Tỷ giá ít biến động, nhưng lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh
Trong tuần từ 19/8 - 23/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng - giảm nhẹ trong 4 phiên đầu tuần, phiên cuối tuần tăng mạnh 11 đồng. Chốt tuần ngày 23/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.127 VND/USD, tăng 7 đồng so với cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay vẫn được NHNN niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.771 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục ít biến động trong tuần qua. Kết thúc phiên cuối tuần, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.199 VND/USD, giảm 13 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi trong suốt 4 phiên đầu tuần và chỉ giảm nhẹ trong phiên cuối tuần. Kết thúc ngày 23/8, tỷ giá giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, đóng cửa tại 23.180 - 23.210 VND/USD.
Ðiểm đáng chú ý, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn so với cuối tuần trước đó. Chốt tuần ngày 23/8, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: 3,2%/năm đối với kỳ hạn qua đêm (tăng 0,3 điểm phần trăm), 3,31%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần (tăng 0,31 điểm phần trăm), 3,4%/năm đối với kỳ hạn 2 tuần (tăng 0,27% điểm phần trăm), 3,53%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng (tăng 0,2 điểm phần trăm).
Trong khi đó, lãi suất USD liên ngân hàng tiếp tục giảm qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Cuối tuần, lãi suất qua đêm ở mức 2,32%/năm (giảm 0,06 điểm phần trăm), 1 tuần ở mức 2,41%/năm (giảm 0,05 điểm phần trăm), 2 tuần ở mức 2,49% (giảm 0,05 điểm phần trăm) và 1 tháng ở mức 2,61%/năm (giảm 0,05 điểm phần trăm).
Tuần qua, NHNN chỉ chào thầu 18.000 tỷ đồng tín phiếu NHNN trong 3 phiên đầu tuần, không chào thầu 2 phiên cuối tuần. Tín phiếu vẫn được chào với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,75%/năm. Kết quả, các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng chào thầu. Trong tuần, có 41.999 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm mạnh xuống mức 18.000 tỷ đồng.
Trên kênh cầm cố, NHNN vẫn đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%/năm, không có khối lượng trúng thầu và trong tuần có 20 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, tuần qua, NHNN bơm ròng 23.979 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Nền tảng lãi suất vẫn ổn
Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách lãi suất kể từ khi Mỹ - Trung bắt đầu cuộc chiến thương mại. Lãi suất thực vẫn dương, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ bắt đầu có xu hướng giảm trở lại. Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam hội tụ đủ những điều kiện để tiếp tục tăng trưởng ổn định trong vài năm tới.
“Hiện tại, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã được đẩy mạnh hơn, bao gồm cả các quốc gia trong cùng khu vực. Tuy nhiên, các quyết định thay đổi chính sách tiền tệ của NHNN thường sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố trong nước. Do vậy, với tình hình kinh tế vĩ mô vẫn tương đối ổn định, chính sách tiền tệ dự báo được duy trì ổn định trong những tháng cuối năm 2019”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.
Theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2019, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cả nước ước đạt 134.494 tỷ đồng, bằng 31,32% kế hoạch cả năm mà Quốc hội giao, thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 35%; tỷ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài đạt 8,6% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước thặng khiến số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại duy trì ở mức cao, nên thanh khoản toàn hệ thống vẫn tương đối ổn định.
“Diễn biến của lãi suất liên ngân hàng được dự báo sẽ không có biến động quá lớn trong thời gian tới”, giám đốc tiền tệ một ngân hàng nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, trong tháng 7, NHNN nới room tín dụng đối với một số ngân hàng thương mại, nhưng sẽ không gây tác động lớn tới tăng trưởng tín dụng toàn ngành, do danh sách điều chỉnh lần này chủ yếu là các ngân hàng nhỏ và NHNN đã cân đối về lượng tăng trưởng tín dụng tăng thêm nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng 14% trong năm nay. Do đó, dự kiến tăng trưởng huy động vốn và tín dụng trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, chênh lệch huy động vốn - tín dụng dao động nhẹ từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng.
Nới room tín dụng cũng sẽ thúc đẩy các ngân hàng thương mại bước vào cuộc đua tăng lãi suất, do đó, việc tăng room tín dụng từng ngân hàng sẽ được cơ quan quản lý cân nhắc thận trọng trên cơ sở đánh giá toàn bộ hoạt động thị trường.