Thị trường không thích bất ngờ

Thị trường không thích bất ngờ

(ĐTCK) Đầu năm 2015, Thông tư 36/2014 đã gây áp lực lên TTCK ngay từ trước khi được ban hành. Tới đầu năm 2016, câu chuyện này đang lặp lại với thị trường bất động sản.

Nếu như trước đây, việc sửa đổi Thông tư 36 quy định một số điểm liên quan đến dòng vốn vào TTCK được một số chủ thể trên thị trường ủng hộ vì sẽ góp phần làm cho thị trường lành mạnh hơn, thì việc sửa đổi Thông tư 36 lần này, về các quy định có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản lại gặp phải phản ứng khá mạnh mẽ từ các chuyên gia cho đến doanh nghiệp, cũng như người mua nhà.

Lý do là thị trường có lẽ không thích những câu chuyện khó dự đoán như kiểu sửa đổi Thông tư 36, kể cả trong lĩnh vực ngân hàng trước đây hay bất động sản hiện nay. Khi nào cần nới khi nào cần thắt, có lẽ đó là ý kiến chủ quan của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà thị trường khó dự báo. Trong một môi trường kinh doanh như vậy, các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phải nhiều rủi ro hơn.

Trong lần sửa đổi trước đây, TTCK đang có dấu hiệu rất rõ ràng trở thành điểm tập trung hút vốn ngắn hạn từ ngân hàng, khiến nguồn vốn từ nhà băng không được hấp thụ vào sản xuất - kinh doanh. Nhưng tại thời điểm này, có ý kiến cho rằng, NHNN không đủ thông tin để đánh giá vốn vào bất động sản thế nào là nhiều, thế nào là ít. Nhất là trong bối cảnh, nhu cầu nhà ở của người dân còn rất lớn và vốn nước ngoài chảy vào bất động sản khá nhiều. Vấn đề ít hay nhiều còn tùy vào góc nhìn của mỗi chủ thể, tuy nhiên, có ý kiến gay gắt cho rằng việc hạn chế tín dụng vào bất động sản khi sửa đổi Thông tư 36 lần này là “lỗ mãng”.

Khoan nói đến tính đúng sai của những sửa đổi Thông tư 36 hiện nay, bởi khó có thể phân định trước nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, phản ứng trên thị trường cho thấy, thị trường không thích những chính sách bất ngờ có phần mang tính áp đặt từ phía cơ quan quản lý. Làm thế nào để có một chính sách tín dụng hợp lý và ổn định, có thể dự báo cho tất cả các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là thị trường bất động sản và TTCK, nơi mà các chính sách về tín dụng, ngân hàng luôn có tác động lớn và rất nhạy cảm?

Để thị trường phát triển bền vững và ổn định, cần tránh những cú sốc vượt rào, rồi lại đến cú sốc sửa sai, nắn chỉnh dòng vốn của cơ quan quản lý, điều mà thị trường đã từng chứng kiến khi sửa đổi Thông tư 36 với những nội dung liên quan đến TTCK đầu năm 2015. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải có nghiên cứu tổng thể, bao quát hơn trong việc hoạch định các chính sách liên quan đến lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

Kinh nghiệm của các thị trường đi trước về vấn đề này khá nhiều, nhưng dường như chưa được tham khảo đầy đủ để TTCK, bất động sản tại Việt Nam tránh được các cú sốc và ổn định hơn. Dường như các bài học chỉ được rút ra từ chính những hệ quả xảy ra trên thị trường nội địa. Đây là một thiệt thòi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế nói chung.

Tin bài liên quan