Thị trường khép lại tháng 3 trong vùng "an toàn"

Thị trường khép lại tháng 3 trong vùng "an toàn"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù áp lực bán lan rộng nhưng dòng tiền sôi động vẫn là động lực chính giúp thị trường khép lại tháng 3 khá "an toàn" với mức giảm hơn 6 điểm.

Sau diễn biến đảo chiều giảm điểm của phiên sáng, áp lực bán thường trực khiến thị trường vẫn tiếp tục duy trì trạng thái chìm trong sắc đỏ trong phiên chiều. Mặc dù có thời điểm VN-Index nỗ lực bật hồi để chạm mốc tham chiếu nhưng lực đỡ khá yếu đến từ một số cổ phiếu đơn lẻ, đã khiến thị trường nhanh chóng quay đầu.

Thị trường đã lặp lại chu kỳ sau 3 phiên tăng điểm sẽ đảo chiều giảm và VN-Index khép lại phiên giao dịch cuối tuần ngày 29/3 với mức giảm khá “an toàn” khi chỉ mất 6 điểm nhờ dòng tiền vẫn hoạt động khá mạnh mẽ với thanh khoản gần 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, tính chung trong cả tháng 3, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng hơn 31 điểm, tương ứng tăng 2,5%. Cùng sự xác lập mức điểm cao nhất trong gần 2 năm, trong tháng 3 cũng ghi dấu ấn bởi dòng tiền sôi động trở lại.

Cụ thể, trong tháng 3, tất cả các phiên giao dịch đều vượt xa mức 20.000 tỷ đồng, đáng kể xuất hiện nhiều phiên trên 30.000 tỷ đồng, thậm chí trở lại thời “hoàng kim” khi thị trường giao dịch ở vùng đỉnh 1.500 điểm vào cuối năm 2021 với tổng giá trị giao dịch lên tới 43.130 tỷ đồng được xác lập tại phiên 18/3 vừa qua.

Chốt phiên, sàn HOSE có 159 mã tăng và 296 mã giảm, VN-Index giảm 6,09 điểm (-0,47%) xuống 1.284,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 922,5 triệu đơn vị, giá trị 23.203,75 tỷ đồng, giảm 7,8% về khối lượng và 10,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 132 triệu đơn vị, giá trị 3.802,45 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn giữ mức giảm hơn 6 điểm dù đã cải thiện hơn phiên sáng khi có 7 mã tăng, trong đó VIB tăng tốt nhất là 1,4%, còn lại VRE, ACB, VPB, GVR, MWG và VIC tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Trái lại, trong nhóm này có 22 mã mất điểm, với MSN nới rộng đà giảm khi để mất 2,4% và đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày 74.200 đồng/CP, ngoài ra nhiều mã như SHB, SSI, STB, HPG… cùng tìm về mức giá thấp nhất trong ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất là bộ đôi lớn nhà bank gồm VCB và BID lần lượt lấy đi hơn 1 điểm và gần 0,7 điểm của chỉ số chung.

Xét về nhóm ngành, áp lực bán lan rộng khiến hầu hết các nhóm ngành đều mất điểm nhưng biên độ giảm không quá lớn. Trong đó, nhóm chứng khoán và chế biến thủy sản giảm sâu nhất khi cùng mất hơn 1,3%.

Ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu VCI vẫn là mã duy nhất ngược dòng thành công và đóng cửa tăng hạn chế 0,2%. Cổ phiếu đáng chú ý trong cả tuần qua là VND tiếp tục đóng cửa giảm 1,1% xuống mức 22.950 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất nhóm, đạt 33,7 triệu đơn vị.

Như vậy, với “vận đen” khi hệ thống bị đóng băng cả tuần, cổ phiếu VND đã đón nhận 5 phiên mất điểm liên tiếp trong tuần cuối cùng của tháng 3. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu VND giảm 5,56% với thanh khoản đạt trung bình tới 56,5 triệu đơn vị/phiên.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn điều chỉnh giảm nhẹ với chủ yếu các mã giảm chỉ trong biên độ trên dưới 1%, ngoại trừ duy nhất MSB giảm mạnh nhất là 2,3%. Trong khi đó, vẫn có những mã ngược dòng thành công, với điểm sáng là LPB tiếp tục nới rộng biên độ trong phiên chiều và đóng cửa tăng 3,8% lên mức giá cao nhất trong ngày 17.550 đồng/CP, thanh khoản đạt gần 8 triệu đơn vị.

Trên thị trường chỉ còn vài nhóm ngành giữ được sắc xanh với mức tăng khiêm tốn như sản phẩm cao su, sản xuất phụ trợ, khai khoáng, tiện ích và chăm sóc sức khỏe.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép khiến thị trường nới rộng đà giảm về cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 81 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index giảm 1,33 điểm (-0,55%) xuống 242,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 76,13 triệu đơn vị, giá trị 1.655,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,07 triệu đơn vị, giá trị hơn 106 tỷ đồng.

Các cổ phiếu khai khoáng trên HNX cũng đóng cửa giữ được đà tăng nhẹ, với PVS tăng 0,5% và khớp 6,75 triệu đơn vị, PVC tăng 0,7% và khớp 1,87 triệu đơn vị, PVB tăng 1,3%, PLC tăng 0,6%.

Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán nới rộng biên độ giảm với cặp đôi SHS và MBS đều đóng cửa về mức giá thấp nhất ngày khi lần lượt giảm 2,4% và 1,6%, thanh khoản vẫn sôi động nhất ngành, tương ứng đạt 18,35 triệu đơn vị và 2,8 triệu đơn vị.

Một số mã khác trong rổ HNX30 cũng lùi sâu hơn như CEO giảm 2,1% xuống mức 22.900 đồng/Cp và khớp 11,32 triệu đơn vị, HUT giảm 1,5%, TNG giảm 1,3%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, S99 giảm nhiệt khi chỉ còn tăng 4,8% sau phiên sáng tăng mạnh, khớp lệnh đạt 1,4 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,09%), lên 91,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 38,5 triệu đơn vị, giá trị 412 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,89 triệu đơn vị, giá trị 96,8 tỷ đồng.

Cặp đôi DDV và VGI tiếp tục nóng hơn trong phiên chiều khi nới rộng biên độ tăng về giá với thanh khoản sôi động. Cụ thể, DDV kết phiên tăng 4,4% lên mức 16.500 đồng/CP và khớp 3,11 triệu đơn vị, còn VGI tăng 5,7% lên 44.200 đồng/CP và khớp 2,85 triệu đơn vị.

Cổ phiếu BSR vẫn giữ mức tăng nhẹ 0,5%, đóng cửa đứng tại mức giá 19.300 đồng/CP, với thanh khoản vẫn sôi động nhất thị trường, đạt 4,77 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 giảm và 1 hợp đồng tương lai đứng giá tham chiếu. Trong đó, VN30F2404 giảm 8,8 điểm, tương đương -0,7% xuống 1.298,1 điểm, khớp lệnh hơn 188.230 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.540 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CSTB2327 có thanh khoản tốt nhất, đạt hơn 4,3 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa giảm nhẹ 3,3% xuống 580 đồng/cq. Tiếp theo là CSTB2322 với 3,96 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa giảm 6,8% xuống 680 đồng/cq.

Tin bài liên quan