Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 6-13/8: Giá quặng sắt, thép, cà phê chưa ngừng giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 6-13/8, nhìn chung nhiều mặt hàng ghi nhận sự phục hồi sau tuần giảm giá mạnh trước đó, ngoại trừ quặng sắt, thép hay cà phê tiếp tục giảm sâu.

Năng lượng: Giá dầu hồi nhẹ, khí LNG tại châu Á tiếp tục tăng

Giá dầu thế giới biến động thất thường trong tuần qua, khi các nhà giao dịch lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ trước sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu.

Theo đó, chốt phiên 13/8, dầu thô Brent giảm 0,72 USD (-1%) xuống 70,59 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,65 USD (-0,9%) xuống 68,44 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu vẫn tăng nhẹ, sau khi đã giảm mạnh tuần trước nữa.

Thị trường dầu mỏ đang đứng trước nhiều thông tin tác động trái chiều. Theo Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung số giàn khoan nhiều nhất trong một tuần kể từ tháng 4/2021 khi tổng số giàn khoan hơn gấp đôi mức thấp kỷ lục một năm trước.

USD mạnh lên, vốn gây bất lợi cho những mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này như dầu, cũng góp phần gây áp lực lên thị trường dầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế liên tục cảnh báo về sự lây lan của các biến thể virus Corona đang làm chậm nhu cầu dầu mỏ. Goldman Sachs cắt giảm ước tính lượng dầu thiếu hụt trên toàn cầu xuống mức 1 triệu thùng/ngày từ mức 2,3 triệu thùng/ngày trong ngắn hạn do sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ trong tháng 8 và tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng cho rằng, sự phục hồi nhu cầu dầu sẽ tăng nhanh cùng với tốc độ tiêm vắc-xin đang tăng lên.

Trong khi đó, JPMorgan Chase đánh giá, sự phục hồi nhu cầu toàn cầu sẽ đình trệ trong tháng 8 này, song nhu cầu vẫn tương đương mức tiêu thụ trung bình toàn cầu trong tháng 7/2021 vào khoảng 98 triệu thùng/ngày.

Ngược lại, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giữ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi trong năm 2021 cũng như năm 2022, bất chấp lo ngại ngày càng tăng về số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á tiếp tục có xu hướng tăng trong tuần qua. Các nguồn tin trong ngành cho biết, giá LNG trung bình giao tháng 9/2021 tại Đông Bắc Á đạt 17,05 USD/mBtu, tăng 15 US cent so với tuần trước nữa, còn giá giao vào tháng 10 ước tăng lên 17,3 USD/mBtu.

Các nhà phân tích từ Bank of America cho biết: “Giá khí LNG toàn cầu đã tăng cao trong mùa hè này do nhu cầu tại châu Á tăng và lượng tồn kho dự trữ ở châu Âu xuống mức thấp”. Tuy nhiên, gián đoạn vận chuyển ở Trung Quốc do bệnh dịch có thể ảnh hưởng đến giá.

Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ đã mua một lô hàng giao tháng 9/2021 với giá khoảng 16,6-16,7 USD/ mBtu, trong khi Công ty Năng lượng Thâm Quyến của Trung Quốc mua hàng hóa cho đợt giao hàng tháng 8/2021 với giá khoảng 16,2 USD/mmBtu.

Kim loại: Vàng và đồng nhích tăng, quặng sắt và thép tiếp tục giảm mạnh

Ở nhóm kim loại quý, việc USD mạnh lên đã gây áp lực lên thị trường vàng. Kết thúc phiên 13/8, giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 1.776,21 USD/ounce; vàng giao sau tăng 1,5% lên 1.778,2 USD/ounce. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá kim loại này vẫn tăng gần 0,9%.

Thực tế, giá vàng đã phục hồi mạnh sau khi giảm xuống dưới mức thấp nhất trong 4 tháng qua bởi lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm hỗ trợ kinh tế sau báo cáo việc làm của Mỹ tích cực trong tuần trước. Nhu cầu vàng giao ngay tăng, đặc biệt từ các nước tiêu thụ hàng đầu như Ấn Độ và Trung Quốc.

Giá vàng trồi sụt trong những tuần gần đây, khi sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trở nên bấp bênh do biến chủng Delta lây lan với tốc độ chóng mặt ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, giá vàng cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc tranh luận về việc Fed sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản ngay trong năm nay hay từ đầu năm sau.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, chốt phiên 13/8, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME tăng 1,3% lên 9.587 USD/tấn, qua đó đảm bảo mức tăng giá trong tuần giao dịch vừa qua, trái ngược với xu hướng giảm 2,7% ở tuần trước nữa. Các kim loại cơ bản khác như nhôm, nickel, kẽm cũng tăng giá trong tuần qua, ngoại trừ thiếc.

Việc USD yếu đi ở phiên cuối tuần qua khiến các kim loại trở nên rẻ hơn cho người giữ các đồng tiền khác. Ngoài ra, chứng khoán toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong tuần qua cũng ảnh hưởng tới nhu cầu đối với các tài sản rủi ro.

Bên cạnh đó, cuộc đình công tại mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida ở Chile đã không xảy ra, làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung. Tuy nhiên, công nhân cho biết, họ sẽ từ chối làm việc tại một mỏ thuộc sở hữu của Codelco và ở các hoạt động của JX Nippon Copper.

Lượng đồng lưu kho trên sàn LME gần chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2020 tại 222.600 tấn trong khi dự trữ của sàn Thượng Hải giảm 6,5% xuống 93.032 tấn.

Thị trường kim loại cũng bị tác động bởi làn sóng Covid-19 mới. Khảo sát của Đại học Michigan cho thấy, tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua khi đưa ra cái nhìn không mấy khả quan về mọi thứ, từ tài chính cá nhân tới lạm phát và thất nghiệp.

Giá quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên phiên 13/8 giảm khoảng 4,2% xuống 814 CNY (215,66 USD)/tấn trước khi đóng cửa giảm 0,9% xuống 842 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt giảm 8,2%.

Quặng sắt hàm lượng 62% Fe nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 1 USD xuống 166 USD/tấn trong ngày 12/8, theo Công ty Tư vấn SteelHome.

Giá thép thanh tại Thượng Hải cũng giảm 0,9% xuống 5.482 CNY/tấn trong phiên cuối tuần qua và cả tuần giảm 5,6%; thép cuộn cán nóng giảm 1,4% xuống 5.765 CNY/tấn và cả tuần giảm 6,5%; thép không gỉ tại Thượng Hải giảm 1,6% xuống 18.240 CNY/tấn.

Theo số liệu của Công ty Tư vấn Mysteel, mức công suất sử dụng các lò cao tại 247 nhà máy Trung Quốc đã phục hồi nhẹ lên mức 85,89% trong tuần qua, nhưng vẫn dưới mức 95,16% của cùng kỳ năm trước.

Nông sản: Giá lúa mỳ tăng cao nhất 8,5 năm

Phiên 13/8, giá lúa mì Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 8,5 năm qua, lúa mì châu Âu cũng tăng, sau khi một báo cáo cho thấy lượng dự trữ ở Mỹ giảm mạnh, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.

Cụ thể, lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 8-3/4 US cent lên 7,62-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm mức 7,74-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 2/2013.

Giá đậu tương cũng tăng do lo sợ nguồn cung dầu thực vật toàn cầu khan hiếm, trong khi giá ngô giảm nhẹ trong bối cảnh Công ty Nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) lưu ý rằng, dự báo lượng mưa sẽ cải thiện trong tuần này cho các vùng đồng bằng phía Bắc và khu vực Trung Tây nước Mỹ, tác động tích cực tới sản lượng.

Theo đó, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Chicago tăng 24 US cent lên 13,65 USD/bushel; giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 1/4 US cent xuống 5,73 USD/bushel.

Trung Quốc đang tiếp tục tiến hành thu mua ngô và đậu tương của Mỹ, nhưng tổng khối lượng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay, Trung Quốc và các khách hàng khác lần lượt đặt mua 126.000 tấn và 326.000 tấn đậu tương cho niên vụ 2021/2022.

Nguyên liệu công nghiệp: Đường giữ xu hướng đi lên, cà phê chưa ngừng giảm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 đóng cửa phiên 13/8 tăng 0,41 US cent (+2,1%) lên 19,95 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt mức 20,1 US cent/lb - cao nhất kể từ tháng 2/2017; đường trắng cùng kỳ hạn tăng 15 USD (+3,2%) lên 491,1 USD/tấn, qua đó giữ vững xu hướng đi lên trong tuần qua.

Sản lượng đường khu vực Trung Nam Brazil trong niên vụ 2021/22 dự báo giảm xuống 32,5 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 6/2021 là 34,1 triệu tấn do thời tiết hạn hán và băng giá.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 đóng cửa phiên cuối tuần qua giảm 3,85 US cent (-2%) xuống 1,8575 USD/lb, nhưng cả tuần giá vẫn tăng. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2021 cũng giảm 18 USD (-1%) xuống 1.836 USD/tấn.

Giá cà phê arabica được củng cố bởi triển vọng sụt giảm trong vụ tới tại Brazil sau khi bị thiệt hại bởi băng giá. Những ước tính mâu thuẫn về sản lượng đã bị thiệt hại bởi băng giá ở Brazil là một trong những lý do khiến thị trường arabica biến động mạnh.

Giá cao su Nhật Bản tăng trong phiên 13/8 do tăng lo ngại về nguồn cung, sau khi số ca nhiễm Covid-19 tại các nước sản xuất chính ở Đông Nam Á tăng cao. Thái Lan, nhà sản xuất cao su lớn nhất thế giới có số ca nhiễm kỷ lục ngày thứ hai.

Theo đó, giá cao su giao tháng 1/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2 JPY (+0,9%) lên 22,6 JPY/kg và cả tuần tăng 1,2%. Cao su giao tháng 1/2022 tại sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng tăng 60 CNY lên 14.755 CNY (2.276 USD)/tấn.

Tại Thượng Hải, tồn kho cao su trong tuần qua tăng 2,9% so với tuần trước nữa.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan