“MBS từng bước khẳng định trên thị trường M&A” Trần Hải Hà,Tổng giám đốc CTCK MB
Đóng góp chung vào sự sôi động của thị trường M&A tại Việt Nam, MBS coi phát triển mảng tư vấn M&A như một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của Công ty. Một số thương vụ điển hình MBS đã thực hiện như thực hiện chào mua công khai cổ phiếu CTCP Cồn rượu Hà Nội cho Diageo với tổng giá trị thương vụ: 43,8 triệu USD. Tư vấn thương vụ Nicherie mua 19% cổ phần Cholimex, với tổng giá trị thương vụ 6,25 triệu USD… Hiện tại, MBS đang thực hiện một số thương vụ M&A với tư cách là đơn vị tư vấn bên bán cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng, phân phối, bán lẻ, công nghệ thông tin. Chúng tôi hy vọng, MBS sẽ sớm công bố thông tin về các thương vụ M&A thực hiện thành công.
Bên cạnh các thương vụ mua lại, trong 6 tháng đầu năm 2014, MBS cũng đã thực hiện thành công một số thương vụ bảo lãnh phát hành cổ phiếu như CTCP Đầu tư FIT, CTCP Tập đoàn FLC hay đang thực hiện thương vụ phát hành riêng lẻ kết hợp với mua lại cổ phần giữa CTCP Đầu tư FIT với CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC)… Với chiến lược phát triển M&A nói riêng và chiến lược trở thành ngân hàng đầu tư hàng đầu nói chung, MBS đang từng bước khẳng định vai trò của mình trong việc ra tạo giá trị cho khách hàng, thực hiện đúng và đầy đủ chức năng trung gian trên thị trường vốn của một ngân hàng đầu tư, nhằm cung cấp các giải pháp vốn dài hạn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ kết nối các cơ hội đầu tư từ DN đối tác tới mạng lưới các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trên phạm vi trong nước và quốc tế. Theo nhận định của MBS, hoạt động M&A thời gian tới sẽ tiếp tục sôi động, tập trung vào các ngành nghề chủ đạo là hàng tiêu dùng, bất động sản và ngân hàng tài chính. |
“M&A đã lan rộng khắp các ngành” Ông Tào Minh Dương,Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư CTCK Bảo Việt (BVSC)
Trải qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, hoạt động M&A tại Việt Nam phát triển hơn bao giờ hết và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Hoạt động M&A đã lan rộng trong khắp các ngành kinh tế từ tài chính, ngân hàng, sản xuất, bất động sản đến công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng. Trong hai năm trở lại đây hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán và hàng tiêu dùng.
Trong lĩnh vực chứng khoán, các cuộc chuyển nhượng vốn đầu tư giữa các cổ đông lớn diễn ra thường xuyên, tuy nhiên hoạt động tái cấu trúc theo hướng hợp nhất, sáp nhập thì mới xuất hiện gần đây. Từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường chứng kiến thương vụ hợp nhất đầu tiên giữa CTCK MB và CTCK VIT, năm 2014, CTCK Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), CTCK Hải Phòng (HPC), CTCK Sen Vàng (GLS)… cũng đang đánh tiếng tìm công ty chứng khoán đối tác để hợp nhất, sáp nhập. Đối với các công ty niêm yết, song song với các hoạt động huy động vốn trên thị trường thì M&A đã trở thành hoạt động thường xuyên và là chủ đề quen thuộc đối với công chúng đầu tư. BVSC bắt đầu tư vấn M&A từ năm 2009, đến nay, chúng tôi đã tư vấn hàng chục thương vụ thành công. Ba năm liền từ 2011 - 2013, BVSC liên tiếp được nhận danh hiệu Nhà tư vấn M&A tiêu biểu do Diễn đàn M&A Việt Nam trao tặng, đặc biệt là danh hiệu Nhà tư vấn M&A tiêu biểu giai đoạn 5 năm 2009 - 2013. Các thương vụ do BVSC tư vấn cũng đạt được giải thưởng Thương vụ M&A tiêu biểu, như thương vụ sáp nhập KDC – NKD – KIDO’s với giá trị trên 900 tỷ đồng, thương vụ có giá trị lớn nhất thị trường chứng khoán năm 2011 – 2012 là thương vụ sáp nhập VIC – VPL với giá trị trên 54.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD). Tổng giá trị các thương vụ M&A do BVSC tư vấn khoảng trên 58.000 tỷ đồng. Chúng tôi nhận định xu hướng M&A trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục nở rộ và sẽ tiếp tục lan rộng trong các ngành như tài chính, chứng khoán, tiêu dùng, sản xuất, bất động sản... |
“Việt nam có sức hấp dẫn cho hoạt động M&A” Ông Nguyễn Thanh Hà,Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng đầu tư, CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)
Theo các khảo sát gần đây, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có sức hấp dẫn cho hoạt động M&A cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực. Vốn đầu tư tiếp tục được thu hút mạnh mẽ thông qua các hoạt động M&A, với các NĐT chủ yếu đến từ châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Các yếu tố về pháp lý làm cản trở quá trình M&A đang dần trở nên thông thoáng hơn, điển hình là trong ngành chứng khoán và ngân hàng Việt Nam, với sự cho phép của Chính phủ về nới room cho khối ngoại sở hữu cổ phần trong các trường hợp đặc biệt...
Thị trường M&A sẽ vẫn tiếp tục sôi động trong thời gian tới, bởi xu hướng chuyển dịch từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang đầu tư gián tiếp qua M&A. Hơn nữa, bối cảnh trong nước cho thấy DN Việt Nam vẫn có mức định giá hấp dẫn đối với các NĐT nước ngoài do những khó khăn mang tính đặc thù của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, thương vụ lớn trong các ngành chủ chốt của Việt Nam như ngân hàng, hàng tiêu dùng, bất động sản, vật liệu xây dựng, dược phẩm sẽ tiếp tục là tâm điểm. Từ kinh nghiệm của một đơn vị tư vấn M&A thành công cho các thương vụ: Tổng công ty Thép Việt Nam mua lại một nhà máy của Lilama, với giá trị 570 tỷ đồng; Công ty Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai thoái 100% vốn tại 6 nhà máy thủy điện cho một NĐT trong nước, với giá 2.100 tỷ đồng, VPBS nhận thấy, để thành công trong chiến lược M&A, các DN cần lưu ý, khi bên mua là NĐT nước ngoài, thì công nghệ thường không được họ đánh giá cao. Thay vào đó, họ đánh giá cao các yếu tố như thị phần, hệ thống kênh phân phối, thương hiệu của bên bán. |
“M&A trong ngành sản xuất, hàng tiêu dùng vẫn sôi động” Ông Phạm Hồng Sơn,Trưởng phòng Tư vấn tài chính DN, CTCK Bản Việt (VCSC)
Điều kiện vĩ mô với nhiều yếu tố tích cực đã giúp cho môi trường đầu tư tại Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các NĐT. Họ có thể khai thác các lợi thế sẵn có của Việt Nam như thị trường tiêu dùng rộng lớn với dân số trẻ, lao động chi phí hợp lý. Nhiều DN Việt Nam hiện có nhu cầu tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước, nhằm thu hút nguồn vốn mới để phát triển. Sự thiếu ổn định về mặt chính trị - xã hội của một số nước trong khu vực cũng đem lại cơ hội thu hút các NĐT từ các nước này đầu tư vào Việt Nam. Riêng lĩnh vực tài chính, chúng tôi nhận thấy nhiều NĐT nước ngoài rất tích cực trong tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặc biệt là trong mảng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Với những yếu tố đó, chúng tôi tin rằng, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục diễn biến tích cực trong thời gian tới.
Là nhà tư vấn cho nhiều thương vụ M&A thành công tại Việt Nam thời gian qua, VCSC nhận thấy xu hướng của hoạt động M&A thời gian tới vẫn tập trung vào các ngành sản xuất, hàng tiêu dùng để khai thác lợi thế về thị trường tiêu dùng rộng lớn, cũng như chi phí nhân công hợp lý tại Việt Nam. Một số NĐT trong và ngoài nước cũng đang đón đầu thời kỳ phục hồi của thị trường bất động sản nên cũng tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này. |
“Xu hướng M&A sẽ tập trung vào lĩnh vực bất động sản” Ông Tống Minh Tuấn,Trưởng phòng Tư vấn DN, CTCK Vietcombank (VCBS)
Hoạt động M&A sôi động trong năm 2012, 2013, với thương vụ nổi bật của các ngân hàng dường như đang trầm lắng hơn trong năm 2014. Nhà đầu tư nhận ra rằng quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng còn kéo dài và ngân hàng nhỏ còn quá nhiều yếu kém về tài chính, quản trị nên việc mua lại các ngân hàng không còn là sự lựa chọn số 1 của họ.
Với lĩnh vực chứng khoán, phần lớn thương vụ M&A tập trung vào việc xử lý nợ xấu, lỗ lũy kế nhằm làm đẹp báo cáo tài chính, chứ không phải là để phát triển thị trường, tăng quy mô cho các CTCK, công ty quản lý quỹ. Chúng tôi cho rằng, xu hướng M&A trong thời gian tới sẽ tập trung vào lĩnh vưc bất động sản, nhằm đón đầu chu kỳ tăng trưởng của thị trường bất động sản trong vòng 1-2 năm tới. Hiện VCBS có danh mục các dự án bất động sản tiềm năng với vị trí đắc địa tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM và các địa điểm du lịch trọng điểm như Đà Nẵng, Hội An… để kết nối với các nhà đầu tư có nhu cầu M&A theo xu hướng hiện nay. |