Tốp đầu sụt giảm doanh thu, lợi nhuận
Kết quả kinh doanh của các CTCK thường xuyên xuất hiện trong Top 10 về thị phần môi giới cho thấy, doanh thu, lợi nhuận trong quý I/2019 giảm mạnh là tình trạng chung.
Báo cáo tài chính riêng của CTCK SSI, đơn vị dẫn đầu thị phần môi giới trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, doanh thu hoạt động giảm 30% so với cùng kỳ 2018, chỉ đạt 702,9 tỷ đồng. Chi phí hoạt động giảm hơn 44%, nhưng chi phí tài chính và chi phí quản lý tăng vọt khiến lợi nhuận trước thuế của Công ty chỉ bằng phân nửa cùng kỳ.
Hầu hết các mảng kinh doanh của SSI đều gặp khó khăn. Trong khi lãi từ mảng môi giới giảm 58,4% so với cùng kỳ thì lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 34,7%. Doanh thu tư vấn và lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng giảm mạnh.
Với CTCK TP.HCM (HCM), lợi nhuận trước thuế quý I/2019 giảm 75% so với cùng kỳ năm trước, do doanh thu môi giới chứng khoán giảm 52%, lãi từ các khoản FVTPL giảm 80%, lãi cho vay, phải thu giảm 34%.
Kết quả hoạt động của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng rất thấp: Lợi nhuận trước thuế giảm 43,5% so với quý I/2018, nếu tính riêng lợi nhuận đã thực hiện thì mức giảm lên đến 81%, chỉ đạt 17,6 tỷ đồng.
CTCK FPT (FTS), CTCK MB (MBS) là một số trường hợp hiếm hoi ghi nhận lợi nhuận tăng, nhưng chủ yếu nhờ lợi nhuận chưa thực hiện, còn thực tế, các khoản mục lợi nhuận đã thực hiện cũng trong tình cảnh giảm mạnh.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trên báo cáo tài chính quý I/2019 của FTS là 112,5 tỷ đồng, tăng 43% so với quý I/2018, đến từ phần lợi nhuận chưa thực hiện với khoản đầu tư vào Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH); nếu loại trừ khoản này, lợi nhuận thực tế của FTS giảm 39,3%. Tương tự, tại MBS, lãi trước thuế quý I/2019 tăng 3,8% so với cùng kỳ 2018, nhưng lợi nhuận đã thực hiện trong kỳ giảm 27,8%.
Thanh khoản thị trường giảm, hoạt động môi giới và cho vay gặp khó khăn
Giá trị giao dịch bình quân trên HOSE trong quý I/2019 là 3.785 tỷ đồng/phiên, giảm 50% so với quý I/2018. So với mức giao dịch trung bình 5.427 tỷ đồng/phiên cả năm 2018, giá trị giao dịch trong quý I đầu năm nay thấp hơn 30,2%. Riêng tháng 1/2019, giá trị giao dịch bình quân chỉ bằng 1/3 cùng kỳ. Tình hình trong tháng 2 và tháng 3 khả quan hơn, nhưng cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Đây cũng là diễn biến trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM). Thanh khoản thị trường chứng khoán giảm mạnh đã tác động đáng kể đến doanh thu mảng môi giới của các CTCK.
Đáng chú ý, mức giảm doanh thu của đa số CTCK đều cao hơn mức giảm của chi phí hoạt động môi giới, khiến lợi nhuận thực tế giảm sâu hơn. Chẳng hạn, lợi nhuận hoạt động môi giới của BSC giảm 86% trong quý I/2019; tại CTCK ACB (ACBS), tỷ lệ giảm là 89%. Trường hợp của CTCK Việt Nam Thịnh Vượng (VPS) hay MBS, doanh thu còn vượt chi phí, khiến mảng môi giới thua lỗ.
Đối với hoạt động cho vay ký quỹ, dư nợ cho vay đến cuối quý I/2019 của các CTCK nhìn chung không giảm so với đầu năm, nhưng so với cùng kỳ quý I/2018, dư nợ giảm từ 20 - 30%, khiến thu nhập từ cho vay suy giảm.
Mảng tự doanh, tư vấn phân hóa
Diễn biến thị trường chứng khoán trong quý I/2019 khởi sắc hơn so với những tháng cuối năm 2018, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng hoạt động đầu tư của các CTCK vẫn kém khả quan, một số công ty phải thu hẹp danh mục đầu tư.
Tính đến ngày 31/3/2019, danh mục FVTPL của SSI có giá trị thị trường 2.122 tỷ đồng, giảm 9,5% so với giá gốc. Một số cổ phiếu trong danh mục này giảm giá mạnh như ELC của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông, giá trị còn lại tương đương 30,6% giá vốn; cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện có giá trị đầu tư giảm 18%; cổ phiếu DBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco giảm 16%.
Tại HCM, lợi nhuận từ FVTPL trong quý đầu năm 2019 giảm 3/4 so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 48,7 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2019, giá trị danh mục FVTPL của HCM giảm 35% so với đầu năm, xuống 586 tỷ đồng, trong đó, giá trị danh mục cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch giảm 58%.
Tại MBS, các tài sản tài chính FVTPL ghi nhận lỗ ròng 34,3 tỷ đồng trong quý I/2019. Giá trị danh mục ghi sổ của Công ty thời điểm cuối kỳ giảm 14,4% so với đầu năm, trong đó, danh mục cổ phiếu giảm 31%.
Danh mục đầu tư giảm mạnh một phần đến từ những quan ngại về triển vọng của thị trường, khiến các CTCK thận trọng, không dám đẩy mạnh đầu tư.
Ngược lại, FTS là một trong số ít đơn vị có lãi tự doanh đột biến, chủ yếu nhờ giá cổ phiếu MSH của Công ty cổ phần May Sông Hồng tăng 24,4% trong quý I/2019, giúp lãi từ các tài sản tài chính FVTPL đạt 65,9 tỷ đồng so với mức 200 triệu đồng trong quý I/2018.
Đối với mảng tư vấn, kết quả cũng phân hóa mạnh giữa các CTCK trong quý đầu năm nay, trong đó, xu hướng giảm chiếm ưu thế. Nguyên nhân được đánh giá đến từ hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, niêm yết của các doanh nghiệp lớn diễn ra trầm lắng.
Thách thức thực hiện kế hoạch 2019
“Thị trường chứng khoán quý I/2019 diễn biến phức tạp, tháng 2 và tháng 3 chứng kiến sự hồi phục về điểm số lẫn thanh khoản so với cuối năm 2018, nhưng thanh khoản trung bình vẫn thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái”, Tổng giám đốc BSC Đỗ Huy Hoài lý giải nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế quý đầu năm 2019 của Công ty giảm 40% so với cùng kỳ năm 2018.
Tương tự, Tổng giám đốc CTCK Rồng Việt (VDSC) Nguyễn Hiếu chia sẻ, thanh khoản thị trường giảm và giá nhiều cổ phiếu hồi phục không đáng kể là nguyên nhân khiến lợi nhuận của VDSC giảm 57,8% trong quý I/2019.
Thị trường chứng khoán năm 2019 có nhiều khó khăn là kịch bản đã được dự báo trước. Thực tế đang cho thấy điều này. Bên cạnh yếu tố thị trường, các CTCK còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh trong nội khối, nhất là khi Thông tư số 128/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính thay thế cho Thông tư số 242/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán có hiệu lực từ 15/2/2019, bỏ mức phí sàn môi giới 0,15% áp dụng nhiều năm qua.
Theo đó, cuộc cạnh tranh phí giao dịch từ giữa tháng 2/2019 đến nay diễn ra sôi động, thay vì âm thầm như trước, với hàng loạt đơn vị công bố miễn, giảm phí giao dịch cho khách hàng. Các CTCK có ngân hàng đứng sau, hay các CTCK ngoại mới tham gia thị trường có lợi thế nguồn vốn dồi dào, còn đẩy mạnh chào mời các gói cho vay lãi suất thấp để thu hút khách hàng.
Kết quả, bức tranh thị phần môi giới biến động mạnh. Trong quý I/2019, CTCK KIS Việt Nam (KIS) trở lại Top 10 thị phần môi giới lớn nhất trên HOSE sau nhiều năm vắng bóng; VPS vươn lên vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng (thay thế vị trí của FTS và BSC) sau các nỗ lực thu hút khách hàng, nhất là chương trình miễn phí giao dịch.
Tuy vậy, cái giá phải đánh đổi trong cạnh tranh phí môi giới chính là lợi nhuận. Đơn cử, với VPS, dù thị phần tăng mạnh mẽ trong quý I vừa qua, nhưng hoạt động môi giới của Công ty không đem lại lợi nhuận. Chi phí môi giới tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 47 tỷ đồng, trong khi doanh thu môi giới đạt 44,7 tỷ đồng, giảm 13%.
Ưu đãi phí, miễn giảm phí nhiều khả năng chỉ là chiến lược trong ngắn hạn, điều gì sẽ giúp giữ chân khách hàng lâu dài, giúp CTCK phát triển bền vững: chất lượng tư vấn, dịch vụ, tính thuận tiện, nhanh chóng, ổn định, an toàn của hệ thống giao dịch hay lối đi nào khác? Các CTCK sẽ phải tìm lời giải cho hướng đi để tồn tại và phát triển trong bối cảnh thị trường ngày càng khó khăn và cạnh tranh khốc liệt hơn.
Trở lại câu chuyện kinh doanh năm 2019, tình hình thế giới biến động ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán trong nước, mặt bằng lãi suất có tín hiệu đi lên, xuất hiện nguồn cho vay giao dịch chứng khoán ký quỹ giá rẻ của các CTCK ngoại, quy định mới về mức phí giao dịch, làn sóng áp dụng công nghệ ngày càng nhiều… là những khó khăn cơ bản được Chủ tịch Hội đồng quản trị BSC khái quát về tình hình cạnh tranh của khối CTCK.
Thực tế, nhiều CTCK thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh năm nay. Trong khi HCM đặt mục tiêu doanh thu giảm 2%, lợi nhuận tăng 1% so với ngoái thì BSC vừa lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 7,8%. FTS thậm chí đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế (không bao gồm lợi nhuận chưa thực hiện) giảm 24,4%.
Dù kế hoạch kinh doanh thận trọng, nhưng với kết quả kinh doanh quý đầu năm suy giảm, khả năng thực hiện kế hoạch 2019 của khối CTCK đang đối mặt với nhiều thách thức, trước mắt là quý II, khi từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường chứng khoán có diễn biến giảm và điểm số và thanh khoản.