Thị trường lạc nhịp, thanh khoản tăng vọt

Thị trường lạc nhịp, thanh khoản tăng vọt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index bay hơn 24 điểm về sát mốc 1.100 điểm với thanh khoản xác lập mức cao nhất trong gần 2 tháng.

Phiên giữ nhịp tăng khá mong manh ngày hôm qua (16/11) đã khiến nhà đầu tư phần nào cảnh giác hơn và giới phân tích cũng có những dự báo về trạng thái rung lắc của thị trường. Phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 17/11 đã “đi đúng” hướng nhưng có phần đuối sức về cuối phiên khi chỉ số VN-Index tạm khép lại ở mức giảm gần 6 điểm.

Mức giảm điểm xấp xỉ phiên sáng qua khiến thị trường có chút kỳ vọng kịch bản bất ngờ sẽ lặp lại. Tuy nhiên, áp lực bán ngày càng gia tăng và lan rộng trên thị trường, đặc biệt là gánh nặng lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến VN-Index cắm đầu lao dốc.

Thị trường khép lại phiên cuối tuần dù có thu hẹp biên độ đôi chút nhưng VN-Index vẫn ghi nhận mức giảm tới hơn 24 điểm và lùi về sát mốc 1.100 điểm với sắc đỏ chiếm áp đảo, gấp 4 lần số mã tăng. Đáng chú ý là toàn bộ 30 mã trong rổ VN30 đều mất điểm, tiếp tục đóng vai trò lực hãm chính của thị trường khi chỉ số nhóm này bay hơn 29 điểm.

Một phiên “lạc nhịp” sau 3 phiên tăng liên tiếp, nhưng thanh khoản thị trường lại tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 2 tháng qua với khối lượng đạt hơn 1,2 tỷ cổ phiếu và trạng thái bán tháo cũng chưa xảy ra khi toàn sàn HOSE chỉ có 4 mã giảm sàn, ngang ngửa số mã tăng trần.

Đóng cửa, sàn HOSE có 118 mã tăng và 437 mã giảm, VN-Index giảm 24,34 điểm (-2,16%) xuống 1.101,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,26 tỷ đơn vị, giá trị 24.334,77 tỷ đồng, tăng mạnh 82,6% về khối lượng và 64,65% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 79,67 triệu đơn vị, giá trị 1.597,16 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm VN30 là “tội đồ” chính của thị trường khi đóng cửa giảm hơn 29 điểm, với việc ghi nhận toàn bộ 30 mã đều giảm điểm. Trong đó, những mã vốn hóa lớn thuộc top dẫn đầu đang có mức giảm sâu nhất khi để mất hơn 5-6%.

Trái với diễn biến tiêu cực ở nhóm bluechip, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn có nhiều mã giao dịch bùng nổ. Điển hình là ITA và DLG đang giao dịch ở mức giá trần hoặc sát trần với thanh khoản sôi động trong khoảng 10-20 triệu đơn vị khớp lệnh, trong đó DLG dư mua trần gần 1 triệu đơn vị.

Ngoài ra, QCG bảo toàn sắc tím với thanh khoản 4,92 triệu đơn vị, EVG và ITC cùng tăng 5,9% và khớp vài triệu đơn vị; FIT, TNT, LGL, PDR, LDG đều tăng trên dưới 3%... Cổ phiếu HAG và PDR vẫn giữ sắc xanh với thanh khoản lên tới trên dưới 34 triệu đơn vị khớp lệnh.

Xét về nhóm ngành, cùng diễn biến lao dốc của thị trường, hầu hết các nhóm ngành trên thị trường đều mất điểm, ngoại trừ 2 nhóm nhỏ lẻ là nông – lâm- ngư và sản xuất phụ trợ có mức tăng chưa tới 0,5%.

Ở nhóm cổ phiếu giảm, với đà giảm mạnh của các mã lớn đã khiến nhóm bất động sản dẫn đầu bảng. Đồng thời, nhiều mã thuộc top sau của ngành như NVL, BCG, VII, NLG, VCG… cũng đồng loạt đảo chiều giảm.

Đứng ở vị trí tiếp theo không ai khác là nhóm cổ phiếu chứng khoán khi toàn bộ các mã đều mất điểm và biên độ giảm chủ yếu trên 2-3%. Trong đó, VIX lấy lại vị trí vua thanh khoản với 61,24 triệu đơn vị khớp lệnh, đã đóng cửa giảm 3,6% xuống mức 16.200 đồng/CP.

Cặp đôi vốn hóa lớn hơn là VND và SSI lần lượt giảm 3,6% và 2,5%, với khối lượng khớp lệnh đều thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường khi cùng đạt hơn 29 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, tác động mạnh tới thị trường là nhóm cổ phiếu ngân hàng, với mã đầu ngành là VCB lấy đi xấp xỉ 3,3 điểm của chỉ số chung, đóng cửa giảm 2,7% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 85.600 đồng/CP. Ngoài ra, VPB và BID đều lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số chung.

Trên sàn HNX, thị trường cũng nới rộng đà giảm dưới sức ép của nhóm cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên, sàn HNX có 51 mã tăng và 106 mã giảm, HNX-Index giảm 3,02 điểm (-1,32%) xuống 226,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 147,44 triệu đơn vị, giá trị 2.810,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,58 triệu đơn vị, giá trị 289,55 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận 15,62 triệu đơn vị, giá trị 265,62 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 5 mã may mắn thoát hiểm như HLD, DXP, LHC, L18, VCS nhưng mức tăng chỉ trên dưới 0,5%, 2 mã đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm. Kết phiên, chỉ số nhóm này đã giảm gần 12 điểm.

Trong đó, top các cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất đều giảm sâu và tìm về mức giá gần thấp nhất trong phiên.

Cụ thể, SHS giảm 3,9% và khớp 38,11 triệu đơn vị, CEO giảm 3% và khớp hơn 26 triệu đơn vị, PVS giảm 2,7% và khớp 8,48 triệu đơn vị, HUT giảm 2,9% và khớp 7,68 triệu đơn vị, MBS giảm 4,2% và khớp 7,17 triệu đơn vị…

Thị trường UPCoM cũng nằm ngoài xu hướng chung.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,11 điểm (-1,27%) xuống 86,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60,55 triệu đơn vị, giá trị 706,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,75 triệu đơn vị, giá trị 10,84 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR giảm 2,6% xuống vùng giá thấp trong ngày 18.600 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn sôi động nhất với 12,44 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Trong khi đó, một số mã vừa và nhỏ đáng chú ý đã chiến thắng thị trường như VHG tăng 3,7%, TCI tăng 5,7%, CEN tăng 5,3% với khối lượng giao dịch đạt vài triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm sâu, trong đó, VN30F2312 đáo hạn gần nhất ngày ngày 21/12 giảm 32 điểm, tương đương -2,8% xuống 1.105 điểm, khớp lệnh gần 358.740 đơn vị, khối lượng mở hơn 39.900 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ tràn ngập, với CVPB2307 phiên này khớp lệnh cao nhất khi có 5,69 triệu đơn vị và giảm 23,1% xuống 100 đồng/cq. Tiếp theo là CVHM2308 khớp 4,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 50% xuống mức giá sàn 10 đồng/cq.

Tin bài liên quan