Thỏa thuận 43 tỷ USD của Tập đoàn viễn thông Mỹ AT&T với Công ty truyền thông Discovery là một trong những thương vụ M&A lớn nhất năm 2021. Ảnh: AP
Theo dữ liệu của Dealogic, giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 5.000 tỷ USD, với khối lượng tăng 63% lên mức 5.630 tỷ USD, tính đến ngày 16/12/2021. Như vậy, thị trường đã dễ dàng vượt mốc kỷ lục 4.420 tỷ USD vào năm 2007 - thời điểm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ông Chris Roop, đồng Giám đốc thị trường M&A Bắc Mỹ tại hãng dịch vụ tài chính lâu đời JPMorgan cho biết: "Bảng cân đối kế toán doanh nghiệp cực kỳ lành mạnh, chỉ riêng ở Mỹ đã có lượng tiền giao dịch lên tới 2.000 tỷ USD - và khả năng tiếp cận vốn vẫn rất thuận lợi với chi phí ở mức thấp trong lịch sử".
Công nghệ và chăm sóc sức khỏe vẫn tiếp tục là hai lĩnh vực dẫn đầu thị trường M&A toàn cầu năm 2021, một phần do nhu cầu bị dồn nén từ năm 2020 khi tốc độ hoạt động M&A lao đáy trong 3 năm bởi thiệt hại tài chính từ đại dịch Covid-19.
Trong năm 2021, doanh nghiệp đổ xô huy động vốn thông qua chào bán cổ phiếu hoặc trái phiếu. Đáng chú ý, những công ty lớn đã tận dụng sức nóng của thị trường chứng khoán để dùng chính cổ phiếu của họ để giao dịch M&A, còn các nhà đầu tư tài chính có xu hướng tìm đến các công ty niêm yết đại chúng nhiều hơn.
Ngoài ra, lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao và triển vọng kinh tế tổng thể tươi sáng đã giúp các CEO tự tin theo đuổi những thương vụ lớn mang tính chuyển đổi, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn như áp lực lạm phát.
Ông Tom Miles, đồng Giám đốc thị trường M&A châu Mỹ tại Morgan Stanley cho rằng: "Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ là động lực chính của hoạt động M&A. Khi giá cổ phiếu cao, điều đó thường tương ứng với triển vọng kinh tế tích cực và niềm tin của CEO dâng cao".
Theo Dealogic, tổng khối lượng giao dịch M&A ở Mỹ tăng gần gấp đôi lên 2.610 tỷ USD trong năm 2021. Các thương vụ tương tự ở châu Âu cũng tăng 47% lên 1.260 tỷ USD, trong khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến giá trị giao dịch M&A tăng 37% lên 1.270 tỷ USD.
Ông Raghav Maliah, Phó chủ tịch toàn cầu phụ trách ngân hàng đầu tư tại Goldman Sachs đánh giá: "Trong khi các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc đạt mức khiêm tốn, thì doanh nghiệp từ các quốc gia châu Á khác đã tăng cường mua tài sản toàn cầu. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục, đặc biệt là đối với các giao dịch ở châu Âu và Mỹ".
Thỏa thuận 43 tỷ USD của Tập đoàn viễn thông Mỹ AT&T với Công ty truyền thông đại chúng Discovery và thương vụ Blackstone, Carlyle và Hellman & Friedman thâu tóm hãng sản xuất thiết bị y tế Medline Industries với giá 34 tỷ USD là hai trong số những thương vụ M&A đình đám nhất trong nửa đầu năm 2021.
Sức nóng của thị trường M&A không có dấu hiệu hạ nhiệt trong nửa cuối năm. Vào ngày 21/11 vừa qua, Quỹ đầu tư tư nhân Mỹ KKR đã thực hiện "chào giá" mua lại Telecom Italia - nhà mạng viễn thông lớn nhất Italia đang được định giá 40 tỷ USD. Đây sẽ là thương vụ mua cổ phần tư nhân lớn nhất từ trước đến nay ở châu Âu và lớn thứ hai trên toàn cầu, nếu được tiến hành thành công.
Theo Dealogic, nguồn vốn sẵn có đã thúc đẩy các giao dịch mua bán cổ phần tư nhân, với khối lượng tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái lên mức kỷ lục 985,2 tỷ USD.
"Các nhà đầu tư đang triển khai giao dịch tiền mặt với tốc độ chưa từng có; trên thị trường toàn cầu, định giá tài sản đã đạt mức cao nhất lịch sử", ông Luigi de Vecchi, Chủ tịch tư vấn thị trường vốn ngân hàng châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Citigroup, nhận định.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu giá trị của các thương vụ M&A liệu có tương xứng với giá trị thực theo theo thời gian không, bởi trước áp lực phát triển xanh hơn và thân thiện hơn với môi trường, các CEO phải tìm kiếm các mục tiêu phù hợp dài hạn nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng khí hậu.