Năng lượng: Dầu giảm sau 7 tuần tăng liên tiếp, LNG diễn biến trái chiều
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/3, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 41 US cent (-0,6%) xuống 69,22 USD/thùng và dầu thô WTI kỳ hạn tháng 4/2021 giảm 41 US cent (-0,7%) xuống 65,61 USD/thùng.
Tính cả tuần, cả hai loại dầu giảm lần lượt 0,2% và 0,73% sau khi đạt mức cao nhất 13 tháng trong ngày 8/3/2021 và ghi nhận tuần giảm đầu tiên sau 7 tuần tăng liên tiếp.
Giá dầu tuy giảm, nhưng vẫn ở mức cao, gần ngưỡng 70 USD/thùng, được hỗ trợ bởi các nước sản xuất dầu cắt giảm sản lượng và lạc quan về nhu cầu hồi phục trong nửa cuối năm nay.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo, nhu cầu dầu sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay. OPEC, Nga và các đồng minh quyết định sẽ duy trì các hạn chế sản lượng gần như không thay đổi.
Ngoài ra, các nhà máy khoan dầu của Mỹ cũng cắt giảm số lượng các giàn khoan dầu và khí tự nhiên lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết.
JPMorgan dự kiến sản lượng dầu Mỹ sẽ ở mức trung bình 11,36 triệu thùng/ngày trong năm 2021 so với 11,32 triệu thùng/ngày của năm 2020.
Về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), tại thị trường Mỹ, giá mặt hàng này giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất 6 tuần, sau dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu đến cuối tháng 3/2021 giảm hơn so với dự kiến trước đó.
Theo đó, giá LNG kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn New York giảm 6,8 US cent (-2,5%) xuống 2,600 USD/mmBTU - thấp nhất kể từ ngày 29/1/2021. Tính cả tuần, giá khí tự nhiên giảm gần 4%, sau khi giảm gần 3% trong tuần trước đó và giảm 10% trong 2 tuần trước nữa.
Ngược lại, giá LNG tại châu Á tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng do nguồn cung bị gián đoạn từ Nga và Trung Quốc, Ấn Độ tăng mua vào.
Cụ thể, giá LNG trung bình giao tháng 4/2021 tại Đông Bắc Á vào khoảng 6,50 USD/mmBTU, tăng 80 US cent so với tuần trước. Giá giao tháng 5/2021 vào khoảng 6,55 USD/mmBTU.
Sakhalin Energy, nhà điều hành quốc tế của nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tiên phong ở miền Đông nước Nga cho biết, họ đã phải thay đổi sản lượng LNG vào ngày 1/3 sau sự cố của 1 trong 2 cụm bơm khí. Một nguồn tin thương mại cho biết, 1 trong 2 chuyến tàu tại nhà máy Sakhalin 2 đã không hoạt động sau sự cố.
Công ty Unipec của Trung Quốc đang tìm kiếm 9 lô hàng để giao từ tháng 4 đến tháng 5/2021. Một nguồn tin cho biết, họ có thể đã trả khoảng 6-6,10 USD/mmBTU cho các chuyến hàng trong tháng 4.
Tại Ấn Độ, Indian Oil Corp đang tìm kiếm một lô hàng cho tháng 4, trong khi Gujarat State Petroleum Corp (GSPC) tìm 3 lô hàng để giao từ tháng 4 đến tháng 6.
Kim loại: Vàng, bạch kim, bạc, đồng và thép tăng giá, nhôm và quặng sắt giảm giá
Ở nhóm kim loại quý, kết thúc tuần từ 5-12/3, giá vàng tăng và có tuần tăng mạnh nhất trong 7 tuần qua do USD và thị trường chứng khoán suy yếu, làm lu mờ đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Cụ thể, đóng cửa phiên 12/3, vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,2% lên 1.724,16 USD/ounce, sau khi giảm 1,4% trong đầu phiên giao dịch. Vàng kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn New York tăng 0,3% lên 1.726,57 USD/ounce. Tính cả tuần, giá vàng tăng hơn 1,5%.
Ngoài ra, một số kim loại quý khác cũng tăng giá trong tuần qua. Đơn cử, giá bạch kim tăng 0,5% lên 1.200,41 USD/ounce trong phiên 12/3 và có tuần tăng gần 6,4%.
Giá bạc tăng gần 2,5% - là tuần tăng đầu tiên trong 1 tháng qua, bất chấp phiên 12/3 giảm 0,9% xuống 25,85 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên 1,642% - mức cao nhất hơn 1 năm qua. Trong khi đó, chỉ số USD giảm khiến vàng trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do lạc quan về số liệu nền kinh tế Mỹ và kỳ vọng chi tiêu theo kế hoạch cho cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu kim loại gia tăng.
Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,8% lên 9.126 USD/tấn trong phiên 12/3, sau khi giảm trong đầu phiên giao dịch và cả tuần tăng gần 1,6%.
Tính từ đầu năm đến nay, giá đồng tăng 47% lên mức cao nhất 9,5 năm (9.617 USD/tấn) trong tháng 2/2021.
Trong khi đó, giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 2.173,5 USD/tấn do tồn trữ nhôm tại London trong 2 ngày qua tăng 50% lên 1,92 triệu tấn - cao nhất kể từ tháng 3/2017.
Giá quặng sắt tại sàn Đại Liên giảm trong tuần qua và có tuần giảm thứ 2 liên tiếp trong năm nay khi Trung Quốc đưa ra hạn chế đối với các nhà máy thép gây ô nhiễm cao và giảm công suất sản xuất gây áp lực thị trường.
Kết thúc phiên 12/3, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Đại Liên giảm 0,3% xuống 1.059 CNY (163,11 USD)/tấn và có tuần giảm 6%.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn Singapore giảm 3,2% xuống 159,35 USD/tấn và có tuần giảm gần 5%.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 2,9%, thép cuộn cán nóng tăng 3,1%, trong khi thép không gỉ giảm 0,1%.
Nông sản: Ngô, lúa mì và đậu tương đồng loạt giảm
Đóng cửa phiên 12/3, giá lúa mì tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng do dự báo thời tiết mưa và tuyết ở một số khu vực trồng trọt khô hạn Plains Mỹ, cải thiện năng suất cây trồng.
Cụ thể, trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 4 US cent xuống 6,38-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 6,37-1/2 USD/bushel - thấp nhất kể từ ngày 12/2/2020.
Tương tự, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 1/4 US cent xuống 14,13-1/4 USD/bushel, trong khi giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 1/2 US cent lên 5,39 USD/bushel.
Tính cả tuần, giá các mặt hàng này đồng loạt giảm, trong đó lúa mì giảm 2,2%, ngô và đậu tương cùng giảm khoảng 1,2%.
Nguyên liệu công nghiệp: Đường, cao su và dầu cọ tăng mạnh
Kết thúc phiên 12/3, giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE giảm 1,5% xuống 16,13 US cent/lb, sau khi tăng 2,4% trong phiên 11/3.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London giảm 0,8% xuống 459,5 USD/tấn, sau khi tăng 2,2% trong phiên 11/3.
Giá đường giảm do USD tăng mạnh trong tuần, song nguồn cung trong ngắn hạn thắt chặt đã hạn chế đà suy giảm.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng phiên thứ 8 liên tiếp, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký gói kích thích kinh tế có trị giá 1.900 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Osaka tăng 1,3 JPY (+0,5%) lên 276 JPY/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng hơn 2%.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 0,7% lên 15.265 CNY/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 0,5% lên 1,33 USD/lb, sau khi tăng 1,1% trong phiên trước đó.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London giảm 16 USD xuống 1.410 USD/tấn.
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 8 liên tiếp và có tuần tăng mạnh nhất gần 5,5 năm do tồn trữ giảm và giá dầu đậu tương tăng mạnh.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 66 ringgit (+1,63%) lên 4.125 ringgit (1.002,19 USD)/tấn trong phiên 12/3 - mức cao nhất 13 năm và cả tuần tăng 10,27% - tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 25/9/2015.
Nguồn cung dầu cọ thắt chặt do tồn trữ tính đến cuối tháng 2/2021 giảm hơn so với dự kiến, trong khi sản lượng chạm mức thấp nhất 5 năm, Ủy ban Dầu cọ Malaysia cho biết.