Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 29/10-5/11: Vàng neo cao, dầu và sắt thép giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 11 (từ 29/10-5/11) đánh dấu việc nhiều mặt hàng giảm giá mạnh sau thời gian tăng khá dài trước đó như dầu, than, sắt thép hay các mặt hàng kim loại công nghiệp, trong khi giá vàng tiếp tục neo ở mức cao gần 2 tháng qua.

Năng lượng: Giá dầu giảm tuần thứ 2, than đá cũng giảm, khí LNG duy trì đà tăng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/11, giá dầu Brent tăng 2,2 USD lên 82,74 USD/thùng và dầu Tây Texas (WTI) tăng 2,46 USD lên 81,27 USD/thùng. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 2% và có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, còn dầu WTI giảm 2,7%.

Việc giá dầu tăng trong phiên cuối tuần qua do lo ngại nguồn cung mới sau khi các nhà sản xuất Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi là OPEC+ từ chối lời kêu gọi của Mỹ để đẩy nhanh sản lượng, ngay cả khi nhu cầu về gần mức trước đại dịch.

Sau phiên họp mới nhất, OPEC+ đã đồng ý kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 400.00 thùng/ngày kể từ tháng 12/2021. Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi tăng thêm sản lượng để hạ nhiệt giá dầu tăng.

Bob Yawger, giám đốc năng lượng thuộc Mizuho cho biết, OPEC quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng và chính quyền Biden không có phản ứng đáng kể đã đẩy giá dầu tiếp tục tăng.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ cũng giảm khoảng 4% trong tuần qua, do sản lượng đạt gần mức cao kỷ lục và kỳ vọng các công ty tiện ích của Mỹ sẽ dự trữ khí đốt trong vài tuần nữa. Giá LNG giảm bất chấp dự báo thời tiết lạnh hơn so với dự kiến, sẽ thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm đến giữa tháng 11/2021.

Theo đó, giá LNG kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York giảm 20 US cent (-3,5%) xuống 5,516 USD/mmBtu. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá vẫn tăng 2% và là tuần tăng thứ 2 liên tiếp (tuần trước tăng 3%).

Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 98,5 bcfd trong tuần này xuống 95,8 bcfd vào tuần tới khi thời tiết dịu hơn trước khi tăng lên 104,9 bcfd trong 2 tuần tiếp theo khi thời tiết chuyển lạnh theo mùa.

Lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ tính đến thời điểm này đạt trung bình 10,7 bcfd trong tháng 11, tăng từ 10,5 bcfd trong tháng 10 và dần tiếp cận mức kỷ lục hàng tháng là 11,5 bcfd được thiết lập từ tháng 4/2021.

Trong khi đó, giá LNG ở châu Á giảm tuần thứ ba liên tiếp, do nguồn cung khí đốt được cải thiện ở châu Âu làm giảm sự cạnh tranh đối với LNG ở châu Á. Cụ thể, giá LNG trung bình giao tháng 12/2021 tại khu vực Đông Bắc Á giảm 1,5 USD (-5%) xuống còn 29,50 USD/mmBtu.

Giá LNG của châu Âu giảm trong tuần qua sau khi thông báo của nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt châu Âu Gascade, nguồn cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức thông qua đường ống dẫn khí Yamal-Europe đã được nối lại vào ngày 4/11/2021, sau 5 ngày ngừng hoạt động.

Giá than đá Trung Quốc tuần qua giảm do nguồn cung tăng lên. Tính từ mức cao kỷ lục của năm nay đến thời điểm hiện tại, giá than đã giảm khoảng 50%. Sản lượng than đá của Trung Quốc đạt 11,2 triệu tấn trong ngày 3/11/2021, gần mức kỷ lục của năm và tăng khoảng 1 triệu tấn so với đầu tháng 10/2021, trong bối cảnh chính phủ nước này áp dụng một loạt các biện pháp nhằm tăng sản lượng.

Tồn kho than tại nước này đã tăng nhanh và dự báo có thể sẽ tăng lên hơn 12 triệu tấn/ngày trong thời gian tới.

Kim loại: Giá vàng tăng cao nhất gần 2 tháng, sắt thép giảm mạnh

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng gần 2% lên mức cao nhất gần 2 tháng, khi các ngân hàng trung ương lớn giữ thái độ ôn hòa đối với lãi suất, thúc đẩy nhu cầu vàng là tài sản trú ẩn an toàn.

Theo đó, giá vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,2% lên 1.813,36 USD/ounce, sau khi giảm 0,3% sau khi số liệu cho thấy việc làm của Mỹ trong tháng 10/2021 tăng nhanh hơn so với dự kiến; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York tăng 1,3% lên 1.816,8 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng khoảng 1,8% và có tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 8/2021.

Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,9% lên 24,1 USD/ounce, giá bạch kim cũng tăng 1,5% lên 1.036 USD/ounce. Cả 2 mặt hàng kim loại quý đều này hồi phục tốt nhờ vào sự suy yếu của USD, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cắt giảm gói thu mua trái phiếu hàng tháng.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá nhôm giảm mạnh trong ngày 5/11 do sản lượng than đá Trung Quốc tăng, giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng và khiến các nhà máy luyện kim giảm sản lượng.

Cụ thể, trên Sàn giao dịch kim loại London, giá nhôm giảm 3,7% xuống 2,559 USD/tấn. Tính đến giữa tháng 10/2021, giá đã giảm 20% từ mức cao nhất trong 13 năm (3.229 USD/tấn).

Sản xuất nhôm đòi hỏi lượng điện rất lớn. Do đó, việc than rẻ hơn và dồi dào hơn có nghĩa là điện cũng sẽ rẻ hơn và dồi dào hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang thiếu năng lượng và không có gì đảm bảo rằng các nhà máy luyện nhôm sẽ là nơi cung cấp điện đầu tiên, đồng thời cho biết, thị trường vẫn chưa được cung cấp đầy đủ và giá cả khó có thể giảm sâu.

Bên cạnh đó, việc Nga sẽ dỡ bỏ thuế đối với xuất khẩu nhôm và thúc đẩy nguồn cung toàn cầu đã gây ra tình trạng bán tháo hàng tồn kho, làm giảm giá trên thị trường vật chất ở châu Âu và Mỹ.

Theo đó, trên sàn London, giá đồng giảm 0,3% xuống 9.434 USD/tấn, giá kẽm giảm 2% xuống 3.240 USD/tấn, giá chì giảm 0,8% xuống 2.354,50 USD/tấn và giá thiếc giảm 0,3% xuống 37.000 USD/tấn. Giá nickel đi ngược xu hướng, tăng 0,3% lên 19.225 USD/tấn.

Giá thép không gỉ tại Trung Quốc ngày 5/11 giảm hơn 2%, do dự báo sản lượng trong tháng này tăng cao, sau khi một số khu vực sản xuất chủ yếu được nới lỏng các hạn chế về công suất sản xuất.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 2,3% xuống 18.130 CNY/tấn, trong phiên có lúc giảm 2,6% xuống 18.070 CNY/tấn. Giá thép cây kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2,4% xuống 4.226 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng giảm 2,1% xuống 4.614 CNY/tấn.

Sản lượng thép không gỉ trong tháng 11/2021 dự kiến sẽ tăng 14,39% so với tháng 10, nhà phân tích GF Futures thuộc Công ty Tư vấn Mysteel cho biết.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm trong tuần qua và có tuần giảm thứ 4 liên tiếp, khi nhu cầu ngành công nghiệp vẫn chậm chạp do các hạn chế sản lượng thép tại nước này.

Trên sàn Đại Liên, kết thúc phiên 5/11, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 3,2% xuống 561 CNY (87,65 USD)/tấn và cả tuần giảm 12,1%. Giá than luyện cốc giảm 0,8% xuống 2.390 CNY/tấn và giá than cốc giảm 1,9% xuống 3.046 CNY/tấn, nhưng cả tuần giá 2 loại than lần lượt tăng 5,4% và 2,3%.

Công suất sản xuất tại 163 lò cao tại các nhà máy thép Trung Quốc tính đến ngày 5/11/2021 đạt 62,39%, giảm so với 66,17% tuần trước đó, công ty tư vấn Mysteel cho biết.

Nông sản: Giá đường tăng, còn ngô, đậu tương và lúa mỳ cùng giảm

Kết thúc phiên 5/11, giá đậu tương tại Chicago giảm phiên thứ 3 liên tiếp bởi vụ thu hoạch bội thu và triển vọng trồng trọt tại Nam Mỹ tăng mạnh, làm gia tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu vào giữa tháng 1/2022.

Theo đó, trên sàn Chicago, giá đậu tương giảm 17-1/4 US cent xuống 12,05-1/2 USD/bushel và cả tuần giảm 3,52% - tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 20/8/2021.

Dầu đậu tương ghi nhận mức giảm mạnh gần 4% về 58,78 cent/pound trước áp lực cả dầu thô và dầu cọ đều suy yếu.

Giá ngô giảm 6-1/4 US cent xuống 5,53 USD/bushel. Thị trường dự đoán, USDA sẽ tăng dự báo sản lượng ngô năm nay lên mức 15,5 tỷ giạ, cao hơn gần 500 triệu giạ so với báo cáo tháng 10, do năng suất được cải thiện từ mức 176,5giạ/mẫu lên 176,9 giạ/mẫu.

Giá lúa mì giảm 7-1/4 US cent xuống 7,66-1/2 USD/bushel. Lúa mì trải qua tuần giảm điểm đầu tiên sau 2 tuần tăng liên tiếp vào nửa sau của tháng 10/2021.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 1% lên 19,83 US cent/lb. Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn London tăng 0,4% lên 508,7 USD/tấn.

Nguyên liệu công nghiệp: Cao su và dầu cọ giảm giá, cà phê biến động trái chiều

Giá cao su tại Nhật Bản giảm và có tuần giảm đầu tiên trong 6 tuần qua, sau cuộc thăm dò cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có khả năng suy giảm trong quý gần đây do đại dịch Covid-19.

Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Osaka giảm 1 JPY (-0,5%) xuống 219,6 JPY/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 5,7%. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải cũng giảm 1,4% xuống 13.395 CNY/tấn.

Nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ giảm trong quý III/2021 do nguồn cung giảm và các hạn chế nhằm ngăn chặn các trường hợp nhiễm Covid-19, ảnh hưởng đến tiêu thụ và sản lượng.

Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn London giảm 1% xuống 2.182 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 4,5 năm (2.278 USD/tấn) trong tuần trước đó, do lo ngại về vụ thu hoạch tại nước sản xuất cà phê robusta hàng đầu là Việt Nam.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn ICE giảm 1,9% xuống 2,0465 USD/lb, song cả tuần vẫn tăng 0,3%.

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần và có tuần giảm thứ 3 liên tiếp trong 4 tuần gần nhất, do giá dầu thực vật khác giảm mạnh và tồn trữ tính đến cuối tháng 10/2021 cao hơn so với dự kiến, gây áp lực thị trường.

Theo đó, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 191 ringgit (-3,77%) xuống 4.880 ringgit (1.173,64 USD)/tấn – mức thấp nhất kể từ ngày 14/10/2021. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 2,9%.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan