Thị trường hơn 330 triệu dân giảm mua hàng chục tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu, kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nhà cung cấp trong đó có Việt Nam giảm mạnh, theo đó, doanh nghiệp Hoa Kỳ đã giảm mua hàng chục tỷ USD hàng hóa Việt Nam.
10 tháng năm 2023, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ giảm mua từ Việt Nam 2,59 tỷ USD giày dép.

10 tháng năm 2023, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ giảm mua từ Việt Nam 2,59 tỷ USD giày dép.

Giảm mua mạnh nhất là hàng dệt may, giày dép, điện thoại, máy tính, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản... vốn là các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Dữ liệu công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu 10 tháng sang Hoa Kỳ đạt 79,3 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện chiếm 27,2% tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Ngoại trừ xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 13,5 tỷ USD, tăng nhẹ 2%; hầu hết các nhóm hàng còn lại đều tăng trưởng âm, với mức giảm từ vài trăm triệu USD đến vài tỷ USD.

Giảm nhiều nhất là điện thoại, linh kiện, sau 10 tháng, Hoa Kỳ mới nhập của Việt Nam 6,87 tỷ USD, giảm 36,4%, mức giảm tương ứng 3,93 tỷ USD.

Tiếp đến là nhóm hàng dệt may, xuất khẩu sang Hoa Kỳ là 12,02 tỷ USD, giảm 19,3%, còn giày dép các loại chỉ đạt 5,83 tỷ USD, giảm 30,8%, tương ứng giảm 2,59 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Hàng thủy sản 10 tháng sang Hoa Kỳ đạt 1,31 tỷ USD, giảm 31,3%.

Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, nhưng 10 tháng qua, xuất khẩu sang thị trường này mới đạt 5,87 tỷ USD, giảm mạnh 20,7% và chiếm 54% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Theo lý giải của các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng, do Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nhiều hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (Năm 2022 thị trường này nhập gần 110 tỷ USD hàng Việt), nên khi thị trường này giảm nhu cầu tiêu dùng dẫn đến đơn đặt hàng với doanh nghiệp Việt giảm, đã tác động đến tăng trưởng xuất khẩu của các ngành hàng kể trên.

Về tổng thể, không chỉ Hoa Kỳ, các thị trường lớn, từ EU, Nhật Bản cũng giảm mạnh nhập khẩu hàng hóa do kinh tế khó khăn, từ đó động trực tiếp đến xuất khẩu của nước ta.

Tính đến 15/11/2023, xuất khẩu hàng hóa đạt 306 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ và còn khá xa mức 371,3 của năm ngoái. Dù những tháng gần đây, xuất khẩu đã cải thiện hơn, giúp thu hẹp đà giảm của các tháng đầu năm, nhưng với kết quả này, xuất khẩu trong năm 2023 dự báo sẽ tăng trưởng âm.

Triển vọng xuất khẩu trong năm tới hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào tổng cầu hàng hóa thế giới. Tuy nhiên, lúc này hầu hết các doanh nghiệp dệt may, giày dép đều chung nhận xét, thị trường vẫn chưa thật sáng trong nửa đầu năm sau bởi nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn vẫn ở mức thấp.

Do đó, việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2024 vẫn được các doanh nghiệp tính toán khá thận trọng.

Tin bài liên quan