Thị trường hàng xa xỉ châu Á ngày càng phát triển

Thị trường hàng xa xỉ châu Á ngày càng phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi thị trường châu Mỹ và châu Âu dự kiến tăng trưởng chậm lại, thì thị trường hàng xa xỉ tại châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng và ngày càng phát triển.

Theo tờ The Business of Fashion, thị trường xa xỉ châu Á đang trải qua một cuộc cải tổ mạnh mẽ sau năm 2022 đạt doanh thu kỷ lục 376,4 tỷ USD. Sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục diễn ra trong quý đầu tiên của năm tài chính 2023, với mức tăng trưởng đạt 9 - 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong một báo cáo, Bain & Company cho biết, Trung Quốc sẽ tăng trưởng trong năm nay nhưng không phải tất cả các thương hiệu sẽ trở lại mức của năm 2021.

Nhật Bản, với giá trị thị trường đạt khoảng 26,2 tỷ USD vào năm 2022, sẽ nổi lên khi khách hàng địa phương tiếp tục chi tiêu và khách du lịch Trung Quốc bắt đầu trở lại.

Hồng Kông và Ma Cao (Trung Quốc) cũng chứng kiến ​​sự tăng tốc mạnh mẽ khi trở thành điểm đến chính của khách du lịch Trung Quốc, giá trị thị trường đã đạt mức 5,45 tỷ USD vào năm 2022.

Đông Nam Á từng ghi nhận thị trường hàng xa xỉ trị giá 13,1 tỷ USD vào năm 2022, sẽ tiếp tục tăng trưởng rực rỡ nhờ dòng chi tiêu của khách du lịch Nga, sự xuất hiện của người tiêu dùng Trung Quốc cũng như nhu cầu về đồ trang sức và đồng hồ.

Tuy nhiên, Hàn Quốc, đạt giá trị thị trường khoảng 22,9 USD vào năm 2022, đang có dấu hiệu tăng tốc chậm lại do sự tái cân bằng chi tiêu của người dân địa phương khi mua hàng ở nước ngoài và hoạt động bán lẻ du lịch diễn ra do sức chi tiêu từ Đông Nam Á và khách Trung Quốc hạn chế.

Với nền kinh tế ngày càng được đa dạng hóa, kết hợp với lối sống được cải thiện và thu nhập bình quân đầu người tăng cao, Arab Saudi cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ.

"Không có gì ngạc nhiên khi các thương hiệu cao cấp toàn cầu như Gucci, Louis Vuitton hay Chanel đều mở cửa hiệu flagship tại vương quốc này. Trong khi đó, các thương hiệu Prada, Tiffany cùng Mulberry đã tăng cường sự hiện diện khi khai trương nhiều cửa hàng đơn lẻ", Arab News cho biết.

Theo báo cáo của Nhóm tư vấn và nghiên cứu phân tích thị trường quốc tế, quy mô thị trường hàng xa xỉ của Arab Saudi đạt 8,3 tỷ USD vào năm 2022. Tập đoàn IMARC dự đoán ​​thị trường này sẽ chạm mốc 15,8 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 11,6%. Hind Ali, Cố vấn cấp cao của Euromonitor International Dubai, nhận định rằng vương quốc đang mở rộng cơ sở hạ tầng giải trí, vui chơi và bán lẻ để mở đường cho phong cách sống của người tiêu dùng đẳng cấp thế giới. Đây là lý do quan trọng, mang ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ với nhu cầu sắm sửa xa xỉ phẩm.

Ngoài ra, khi suy thoái kinh tế đang bám sát thế giới, nền kinh tế Ấn Độ đang đi ngược xu hướng, công ty tư vấn toàn cầu EY dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 26 nghìn tỷ USD vào năm 2047, với thu nhập bình quân đầu người tăng gấp sáu lần lên 15.000 USD.

Theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, số lượng người siêu giàu (có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên) ở Ấn Độ đã tăng khoảng 11% từ năm 2020 đến năm 2021, và sự tăng trưởng sẽ tiếp tục diễn ra. Từ chỗ là những nhà sản xuất, người Ấn Độ giờ đây là những người tiêu dùng của thị trường thời trang xa xỉ.

Theo tập đoàn Boston Consulting, năm 2009, châu Á chỉ chiếm khoảng 19% thị trường bán lẻ của thời trang xa xỉ thế giới. Nhưng vào năm 2019, mức này đã được nâng lên khoảng 30% và tới năm 2025, thị trường châu Á (được định nghĩa gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại trong châu lục) sẽ chiếm tới 54% thị phần tiêu dùng xa xỉ toàn cầu. Hai thị trường châu Mỹ và châu Âu sẽ giảm sút từ khoảng 30% xuống còn khoảng 22 - 24%.

Những con số có xu hướng gia tăng này là kết quả tất yếu của một quá trình nỗ lực chuyển đổi trọng tâm kinh doanh nói chung của thời trang xa xỉ suốt một thập niên qua: duy trì thị phần tại các thị trường cố hữu như châu Âu, châu Mỹ và đầu tư nguồn lực giành lấy thị phần tại châu Á.

Ở một cấp độ dễ thấy hơn, chưa khi nào các hoạt động của thời trang xa xỉ lại nhộn nhịp tới vậy tại châu Á. Các show trình diễn được tổ chức tại các thủ phủ thời trang châu Á: Dior xuất hiện trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Thượng Hải; Louis Vuitton trình diễn BST mới tại Bangkok và Singapore; Prada cùng lúc thực hiện show diễn tại 2 thành phố Milan và Thượng Hải…

Không dừng lại ở đó, các hãng cũng ưu ái lựa chọn châu Á làm thị trường đầu tiên để thử nghiệm, ra mắt những dòng sản phẩm mới hoặc mô hình kinh doanh mới: Loewe ra mắt BST kết hợp cùng Ghibli Studio (Nhật Bản); Balenciaga lựa chọn Hàn Quốc là thị trường đầu tiên trên thế giới để mở bán dòng sản phẩm giày thể thao trong năm 2022; Chanel cũng công bố kế hoạch mở boutique phục vụ tệp khách VIP tại thị trường châu Á; Gucci mở nhà hàng Gucci Osteria thứ tư tại khu vực sầm uất Itaewon, Seoul…

Ngoài ra, vào những dịp lễ hội đặc trưng trong văn hóa Á Đông như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, các thương hiệu xa xỉ Dior, Salvatore Ferragamo, Kenzo, Burberry, Dolce & Gabbana… cũng không bỏ lỡ cơ hội ra mắt các bộ sưu tập phiên bản giới hạn hay các chiến dịch tặng quà.

Theo The Financial Times, năm nay tổng sản phẩm nội địa GDP của châu Á được kỳ vọng sẽ tăng từ 33 ngàn tỷ USD lên 39 ngàn tỷ USD. Điều này cho thấy châu Á đang là vùng lãnh thổ có tốc độ phát triển nhanh và mạnh nhất hiện nay, vượt trên cả châu Âu và châu Mỹ. Khi mức tăng trưởng kinh tế chung tăng lên cũng có nghĩa rằng thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng, từ đó tạo ra một thị trường khách hàng mục tiêu tiềm năng có khả năng chi trả lớn cho các mặt hàng cao cấp.

Cộng hưởng với làn sóng sử dụng mạng xã hội của thế hệ Gen Z, tiêu dùng thời trang xa xỉ không còn là một hạng mục phải đợi dịp đặc biệt mới có thể thực hiện đối với thị trường châu Á. Đây gần như là cuộc sống hàng ngày trên các nền tảng trực tuyến, là mục tiêu khẳng định bản thân và xác lập địa vị xã hội của tệp khách hàng trẻ tại châu lục này. Vì vậy, đây có thể sẽ là một cuộc đua khốc liệt giữa các thương hiệu, tập đoàn hàng đầu của thời trang xa xỉ để giành giật lấy thị phần béo bở.

Tin bài liên quan