Thị trường lao dốc, giới đầu tư bỏ chạy

Thị trường lao dốc, giới đầu tư bỏ chạy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall có phiên lao dốc không phanh ngày thứ Tư (23/9) khiến tháng 9 đang ngày càng tồi tệ.

Dữ liệu từ IHS Markit cho thấy, tốc độ phục hồi hoạt động kinh doanh tại Mỹ đã chậm lại trong tháng 9, các nhà máy trở lại với sản xuất song các doanh nghiệp ngành dịch vụ lại đi lùi, nền kinh tế lớn nhất thế giới mất đi động lực khi đại dịch Covid-19 kéo dài.

Giới phân tích nhận định, nền kinh tế Mỹ đang chững lại ở mức phục hồi được khoảng 80% hoạt động trước khi đóng cửa do dịch bệnh và sẽ không trở lại mức bình thường cho đến khi có vắc xin.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết hôm thứ Tư rằng, Fed không lên kế hoạch cho bất kỳ thay đổi “lớn” nào đối với chương trình cho vay trong chính sách chính của mình, đồng thời tuyên bố, không chỉ Fed mà cả Quốc hội cũng cần phải “kiên trì” trong việc thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.

Trong khi đó, tâm lý thị trường càng trở nên tiêu cực hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ kết thúc tại Tòa án Tối cao Mỹ và quan trọng nhất là cần đủ 9 thành viên tại đây.

Sự ra đi vào tuần trước của Thẩm phán Tối cao Ruth Bader Ginsburg, một nhà công lý tự do, khiến Tòa án Tối cao hiện chỉ còn 8 thành viên và những cuộc bỏ phiếu ràng buộc về các phán quyết có thể xảy ra.

Quá trình tìm người thay thế bà Ginsburg có thể sẽ làm Thượng viện Mỹ rối loạn và tắc nghẽn, khiến các thảo luận về gọi kích thích kinh tế cần cho thị trường lúc này trở nên khó khăn hơn.

Tổng thống Trump trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Tư cũng đã từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình nếu ông thua cử trước ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Có thể thấy, một cuộc bầu cử đầy sóng gió và biến động đang chờ đợi thị trường.

Đóng cửa phiên giữa tuần, cả ba chỉ số chính trên phố Wall đều giảm. Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt thị trường Mỹ thời gian gần đây tiếp tục lại bị bán tháo mạnh, sau khi mới manh nha phục hồi đôi chút phiên trước đó.

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Dow Jones giảm 525,95 điểm (-1,92%), xuống 26.763,13 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 78,65 điểm (-2,37%) xuống 3.236,92 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 330,65 điểm (-3,02%), xuống 10.632,99 điểm.

Chứng khoán châu Âu phục hồi trong phiên ngày thứ Tư, dù dữ liệu dữ liệu kinh tế đang vẽ nên một bức tranh kinh tế ảm đạm và không đồng đều ở lục địa.

Cuộc khảo sát về hoạt động của khu vực tư nhân được IHS Markit công bố hôm qua cho thấy, nền tảng tăng trưởng kinh doanh của khu vực đồng euro đã ngừng lại vào tháng 9, trong tình cảnh các biện pháp hạn chế mới được thiết lập để dập tắt làn sóng lây nhiễm thứ hai đã đẩy ngành dịch vụ vào thế lùi sâu, xoá nhoà mức tăng trưởng mà lĩnh vực sản xuất đạt được.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư tin tưởng vào những chính sách kích thích hơn nữa từ các ngân hàng trung ương và chính phủ để đối đầu với suy thoái kinh tế.

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 69,80 điểm (+1,20%), lên 5.899,26 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 48,58 điểm (+0,39%), lên 12.642,97điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 29,42 điểm (+0,62%), lên 4.802,26 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Á có phiên giao dịch giữa tuần biến động trái chiều. Chứng khoán Nhật Bản giảm do tâm lý thị trường bị đè nặng bởi lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 tại châu Âu gia tăng và sự chậm trễ trong về gói kích thích tài chính của Mỹ.

Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, sau khi nước này cho biết sẽ tăng tốc phát triển vắc-xin Covid-19.

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 13,81 điểm (-0,06%), xuống 23.346,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,41 điểm (+0,17%), lên 3.279,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 25,66 điểm (+0,11%), lên 23.742,51 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 0,65 điểm (+0,03%), lên 2.333,24 điểm.

Giá vàng giả mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, chạm mức thấp nhất trong vòng hai tháng khi chỉ số đồng USD đạt mức cao nhất kể từ tháng 7. Kim loại trú ẩn an toàn vẫn không thể đi lên dù thị trường chứng khoán toàn cầu bán tháo. Có vẻ vô lý nhưng tình cảnh đã này đã không còn xa lạ trong vài tháng qua.

Kết thúc phiên 23/9, giá vàng giao ngay giảm 37,10 USD (-1,95%), xuống 1.863,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 40,10 USD (-2,11%), xuống 1.859,20 USD/ounce.

Giá dầu tăng tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và cơn bão nhiệt đới ở vịnh Mexico suy yếu.

Kết thúc phiên 23/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,13 USD (0,33%), lên 39,90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,05 USD (+0,12%), lên 41,77 USD/thùng.

Tin bài liên quan