Tín hiệu tích cực này cho thấy, các quốc gia đang phát triển đã vượt qua được giai đoạn suy giảm tăng trưởng kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Trước đó, lượng vốn ròng chảy khỏi các nền kinh tế đang phát triển cán mốc 735 tỷ USD trong năm 2015, bắt nguồn từ sự lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách lãi suất, giá dầu mỏ suy giảm mạnh và nguy cơ vỡ bong bóng chứng khoán Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế David Hensley tại JPMorgan nhận định, quá trình phục hồi kinh tế của nhóm các nền kinh tế đang nổi đã duy trì được nền tảng vững mạnh.
“Đây rõ ràng là một giai đoạn quan trọng đối các thị trường mới nổi, khi họ đã bắt đầu vượt qua các cú sốc tài chính. Kể từ năm 2016 đến nay, lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện, không chỉ tại Mỹ, mà còn trên toàn thế giới. Điều này cũng tương ứng với dữ liệu cải thiện tích cực trong các chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI), vốn là thước đo đánh giá mức độ tin tưởng của các công ty đối với sức khỏe thị trường”, ông Hensley nói.
Dữ liệu của JPMorgan cũng cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2016, cả lợi nhuận doanh nghiệp và chi tiêu vốn đều có sự cải thiện. Sự lạc quan bắt đầu lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế thực, khi sản lượng công nghiệp cũng ghi nhận mức tăng, kéo theo đầu tư tăng, đặt nền tảng cho tăng trưởng bền vững và gia tăng năng suất lao động trong tương lai.
Một điều lạc quan khác là hoạt động giao dịch thương mại. Số liệu phân tích xuất khẩu của Capital Economics ghi nhận, các nhà xuất khẩu tại những nền kinh tế đang phát triển đều có khởi đầu rất tích cực kể từ đầu năm 2017 đến nay, trong đó xuất khẩu từ Trung Quốc, Brazil và Hàn Quốc tăng mạnh trong tháng 1 vừa qua.
Một số ý kiến cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu của các nền kinh tế đang phát triển là nhờ giá hàng hóa phục hồi. Điều này là đúng song chưa đủ, bởi lẽ, các nhà xuất khẩu như chế tạo ô tô tại Brazil và sản xuất đồ điện tử tại Hàn Quốc cũng là những đối tượng hưởng lợi khi chứng kiến doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng.
Bên cạnh đó, dòng tiền đổ vào chứng khoán và các quỹ trái phiếu tại các nền kinh tế đang phát triển ghi nhận tín hiệu lạc quan kể từ đầu năm 2017. Dù các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ra hơn 38 tỷ USD từ cổ phiếu và trái phiếu trong 3 tháng cuối năm 2016 tại các nền kinh tế đang phát triển, song đã bơm trở lại 12 tỷ USD trong tháng 1/2017.
Sergio Trigo Paz, chuyên gia tài sản cố định các thị trường đang nổi tại Quỹ đầu tư BlackRock nhận định, đã xuất hiện sự dịch chuyển mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ của các nền kinh tế này, từ thắt chặt tài khóa sang kích thích chi tiêu và từ chính trị truyền thống sang chủ nghĩa dân túy. Sự dịch chuyển này sẽ có lợi cho tài sản của các thị trường mới nổi, qua đó kéo lãi suất và lạm phát tăng lên.