Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 4-11/2: Căng thẳng giá dầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 4-11/2, việc giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất 7 năm qua đã kéo giá cả một loạt mặt hàng khác như kim loại quý, nông sản, than… tăng mạnh theo, trong khi nguyên liệu công nghiệp, kim loại công nghiệp… đồng loạt giảm giá.

Năng lượng: Giá dầu lên cao nhất 7 năm, than cũng tăng giá, khí NLG giảm mạnh nhất 2 tháng

Giá dầu phiên cuối tuần qua (11/2) tăng khoảng 3%, lên mức cao nhất trong 7 năm do căng thẳng liên quan đến Ukraine và Nga, nước sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới, làm gia tăng lo ngại nguồn cung dầu thô toàn cầu sẽ càng thêm thắt chặt.

Kết thúc phiên này, giá dầu thô Brent tăng 3,03 USD (+3,3%) lên 94,44 USD/thùng, còn dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3,22 USD (+3,6%) lên 93,1 USD/thùng.

Như vậy, giá loại dầu đều đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014, vượt mức cao kỷ lục đạt được hôm 7/2/2022 do lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt trong khi nhu cầu hồi phục từ đại dịch Covid-19. Tính chung cả tuần, giá dầu tăng tuần thứ 8 liên tiếp.

Giá khí tự nhiên (LNG) tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần do sản lượng hồi phục nhanh từ thời tiết khắc nghiệt tuần trước đó và nhiệt độ cao hơn bình thường đến cuối tháng 2/2022.

Theo đó, giá LNG kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn New York giảm 1,8 US cent (-0,5%) xuống 3,941 USD/mmBTU - thấp nhất kể từ ngày 20/1/2022 và tính cả tuần, giá giảm 14% - tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 12/2021.

Trên thị trường than, giá than luyện cốc tại sàn Đại Liên (Trung Quốc) tăng 1,5% lên 2.352 CNY/tấn và than cốc tăng 2,4% lên 3.095 CNY/tấn.

Kim loại: Kim loại quý đồng loạt bật tăng, đi ngược kim loại công nghiệp

Ở nhóm kim loại quý, đóng cửa phiên 11/2, giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 3 tháng do lo ngại lạm phát và căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng, thúc đẩy nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn là vàng.

Theo đó, kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,6% lên 1.855,17 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 19/11/2021 và tính cả tuần tăng 2,5%.

Giá vàng giao sau phiên này tăng 0,3% lên 1.842,1 USD/ounce. Sau khi thị trường đóng cửa, giá vàng tiếp tục tăng sau cảnh báo của Nhà Trắng rằng, xung đột giữa Nga và Ukraine có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc Công ty Môi giới OANDA cho biết: “Vàng bắt đầu phục hồi, một số nhà đầu tư đang tìm kiếm sự bảo vệ trước viễn cảnh chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế”. Theo chuyên gia này, giá vàng có thể tăng vượt mức 1.900 USD/ounce.

Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,3% lên 23,48 USD/ounce, bạch kim tăng 0,4% lên 1.030,49 USD/ounce, palladium tăng 2,9% lên 2.320,18 USD/ounce.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do hoạt động bán ra chốt lời và lo ngại về lạm phát gia tăng. Trên sàn London, giá đồng giảm 3,7% xuống 9.872,5 USD/tấn, sau 3 phiên tăng liên tiếp đẩy giá đồng lên mức cao nhất gần 4 tháng. Chênh lệch giá đồng Yangshan - chỉ báo về nhu cầu đồng giao ngay ở Trung Quốc - giảm xuống 38 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 và giảm mạnh so với mức giá 102 USD/tấn cách đây 2 tháng.

Giá nhôm cũng rời khỏi mức cao nhất 13 năm, giảm 3,2% trong phiên 11/2, xuống 3.147 USD/tấn. Tương tự, giá kẽm giảm 2% xuống 3.630 USD/tấn, nickel giảm 2,1% xuống 23.035 USD/tấn, thiếc giảm 1,5% xuống 43.550 USD/tấn và chì giảm 0,4% xuống 2.271 USD/tấn.

Giá quặng sắt cũng giảm, về mức 805 CNY/tấn, trong phiên 11/2 có lúc tăng 5,9% lên 850 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt giảm 2,9%.

Giá thép tại Trung Quốc rời khỏi mức tăng hơn 2% trong đầu phiên giao dịch và đóng cửa hầu như không thay đổi, song có tuần tăng do kỳ vọng các biện pháp kích thích sẽ nâng đỡ nhu cầu. Cụ thể, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2022 ở mức 4.905 CNY (771,08 USD)/tấn, đầu phiên giao dịch tăng 2,6% và cả tuần, giá thép cây tăng 1,6%.

Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,1% trong phiên lên 5.033 CNY (791,2 USD)/tấn và cả tuần tăng 1,8%; thép không gỉ kỳ hạn tháng 3/2022 không thay đổi ở mức giá 8.300 CNY (2.876,82 USD)/tấn.

Nông sản: Đậu tương, ngô, lúa mì cùng tăng giá

Kết thúc phiên 11/2, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đều tăng, trong đó giá lúa mỳ tăng mạnh, đậu tương tăng lên mức cao mới do dự báo sản lượng vụ thu hoạch tại Nam Mỹ giảm.

Cụ thể, trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng 8-3/4 US cent lên 15,83 USD/bushel, trong phiên có thời điểm chạm mức giá 15,63-1/2 USD/bushel và đạt mức cao 15,94-3/4 USD/bushel, so với mức cao nhất 9 tháng (16,33 USD/bushel) trong phiên ngày 10/2/2022. Tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng 2%.

Giá ngô phiên này tăng 9-1/2 US cent lên 6,51 USD/bushel và cả tuần tăng 5%; lúa mì tăng 26-1/4 US cent lên 7,07-3/4 USD/bushel, cả tuần giá tăng 4,5%.

Các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán thêm 108.000 tấn đậu tương giao cho Trung Quốc từ sản lượng niên vụ mới và bán 128.000 tấn ngô lấy từ sản lượng niên vụ cũ cho Nhật Bản. Dự báo giá đậu tương giao ngay sẽ được giao dịch trong khoảng 15,50 -16,20 USD/bushel cho đến khi có thêm số liệu về vụ thu hoạch tại Brazil.

Nguyên liệu công nghiệp: Cà phê biến động mạnh; đường, bông, dầu cọ cùng giảm giá

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE chốt phiên cuối tuần qua (11/2) giảm 0,04 US cent (-0,2%) xuống 18,26 US cent/lb. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vẫn tăng 0,5%. Đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London giảm 1,3 USD (-0,3%) xuống 489,4 USD/tấn.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE giảm 3,2 US cent (-1,3%) xuống 2,5205 USD/lb, giảm từ mức cao nhất 10 năm (2,6045 USD/lb) vào ngày 10/2/2022; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 7 USD (+0,3% lên 2.270 USD/tấn), trong phiên có thời điểm đạt mức cao nhất 4 tuần (2.286 USD/tấn).

Ngân hàng Rabobank cho rằng, giá cà phê robusta sẽ về dưới mức trung bình 2.000 USD/tấn trong quý II/2022. Có lẽ điều này đã kích thích giới đầu cơ quay trở lại mua ròng, giúp giá duy trì đà tăng những ngày gần đây.

Trong khi đó, các nhà sản xuất tại Brazil vẫn mạnh tay bán, bởi giá cà phê arabica đang đứng ở mức cao hơn 10 năm, trong khi vụ thu hoạch chính năm nay sẽ bắt đầu từ tháng Tư với cà phê Conilon robusta và tháng Bảy với cà phê arabica, hứa hẹn sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”. Điều này góp phần đẩy giá cà phê arabica giảm trong 2 phiên cuối tuần 1ua.

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng do lo ngại sản lượng suy giảm, song có tuần giảm thứ 2 liên tiếp bởi xuất khẩu giảm. Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 0,81% lên 5.580 ringgit (1.332,38 USD)/tấn, sau khi giảm 1,1% trong đầu phiên. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 0,66%.

Giá bông kết thúc chuỗi tăng 9 tuần liên tiếp bằng mức giảm 1,15% về 125,28 cents/pound. Thị trường đang điều chỉnh từ mức đỉnh 11 năm. Ngoài ra, việc USD tăng giá cũng làm giảm tiềm năng xuất khẩu bông của Mỹ.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan