Ảnh Internet
Năng lượng: Giá dầu tăng 4%, khí tự nhiên giảm 1%, Trung Quốc nhập khẩu kỷ lục than từ Nga
Giá dầu tăng khoảng 4% vào phiên cuối tuần qua (13/5), khi giá xăng Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục, Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế do dịch và giới đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ thắt chặt.
Cụ thể, giá dầu Brent giao sau tăng 4,1 USD (+3,8%) lên 111,55 USD/thùng, nhưng là tuần giảm đầu tiên sau ba tuần. Dầu thô Mỹ (WTI) tăng 4,36 USD (+4,1%) lên 110,49 USD - mức cao nhất kể từ ngày 25/3/2022 và mức tăng thứ ba liên tiếp trong tuần.
Giá xăng giao sau của Mỹ tăng vọt lên mức cao sau khi kho dự trữ giảm tuần trước trong tuần thứ 6 liên tiếp. Giá xăng dầu bán lẻ tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục vào ngày 13/5 đạt 4,43 USD/gallon đối với xăng và 5,56 USD/gallon đối với dầu diesel.
Giá dầu biến động mạnh, do tác động thắt chặt nguồn cung và áp lực bởi lo ngại rằng đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại có thể cắt giảm nhu cầu toàn cầu.
Tại Trung Quốc, các nhà chức trách cam kết hỗ trợ nền kinh tế và các quan chức thành phố cho biết Thượng Hải sẽ bắt đầu giảm bớt các hạn chế do Covid-19.
Áp lực lên giá dầu trong tuần, lạm phát và tỷ giá tăng đã đẩy USD lên mức cao nhất gần 20 năm so với rổ tiền tệ, khiến giá dầu trở nên đắt hơn khi được mua bằng các loại tiền tệ khác.
Các nhà phân tích cho biết, thỏa thuận với Iran có thể bổ sung thêm 1 triệu thùng/ ngày cung cấp dầu cho thị trường.
Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ giảm trong phiên thứ Sáu (13/5) do dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu thấp hơn trong 2 tuần.
Cụ thể, hợp đồng khí đốt giao tháng 6/2022 giảm 7,6 cent (-1%) xuống 7,663 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), cả tuần giảm khoảng 5% sau khi tăng khoảng 11% vào tuần trước.
Hợp đồng khí đốt kỳ hạn của Mỹ vẫn tăng khoảng 106% kể từ đầu năm do giá toàn cầu cao hơn, khiến nhu cầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ tăng mạnh kể từ khi Nga và Ukraine bắt đầu căng thẳng ngày 24/2/2022.
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, sản lượng khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 94,8 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) vào tháng 5/2022 từ mức 94,5 bcfd vào tháng 4/2022, nhưng giảm so với kỷ lục hàng tháng là 96,1 bcfd vào tháng 11/2021.
Refinitiv dự báo, nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 90,5 bcfd trong tuần qua, xuống 89,8 bcfd trong tuần này và 89,5 bcfd trong hai tuần kế tiếp.
Lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ ở mức 12,2 bcfd cho đến nay vào tháng Năm, giảm so với kỷ lục hàng tháng là 12,9 bcfd vào tháng Ba.
Nga, nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai thế giới, đã cung cấp khoảng 30-40% lượng khí đốt của châu Âu, tổng trị giá khoảng 18,3 bcfd vào năm 2021. EU muốn cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm 2022 và bổ sung các kho dự trữ cho 80% công suất vào ngày 1/11/2022 và 90% vào ngày 1/11 mỗi năm kể từ năm 2023.
Các kho dự trữ khí đốt ở Tây Bắc Âu - Bỉ, Pháp, Đức và Hà Lan thấp hơn khoảng 16% so với mức trung bình của 5 năm (2017-2021) cho thời điểm này trong năm, giảm từ 39% so với mức 5 năm ở giữa tháng 3/2022, theo Refinitiv.
Trên thị trường than, dữ liệu do công ty phân tích Kpler cho biết, Trung Quốc đã nhập một lượng kỷ lục 1,37 triệu tấn than luyện cốc của Nga trong tháng 4/2022, tăng mạnh so với mức 0,92 triệu tấn vào tháng 3/2022 và chỉ giảm 0,75 triệu so với tháng 4/2021.
Trung Quốc nhập khẩu trung bình 4,55 triệu tấn than cốc hàng tháng trong năm 2021 từ tất cả các nguồn.
Thị trường than toàn cầu đang xáo trộn kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra lo ngại về các lệnh trừng phạt đối với nguyên liệu thô xuất khẩu từ Nga - nhà sản xuất than lớn thứ 6 thế giới.
Theo Refinitiv, lượng than luyện cốc và nhiệt điện của Nga trong tháng 4/2022 đạt 4,37 triệu tấn, gấp đôi mức trong tháng trước.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, tổng lượng than nhập khẩu trong tháng 4/2022 tăng 43% so với tháng 3/2022. Dữ liệu về nhập khẩu theo xuất xứ sẽ được xuất bản vào ngày 20/5 tới.
Các thương nhân cho biết, than luyện cốc cao cấp của Nga tại các cảng phía bắc Trung Quốc được giao dịch ở mức trung bình 386 USD/tấn trong tháng 4/2022, giảm mạnh so với mức 473 USD/tấn đối với than luyện cốc của Úc có chất lượng tương tự.
Giá than luyện cốc cao cấp tại Trung Quốc dao động quanh mức 3.260 CNY (tương đương 488 USD)/tấn trong tháng 4/2022.
Kim loại: Tiếp tục giảm giá đồng loạt, ngoại trừ quặng sắt
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm khoảng 1% và thiết lập tuần giảm giá thứ 4 liên tiếp do sự tăng giá mạnh của USD.
Cụ thể, vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.808,89 USD/ounce trong phiên 13/5 sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 4/2/2022 tại 1.798,86 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm gần 4%. Vàng kỳ hạn tháng 6/2022 đóng cửa giảm 0,9% xuống 1.808,2 USD/ounce.
Chỉ số USD có 6 tuần tăng liên tiếp, gần mức đỉnh 20 năm.
Mặc dù được xem như tài sản chống lại lạm phát, nhưng vàng rất nhạy cảm với việc gia tăng lãi suất ngắn hạn và trái phiếu kho bạc của Mỹ.
Sự phục hồi trong các thị trường chứng khoán toàn cầu trong bối cảnh thị trường ít lo ngại tài sản rủi ro hơn vào cuối tuần giao dịch cũng là một yếu tố tiêu cực cho vàng nói riêng, các kim loại quý khác nói chung.
Theo đó, bạc kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 6,11% về 21,001 USD/ounce; bạch kim cùng kỳ hạn giảm 2,65% về 930,7 USD/ounce.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 3% xuống 9.062,5 USD/tấn trong phiên ngày 13/5, sau khi giảm xuống mức thấp 8.938 USD - lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021. Giá đồng đã giảm 17% từ mức cao kỷ lục 10.845 USD đạt được vào tháng 3 năm nay.
Cũng trên sàn LME, giá thiếc giảm 6,6% xuống 33.410 USD/tấn; nhôm giảm 0,1% xuống 2.776,50 USD/tấn; kẽm giảm 3,5% xuống 3.542 USD/tấn; chì giảm 1,6% xuống 2.085 USD/tấn. Ngược lại, giá nikel tăng 0,3% lên 27.890 USD/tấn.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết, các chính sách đang được Trung Quốc áp dụng để giãn cách xã hội hay xung đột Nga - Ukraine và việc tăng lãi suất USD mạnh mẽ đều làm ảnh hưởng đến triển vọng của nền kinh tế và nhu cầu kim loại.
Đồng được sử dụng thường xuyên trong năng lượng và xây dựng và sẽ cần thiết để chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện khí hóa.
Giá đồng sẽ giảm xuống 8.500 USD/tấn trong 3 tháng tới, theo dự báo của các nhà phân tích Citibank.
Sản lượng kẽm tinh chế của Trung Quốc tại 52 nhà máy luyện chính đã tăng trong tháng 4/2022 so với tháng trước.
Giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kỳ hạn tháng 9/2022 đóng cửa phiên thứ Sáu (13/5) tăng 1% lên 823 CNY/tấn, phục hồi sau khi giảm trong đầu phiên, cả tuần tăng 0,2% - tuần tăng lần đầu tiên trong 4 tuần qua.
Quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe xuất sang Trung Quốc giảm 4 USD xuống 125,5 USD/tấn trong ngày 12/5, theo Công ty Tư vấn SteelHome.
Trung Quốc cố gắng củng cố nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát Covid-19, triển khai các biện pháp hỗ trợ công ty nhỏ và ổn định việc làm, nới lỏng việc kiểm soát trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc phong tỏa nghiêm ngặt được dự kiến tiếp tục gây sức ép lên hoạt động công nghiệp dẫn tới nhu cầu kim loại yếu hơn.
Hơn nữa mưa ở miền Nam và Tây Nam Trung Quốc cũng đè nặng lên nhu cầu nguyên liệu xây dựng trong ngắn hạn, trong khi giá nguyên liệu thô đang giảm sẽ không còn là cơ sở cho giá thép.
Theo đó, hợp đồng thép kỳ hạn tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,3% lên 4.670 CNY (686,6 USD)/tấn trong phiên 13/5, nhưng giảm 1,4% trong tuần.
Thép cuộn cán nóng sử dụng trong lĩnh vực sản xuất tăng 0,3% lên 4.767 CNY/tấn, nhưng cả tuần vẫn giảm 1,3%.
Thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2022 tại Thượng Hải giảm 0,9% xuống 18.830 CNY/tấn.
Nông sản: Giá ngô và lúa mì cùng giảm, đậu tương đi lên
Đóng cửa phiên 13/5, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông đóng cửa giảm 1-1/4 US cent xuống 11,77-1/2 USD/bushel, sau khi tăng lên mức đỉnh 2 tháng trước đó. Tương tự, giá ngô giảm 10-1/4 US cent xuống 7,81-1/4 USD/bushel. Ngược lại, đậu tương tăng 32-3/4 US cent lên 16,46-1/2 USD/bushel.
Lúa mì và ngô trên Sàn giao dịch Chicago suy yếu sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn.
Các nhà đầu tư chốt lời trước khi cuối tuần và dự đoán nông dân Mỹ tăng cường trồng ngô nhờ thời tiết ở khu vực Trung Tây Mỹ cải thiện.
Thị trường vẫn lo lắng về nguồn cung ngũ cốc thắt chặt do thiếu hụt sản lượng toàn cầu và xung đột Nga - Ukraine.
Nguyên liệu công nghiệp: Đường tăng giá, cà phê giảm giá, cao su diễn biến trái chiều
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 đóng cửa tăng 0,53 US cent (+2,8%) lên 19,17 US cent/lb sau khi xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng tại 18,3 US cent trong phiên trước đó.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 tăng 14,8 USD (+2,8%) lên 535,7 USD/tấn.
Các đại lý lưu ý, tâm lý tại hội nghị đường Citi ISO Datagro chủ yếu theo xu hướng tăng giá với những lời bàn rằng, Brazil nên ưu tiên sản xuất ethanol trong mùa vụ này hơn là đường.
Archer Consulting cho rằng, phân bổ lượng mía để sản xuất đường giảm xuống 43,8% từ 45,2% trước đó.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 đóng cửa giảm 1,4 US cent (-0,7%) xuống 2,139 USD/lb. Cà phê robusta cùng kỳ hạn cũng giảm 18 USD (-0,9%) xuống 2.040 USD/tấn.
Các đại lý cho biết, nông dân tại Brazil không muốn bán ra ngay cả khi giá đã cải thiện.
Giá cao su Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 8,5 tuần do JPY mạnh lên. Cụ thể, trên sàn giao dịch Osaka, cao su kỳ hạn tháng 10/2022 đóng cửa giảm 3,5 JPY (-1,4%) xuống 240,9 JPY (1,87 USD)/kg, sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 15/3/2022 tại mức 240,4 JPY/kg. Tính chung cả tuần giá giảm 4,3%.
Ở chiều ngược lại, hợp đồng cao su trên sàn Thượng Hải kỳ hạn tháng 9/2022 đóng cửa tăng 85 CNY lên 12.835 CNY (1.892,87 USD)/tấn.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm, chạm mức thấp nhất trong hơn 19 tháng so với USD và phá vỡ ngưỡng kháng cự quan trọng, thiết lập tuần giảm thứ sáu liên tiếp.
Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua
(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn). |