Bất an về nguồn nước
Tại Hà Nội, câu chuyện nước sinh hoạt từ nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu thải đến nay vẫn để lại nỗi ám ảnh trong nhiều người dân. Mặc dù nước sạch đã được cấp trở lại, nhưng nhiều người vẫn chưa yên tâm khi sử dụng để ăn uống, mà chủ yếu chỉ dùng để tắm rửa.
Còn tại TP.HCM, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước sông Đồng Nai từ Hóa An và Cát Lái đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng, đồng thời bị ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Nước của sông Sài Gòn cũng đang bị ô nhiễm vi sinh cao. Tình trạng nước ngầm đang bị khai thác quá mức với lưu lượng lớn làm cho trữ lượng khai thác an toàn nhiều nơi bị cạn kiệt, gây mất cân bằng nước.
Tại hội thảo quốc tế "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân - Khuyến nghị cho TP.HCM trong giai đoạn 2019 - 2035", ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố cho biết, nguồn nước thô của Thành phố đang được khai thác từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai bị ô nhiễm nặng do tác động của sự phát triển kinh tế, xã hội là rất lớn, nhưng Thành phố không thể kiểm soát.
Vụ việc xảy ra tại Chung cư The Parkland, đường Nguyễn Thị Búp, phường Hiệp thành, quận 12 là một ví dụ điển hình cho việc người dân đang bất an về nguồn nước.
Cụ thể, nguồn nước mà cư dân ở đây sử dụng do Công ty Cấp nước Trung An cung cấp. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian rất ngắn, người dân phát hiện nước thường xuyên bị đục và đóng váng. Nhiều người khi sử dụng nước đã bị các triệu chứng đau bụng, ngứa ngáy, viêm da.
Anh Lợi, chủ căn hộ 9.23, Chung cư The Parkland cho biết, gia đình anh cũng như nhiều căn hộ ở tầng trên, thường xuyên xuất hiện tình trạng nước sinh hoạt có màu bất thường. Khi xả tất cả các vòi nước đều thấy đục ngầu, không khác gì nước thải.
Và đều được quảng cáo là sản phẩm tốt nhất
Cư dân đã nhiều lần phản ánh lên Công ty Cấp nước Trung An, nhưng tình hình cũng chẳng mấy thay đổi. Thay vào đó, công ty này khẳng định, nguồn nước mà họ cung cấp vẫn sạch. Các cư dân đã trực tiếp làm đơn phản ánh đến Ban quản lý và yêu cầu giải quyết tình trạng nước, đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cho cư dân sử dụng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tình trạng nước sinh hoạt với ban quản lý chung cư, nhưng câu trả lời nhận được là nếu có vấn đề gì thắc mắc thì liên hệ với Công ty Cấp nước Trung An. Cư dân chúng tôi giờ không biết kêu lên đâu, còn nếu tiếp tục sử dụng nguồn nước này thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó, ai chịu trách nhiệm?”, anh Lợi bức xúc.
Lạc trong “ma trận” máy lọc nước
Bất an về nguồn nước sạch, nhiều người dân tìm đến phương án đi tìm mua máy lọc nước về sử dụng, nhưng thế nào là một chiếc máy lọc nước tốt thì rất khó để phân biệt. Bởi trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm máy lọc nước với hàng loạt thương hiệu khác nhau. Nhiều sản phẩm được quảng cáo hết sức hấp dẫn, cùng với những công dụng tuyệt vời, như có thể lọc kim loại, thêm khoáng chất, thêm kiềm tốt như rau xanh… Mức giá mỗi máy lọc nước dao động từ 3 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng tùy nhãn hiệu, số tầng lọc, công suất chứa, khả năng lọc nước.
Anh Viên, một cư dân hiện đang sống tại Chung cư The Parkland cho biết, vì lo ngại chất lượng nguồn nước sinh hoạt, anh đã quyết định tìm mua một chiếc máy lọc nước để sử dụng. Tuy nhiên, để mua được một sản phẩm ưng ý lại không hề đơn giản, bởi riêng việc tìm hiểu, lựa chọn nhà sản xuất và sản phẩm có phải chính hãng hay là hàng giả cũng đã đủ khiến anh rơi vào "mê hồn trận", không biết đâu mà lần.
Trong vai khách hàng đi tìm mua máy lọc nước cho gia đình, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được người quản lý của một cửa hàng trên đường Lê Văn Việt, quận 9 (TP.HCM) giới thiệu một số nhãn hiệu như Geyser, Kangaroo, Karofi, Jenpec, Hyundai, AO Smith, Dr Sukida..., có cả sản phẩm nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước, với giá từ 4 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng, tùy theo công suất và số lượng tầng lọc. Tuy nhiên, khi hỏi về cách phân biệt giữa hàng chính hãng với hàng giả, hàng nhái, thì chủ cửa hàng này lại không giải thích được.
Tương tự, tại một cửa hàng khác trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh (TP.HCM), một nhân viên bán hàng tư vấn cho chúng tôi rằng, máy lọc nước trong gia đình có nhiều loại.
Có loại lọc cặn lắng làm mất màu vàng đục của nước và khử sắt hoà tan trong nước. Loại lọc cặn chỉ cần dùng phin lọc thô bằng giấy, cuộn sợi bông, sợi PE, hoặc cát thạch anh Vân Đồn… Khi nước đi qua, phin lọc sẽ chặn lại các hạt huyền phù. Còn muốn khử mùi, khử màu phải lọc bằng than hoạt tính. Các phin lọc này dùng một thời gian phải sục rửa và thay phin lọc mới.
Lọc vi khuẩn thường dùng phin gốm sứ, được chế tạo bằng công nghệ riêng, trộn phôi liệu với các hạt kẽm nano siêu mịn, sau đó thiêu kết và ngâm trong dung dịch axit. Kẽm bị hoà tan và để lại lõi lọc bằng gốm có các lỗ siêu nhỏ, ngăn không cho vi khuẩn đi qua. Nước lọc bằng các lõi này có thể uống ngay, không cần phải đun sôi.
“Tốt nhất là nên mua bộ lọc bằng cát và than hoạt tính. Cả bình lọc, bầu chứa và ống khoảng 3 triệu đồng; công lắp đặt 200.000 đồng. Mua thêm cái sục khí ozone 500.000 đồng nữa là yên tâm, sẽ có nước sạch không mùi, không màu. Dùng để uống tốt nhất là đun sôi”, nhân viên này nói và cho chúng tôi xem một cái bình lọc bằng thuỷ tinh hữu cơ của Trung Quốc. Trên thân bình in dòng chữ màu xanh “Lọc được vi khuẩn, vi rút. Uống được ngay!”.
Trao đổi về vấn đề này, anh Thường, một thợ có nhiều năm kinh nghiệm trong việc lắp đặt máy lọc nước tiết lộ, đã có nhiều người bị đau bụng và tiêu chảy vì cái bình lọc nước rẻ tiền này rồi. Họ bán hàng giả, hàng nhái, nhưng cứ quảng cáo lố nhằm lòe bịp khách hàng. Nhà nào có con nhỏ mà uống nước từ máy lọc này rất nguy hiểm, vì hệ miễn dịch của trẻ còn kém.
Theo anh Thường, trên thị trường hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp bán máy lọc nước. Chất lượng và giá cả cũng rất khác nhau. Để phân biệt máy thật hay hàng nhái, người mua có thể dựa vào một số chi tiết trên máy thông qua mắt thường. Hàng chính hãng thì khi nhìn vào thân máy sẽ thấy độ sắc nét và tinh xảo hơn. Hàng nhái dù được làm tinh vi đến đâu, thì khi nhìn vào chất liệu nhựa sẽ thấy chất liệu nguyên thô, vết cắt không mịn.
Cần tránh mua những loại máy không có nguồn gốc hay ở các cửa hàng không có địa chỉ bán hàng cụ thể và không cung cấp đầy đủ các giấy tờ lưu hành sản phẩm hợp pháp, người tiêu dùng nên tìm đến các cửa hàng, đại lý được phân phối chính hãng hoặc các cơ sở uy tín. Bởi hiện nay, các nhà sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu đã đưa ra nhiều biện pháp giúp người dùng phân biệt các sản phẩm thật, giả.
Từ thực trạng trên cho thấy, người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng cách trang bị thêm những kiến thức về sản phẩm trước khi mua sắm để tránh gặp phải những tác hại không mong muốn.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com