Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, khoảng 25 tỷ USD giá trị của các đợt IPO đã diễn ra trên toàn cầu trong tháng 3 và tháng 4, gần gấp đôi quy mô trong hai tháng đầu năm khi việc niêm yết mới hầu như bị đình trệ.
Theo các nhà phân tích, các doanh nghiệp từ Hồng Kông (Trung Quốc) đến Milan (Ý) đã nhìn thấy cơ hội sau khi biến động của thị trường suy giảm. Hoạt động IPO đặc biệt sôi nổi ở châu Á khi khu vực này chiếm gần 80% doanh số IPO trong tháng 4. Thị trường IPO ở châu Âu cũng tương đối khả quan.
Tuy nhiên, lo ngại về suy thoái kinh tế đã ngăn cản các tổ chức phát hành của Mỹ và làm chậm quá trình phục hồi toàn diện. Quy mô giao dịch trung bình nhỏ hơn và số tiền huy động được cho đến nay trong năm nay vẫn thấp hơn 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Jason Manketo, đồng giám đốc toàn cầu của công ty luật Linklaters cho biết: “Chúng tôi bắt đầu thấy những hoạt động khởi sắc khi các công ty khởi động lại các quy trình đang bị đình trệ, nhưng vẫn còn một mức độ không chắc chắn trên thị trường. Bên mua rất muốn xem kết quả trong một vài quý trước khi tham gia mua cổ phiếu IPO. Điều này có nghĩa là quy trình tiềm năng của một số giao dịch năm 2023 đã được chuyển sang năm 2024”.
Hoạt động IPO trong 4 tháng đầu năm nay |
Châu Á dẫn đầu
Châu Á hiện là khu vực nhộn nhịp nhất trên thế giới đối với hoạt động IPO, nhưng đã có một sự thay đổi quan trọng so với năm 2022. Trong năm ngoái, phần lớn các giao dịch quy mô lớn tập trung ở Trung Quốc, thì trong năm nay, việc IPO sẽ đến từ một khu vực rộng lớn hơn của châu Á.
Trong đó, Indonesia là điểm sáng nhất của thị trường IPO vào đầu năm nay. Bên cạnh đó, ở các thị trường khác, Rakuten Bank đã huy động được 83,3 tỷ yên (623 triệu USD) trong đợt IPO lớn nhất của Nhật Bản kể từ năm 2018. Và công ty rượu Trung Quốc ZJLD Group đã trở thành thương vụ IPO lớn nhất của thị trường chứng khoán Hồng Kông kể từ đầu năm 2023.
“Thị trường IPO đang quay trở lại dần dần và chậm chạp. Nó vẫn chưa phục hồi 100%, nhưng đã có dấu hiệu của sự sống và sức sống mới”, James Wang, đồng giám đốc thị trường vốn cổ phần tại Goldman Sachs cho biết.
Châu Âu dần hồi phục
Thị trường IPO của châu Âu đang suy thoái khi hoạt động IPO trong năm 2023 đã giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận mang lại kém từ mua cổ phiếu IPO là một trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư. Các nhà quản lý danh mục đầu tư hầu như không còn mặn mà mua các cổ phiếu IPO với mức định giá cao. Thêm vào đó, sự sụp đổ bất ngờ của Credit Suisse đã làm tăng thêm lo lắng của các nhà đầu tư về lãi suất và lạm phát, càng làm cho kế hoạch niêm yết trở nên hỗn loạn.
Nhưng đã có dấu hiệu của sự hồi phục trở lại. Đáng chú ý nhất, Lottomatica SpA của Ý đã IPO thành công 600 triệu euro (657 triệu USD). Ngoài ra, công ty lưu trữ web của Đức Ionos SE và nhà sản xuất linh kiện động cơ điện EuroGroup Laminations SpA đã huy động được hơn 400 triệu USD tại châu Âu, mặc dù cả hai cổ phiếu đều gặp khó khăn sau khi niêm yết.
Mỹ tụt lại phía sau
Trong khi châu Á sôi động và châu Âu nhúc nhắc trở lại, thì triển vọng cho các đợt IPO ở Mỹ vẫn còn nhiều thách thức. Chỉ có 4,1 tỷ USD được IPO thành công và niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ từ đầu năm nay - con số dù khá lớn so với châu Âu, nhưng so với châu Á, cũng như quy mô của thị trường và những gì đã có từ năm trước, thì đây là con số rất khiêm tốn.
Trên thực tế, có nhiều Công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) đã ra mắt trong năm nay, phần lớn các công ty niêm yết mới sẽ đủ tiêu chuẩn là cổ phiếu penny.
Greg Martin, đồng sáng lập Rainmaker Securities cho biết: “Chúng ta vẫn đang ở trong một thế giới không chắc chắn và sự không chắc chắn là điều tồi tệ nhất đối với các đợt phát hành mới”.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Mỹ có thể đang tiến tới suy thoái và lộ trình của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất vẫn chưa rõ ràng.
Patrick Galley, Giám đốc điều hành & CIO của RiverNorth Capital Management cho biết: “Làm thế nào để định giá một thương vụ khi bạn không biết chi phí vốn thực sự nên là bao nhiêu trên cơ sở hướng tới tương lai. Lãi suất sắp tới chính là chìa khóa”.