần đầu tiên vốn chảy vào các quỹ này kể từ tháng 10 năm ngoái.
Dòng vốn nước ngoài vào các thị trường như Thái Lan và Indonesia trước đây luôn lớn hơn vào Việt Nam, nhưng có nhận định rằng, dòng vốn đó nay thận trọng hơn khi Thái Lan gặp bất ổn chính trị, còn Indonesia sắp diễn ra bầu cử. Thay vào đó, các dòng vốn này được kỳ vọng sẽ chảy vào Việt Nam.
Ngày 19/6 tới, Báo Đầu tư phối hợp với CTCK HVS Việt Nam và Công ty Quản lý quỹ Asia Frontier Capital (AFC) tổ chức Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF 2014) tại TP. HCM với chủ đề: “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi: Cơ hội nào cho Việt Nam?”. TS. Marc Faber là diễn giả chính tại diễn dàn.