Việt Nam - điểm đến an toàn và hấp dẫn
Là người gắn bó với hoạt động du lịch đã hơn nửa thế kỷ, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá: “Những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ khi sửa Luật Xuất nhập cảnh, cùng nhiều hoạt động ngoại giao sôi động trong năm 2023 đã tạo tiền đề cho năm 2024 có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn”.
Tín hiệu lạc quan được công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho biết là lượng tìm kiếm của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam năm 2023 đạt mức tăng trưởng trên 75%, xếp thứ 6 toàn cầu.
Các hãng truyền thông, tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế vinh danh nhiều điểm đến hấp dẫn của nước ta, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới. Cùng với đó, trong bài phân tích đầu năm mới, chuyên trang du lịch Traveloffpath nhận định, Việt Nam là nước an toàn nhất, đồng thời là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn nhất ở khu vực châu Á cho mùa du lịch năm 2024.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với năm 2019. Nhưng mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của du khách quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo.
“Chìa khóa” du lịch văn hóa
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.
Nhận định 2024 sẽ là một năm hồi phục mạnh mẽ của thị trường khách du lịch quốc tế, nhưng ông Bình cũng cho rằng, năm nay, ngành du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn, khi nhiều quốc gia chưa hồi phục, thậm chí nhiều chính sách của mỗi quốc gia cũng có những thay đổi nhất định, nên để thu hút khách đến, bắt buộc phải quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, nhu cầu, sở thích của du khách thay đổi nhanh, đòi hỏi ngành du lịch cũng phải chuyển đổi theo, tạo ra nhiều sản phẩm hợp với xu thế hơn.
“Sản phẩm du lịch văn hóa sẽ là một trong những loại hình sản phẩm quan trọng của tương lai, nên toàn ngành đang tập trung phát triển loại hình này”, ông Bình nhấn mạnh.
Năm 2023, những buổi biểu diễn của các ngôi sao quốc tế tại Việt Nam đã tạo nên làn sóng mới kích cầu du lịch. Tuy nhiên, thực tế, khi tổ chức những sự kiện lớn, ngành văn hóa lại không trao đổi, hợp tác với du lịch hoặc ngành du lịch không chủ động tìm đến những sự kiện văn hóa. Vô tình, chúng ta đã bỏ lỡ giá trị “tài nguyên” này. “Chỉ khi ‘bắt tay’, chúng ta mới tạo được liên kết để hai bên cùng có lợi. Văn hóa tổ chức sự kiện được nhiều người xem mà du lịch thì lại thu được nhiều tiền hơn, phát triển được nhiều dịch vụ hơn”, ông Bình nói.
Xu thế hậu Covid-19 là tổ chức những hoạt động du lịch có tính chuyên sâu hơn, khai thác những khía cạnh cảm thụ cao hơn cho người đi du lịch, bởi du khách ngày nay có nhu cầu tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử. Họ khám phá những điểm du lịch mạo hiểm, những nơi có tài nguyên bản địa sâu sắc hơn…, tức là chất khám phá, trải nghiệm, thưởng thức của khách hậu Covid-19 đã nâng tầm so với trước. Đây chính là “chìa khóa” cho doanh nghiệp du lịch. Cần tạo ra những sản phẩm du lịch có chiều sâu văn hóa, kiến thức cũng như chứa đựng nhiều hàm lượng cảm thụ để có thể hấp dẫn khách nhiều hơn.
Trước làm sóng du lịch âm nhạc mới, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho rằng, du lịch phải gắn kết nhiều hơn nữa với các sự kiện văn hóa, thể thao và nhiều sự kiện khác nữa. “Hiện du lịch chưa khai thác được nhiều ở các sự kiện này do tính liên kết giữa văn hóa và du lịch chưa được sâu. Do đó, việc bắt tay giữa các ngành là điều bắt buộc phải làm, bao gồm cả những sự kiện thể thao”, ông Thắng nói.
Để ngành du lịch tiếp tục phục hồi và bứt phá trong năm 2024, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Cục Du lịch quốc gia Việt Nam triển khai 4 nhiệm vụ.
Thứ nhất, tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thống kê, cung cấp số liệu tốt để phục vụ hiệu quả việc hoạch định chính sách phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch...
Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới về ngoại ngữ, công nghệ…
Thứ tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá trong cả năm và chủ động trong việc chuẩn bị và triển khai kịp tiến độ.