Những phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cũng như thoái vốn nhà nước thành công nhất gần đây đều nằm trong đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Trong quý cuối năm 2017, chỉ số VN-Index bứt phá và tiến lên ngưỡng đỉnh 10 năm. Đà tăng này được duy trì và lập đỉnh mới vào đầu tháng 4/2018. Trong thời gian này, thị trường chứng kiến nhiều phiên đấu giá cổ phần thành công như Vinamilk, Sabeco, POW, BSR, PV OIL...
Nhưng khi thị trường chứng khoán có diễn biến điều chỉnh từ đầu tháng 4/2018 đến nay, nhà đầu tư ít quan tâm đến các cuộc đấu giá cổ phần, dù chỉ số chứng khoán có một số đợt phục hồi không nhỏ.
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2018, HNX đã tổ chức 31 phiên đấu giá, trong đó có 20 phiên đấu giá thoái vốn, 10 phiên IPO và 1 phiên đấu giá quyền mua.
Thông tin về một số đợt đấu giá cổ phần sắp diễn ra.
Tổng khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 1,6 tỷ đơn vị, khối lượng cổ phần trúng giá hơn 698,9 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ thành công đạt 43%. Tổng giá trị cổ phần bán được sau 31 phiên đấu giá là hơn 11.100 tỷ đồng.
Nhìn vào tỷ lệ thành công dưới 50%, dù thị trường chứng khoán có 4/10 tháng tăng điểm, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về khả năng thành công của các đợt thoái vốn nhà nước sắp tới, khi chỉ số chứng khoán vẫn đang “phập phù”.
Nổi bật trong các đợt đấu giá từ nay đến cuối năm là hơn 300 triệu cổ phần VCG của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được 2 cổ đông lớn nhất chào bán trọn lô vào ngày 22/11.
Trong đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chào bán gần 255 triệu cổ phần, tương đương 57,71% và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) bán đấu giá hơn 94 triệu cổ phần, tương đương 21,28% vốn điều lệ Vinaconex. Giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị của 2 lô cổ phần trên lần lượt là 5.429 tỷ đồng và 2.002 tỷ đồng.
Với việc đấu giá trọn lô và giá trị lớn, các nhà đầu tư cá nhân khó có thể tham gia, chỉ có thể kỳ vọng các nhà đầu tư tổ chức mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của Vinaconex. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu VCG đang dao động quanh mức 19.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 10% so với giá khởi điểm.
Trong tháng 12 tới, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ bán đấu giá 13,44 triệu cổ phần VST của Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, tương đương 22,03% vốn điều lệ VST.
Đợt đấu giá này dự báo sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư, khi giá khởi điểm đưa ra là 1.200 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức giá đang được giao dịch trên UPCoM là 700 đồng/cổ phần.
Trong bối cảnh khó khăn của ngành vận tải biển, không ít doanh nghiệp phải rao bán tài sản để có nguồn tài chính duy trì hoạt động, VST thường xuyên lâm vào tình cảnh thua lỗ. Tính đến 30/6/2018, lỗ lũy kế của VST là 1.443 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 818 tỷ đồng, nợ phải trả lên đến 2.184 tỷ đồng.
Nhìn chung, ngoài Vinaconex, những nguồn hàng đưa ra đấu giá trong thời gian tới không có nhiều sức hấp dẫn.
Một số nhà đầu tư chia sẻ, thị trường cổ phiếu đang có diễn biến “phập phù” khiến một bộ phận nhà đầu tư cân nhắc chuyển một phần nguồn vốn sang thị trường chứng khoán phái sinh để tìm kiếm cơ hội mới, thay vì xem xét tham gia các đợt đấu giá cổ phần.
“Tuy các đợt đấu giá cổ phần cuối năm 2018 ít có cửa sáng, nhưng đây là dịp để các nhà đầu tư nhìn lại thị trường và chuẩn bị cho cuộc chơi mới năm 2019. Tôi hy vọng sẽ xuất hiện những cuộc IPO và đấu giá của nhiều doanh nghiệp lớn và tiềm năng trong năm tới, khi TTCK lạc quan hơn”, một chuyên gia chứng khoán nói.