Nguy cơ lao động mất việc
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo, khi tham gia AEC, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 14 triệu cơ hội việc làm mới vào năm 2025. Những cơ hội này có thể bao gồm việc làm tại những quốc gia khác trong khu vực.
Điều kiện đặt ra để nhận được quyền dịch chuyển tự do làm việc tại các nước thuộc ASEAN là người lao động phải được công nhận tay nghề tương đương giữa các nước. Theo thỏa thuận công nhận lẫn nhau, có 8 lĩnh vực mà lao động có thể dịch chuyển tự do trong ASEAN, bao gồm dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát, hành nghề y khoa, hành nghề nha khoa, dịch vụ kế toán, hành nghề du lịch. Đây đều là những công việc đòi hỏi kỹ năng cao, hành nghề chuyên nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo “Thị trường lao động Việt Nam sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN” mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, bên cạnh cơ hội xuất khẩu nhân lực, việc lao động nước ngoài thuộc 8 lĩnh vực trình độ cao tràn vào Việt Nam có thể gây nguy cơ “mất việc” không nhỏ đối với lao động trong nước. Để ứng phó với vấn đề này, theo Thứ trưởng Diệp, Chính phủ cần có những giải pháp tăng cường thông tin về việc làm cho người lao động trong nước hoặc tạo ra các rào cản kỹ thuật (ngôn ngữ, trình độ) với lao động di cư.
Đồng tình với quan điểm này, ông Simon Matthews, Giám đốc Manpower Group (tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ nhân sự) cho biết, việc sử dụng rào cản kỹ thuật với lao động di cư đã được hình thành tại một số nước ASEAN.
“Thái Lan đã có quy định 39 nghề người lao động nước ngoài không được làm. Hay Malaysia có quy định, nhà tuyển dụng phải chứng minh được sự thiếu hụt lao động bản địa mới có thể thuê lao động nước ngoài…”, ông Simon dẫn chứng.
Đánh giá về câu chuyện chuyển dịch lao động trong khối AEC, TS. Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề cho rằng, trước khi AEC thành lập, hiện tượng dịch chuyển lao động trong khu vực vẫn xảy ra, do chênh lệnh về điều kiện kinh tế và nhân khẩu học. Tuy nhiên, sự chuyển dịch lao động chủ yếu vẫn diễn ra ở phân khúc lao động có kỹ năng trung bình và thấp. Cụ thể, trong giai đoạn 1990 - 2013, lượng lao động di cư nội khối ASEAN tăng từ 1,5 triệu người lên 6,5 triệu người. Malaysia, Singapore và Thái Lan nổi lên như là các trung tâm di cư chính.
Theo TS. Việt, chính sách của AEC hiện chỉ tập trung quản lý lao động trình độ cao, mà chưa đề cập đến nhóm đối tượng lao động có kỹ năng trung bình và thấp, do đó, trong tương lai, các quốc gia nên khuyến khích và bảo vệ lao động di cư qua tăng cường khả năng tiếp cận các kênh di cư chính thống; mở rộng các lĩnh vực mà lao động được dịch chuyển tự do như xây dựng, dệt may, thủy sản…
… và cạnh tranh thu hút nhân tài
Việc các nước ASEAN ký thỏa thuận về dịch chuyển lao động tự do trong khu vực, được nhiều chuyên gia đánh giá, cũng tạo ra tác động có tính hai mặt với khối doanh nghiệp. Việt Nam hiện có lực lượng lao động dồi dào, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Cạnh tranh thu hút nhân tài thực tế đang diễn ra khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, thỏa thuận về dịch chuyển lao động tự do trong khối AEC có thể làm tăng nguy cơ “chảy máu” nhân sự giỏi.
“Sau thỏa thuận về dịch chuyển lao động tự do trong khu vực, người sử dụng lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm các lao động có kỹ năng, trình độ cao đáp ứng yêu cầu công việc, nhưng cũng đứng trước những thách thức trong cạnh tranh về chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận định.
Theo ông Simon Matthews, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bước vào một cuộc “cạnh tranh thông minh trong dài hạn” để thu hút và giữ chân người tài. Vị chuyên gia này khuyến nghị, các doanh nghiệp cần đầu tư vào thương hiệu để thu hút nhân sự giỏi. Bên cạnh các chế độ đãi ngộ, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng một môi trường làm việc để nhân sự phát huy được năng lực, đồng thời tạo cơ hội cho nhân sự được tham gia các khóa đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn.