Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 27/5-3/6: Giá dầu, bạch kim, quặng sắt và cao su kéo dài đà tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 27/5-3/6, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến giá dầu, bạch kim, quặng sắt và cao su tăng nhiều tuần liên tục, trong khi giá nông sản, khí đốt hay vàng điều chỉnh giảm.

Năng lượng: Dầu tăng 6 tuần liên tục, khí LNG giảm trở lại

Trên thị trường dầu, giá dầu thế giới tăng trong phiên cuối tuần qua 6/3 do nguồn cung vẫn khan hiếm, bất chấp OPEC tăng sản lượng.

Cụ thể, giá dầu Brent tăng 2,11 USD (+1,8%) lên mức 119,72 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2 USD (+1,7%) lên 118,87 USD. Tính chung cả tuần, giá 2 loại dầu tăng lần lượt 3,6% và 3,3% - cũng là tuần tăng thứ 6 liên tiếp.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) đã đồng ý tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày (bpd) mỗi tháng trong tháng 7 và tháng 8/2022, thay vì 432.000 thùng/ngày như thỏa thuận trước đó.

Tuy nhiên, nguồn cung dầu nhìn chung vẫn trong tình trạng khan hiếm. Báo cáo hàng tuần của Mỹ công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô giảm 5,1 triệu thùng – nhiều hơn dự kiến, tồn kho xăng cũng giảm. Các công ty năng lượng của Mỹ trong đã giữ nguyên số lượng các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên ở mức 727 giàn trong tuần qua tính đến ngày 3/6/2022, Baker Hughes Co cho biết.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng trong phiên 3/6 do dự báo về sản lượng thấp, còn xuất khẩu tăng, bên cạnh thời tiết ấm và nhu cầu cao hơn so với dự báo trước đó trong 2 tuần tới.

Cụ thể, giá LNG giao tháng 7/2022 tăng 3,8 cent (+0,4%) lên 8,523 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Tuy nhiên, tính cả tuần vẫn giảm khoảng 2%, sau khi tăng khoảng 8% vào tuần trước.

Tính từ đầu năm tới nay, giá khí đốt kỳ hạn của Mỹ tăng khoảng 128% do nền giá cao hơn đáng kể so với khu vực châu Âu và châu Á khiến nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết, sản lượng khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ đã giảm xuống 94,5 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong tuần đầu tiên tháng 6 từ mức 95,1 bcfd trong tháng 5. Con số đó so với kỷ lục hàng tháng là 96,1 bcfd vào tháng 12/2021.

Refinitiv dự báo, nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 85,3 bcfd trong tuần qua lên 86,4 bcfd vào tuần này và 89,9 bcfd trong 2 tuần tới.

Lượng khí trung bình đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ cho đến nay đã tăng lên 12,8 bcfd trong tháng 6 từ mức 12,5 bcfd trong tháng 5. Con số đó so với kỷ lục hàng tháng là 12,9 bcfd vào tháng Ba.

Các kho dự trữ khí đốt ở Tây Bắc Âu - Bỉ, Pháp, Đức và Hà Lan thấp hơn khoảng 9% so với mức trung bình của 5 năm (2017-2021) cho thời điểm này trong năm, giảm từ mức 39% so với mức 5 năm ở giữa tháng 3/2022, theo Refinitiv.

Kim loại: Giá bạch kim và quặng sắt tăng mạnh, vàng giảm

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giảm trong phiên 3/6 cũng như cả tuần do USD tăng giá so với các đồng tiền mạnh khác sau khi số việc làm mới tại Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến, làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong những tháng tới.

Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 1% về 1.848,67 USD/ounce; vàng giao tháng 8/2022 giảm 1,1% về 1.850,2 USD/ounce. Tính cả tuần, giá vàng giảm 0,3% dù trong tuần có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 9/5/2022 là 1.873,79 USD/ounce.

Cũng trong phiên 3/6, giá bạc giao ngay giảm 1,9% xuống 21,85 USD/ounce và giảm gần 1% trong tuần; bạch kim giảm 1,4% xuống 1.008,35 USD/ounce, nhưng cả tuần tăng 5,6% - mạnh nhất kể từ tháng 2/2022; palladium giảm 3,4% xuống 1.983,20 USD/ounce và giảm 3,8% trong tuần.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, giá quặng sắt trải qua tuần tăng mạnh nhất trong 3 tháng qua do triển vọng nhu cầu sáng sủa hơn sau khi số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc giảm bớt, kho dự trữ quặng sắt cũng giảm và nước này cam kết sẽ thực hiện các chính sách để kích thích tăng trưởng.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tương lai tại Thượng Hải tăng vượt 140 USD/tấn khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng vốn đã bị vùi dập bởi các đợt phong tỏa liên quan đến dịch bệnh.

Các quan chức Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết sẽ đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng và đảm bảo trái phiếu đặc biệt địa phương - chủ yếu được sử dụng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng - sẽ được phát hành một cách suôn sẻ.

Trong khi đó, dự trữ tại các cảng lớn đã giảm 7,6% so với một tháng trước, xuống 132 triệu tấn tính đến ngày 3/6, theo dữ liệu từ Mysteel Global.

Giá quặng sắt tại Singapore cũng tăng 1,2% lên 142 USD/tấn và cả tuần tăng 6,7% - mức tăng mạnh nhất kể ngày 4/3/2022. Các thị trường của Trung Quốc đã đóng cửa để nghỉ lễ.

Giá đồng Thượng Hải ngày 3/6/2022 tăng do việc dỡ bỏ hạn chế Covid-19 tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu phục hồi, mặc dù đồng USD mạnh hơn đã hạn chế đà tăng.

Cũng trên sàn Thượng Hải, giá đồng giao tháng 7/2022 tăng 0,7% lên 72.130 CNY (tương đương 10.803,56 USD)/tấn, trong phiên giao dịch trầm lắng do Sàn giao dịch kim loại London đóng cửa nghỉ lễ. Đà tăng giá đồng còn bị hạn chế bởi USD đạt mức cao nhất 3 tuần so với JPY.

Thượng Hải - thành phố lớn nhất của Trung Quốc, đã mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 1/6 sau hai tháng bị phong tỏa vì dịch Covid-19. Người dân Thượng Hải hiện có thể đi làm trở lại và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Các nhà phân tích của RBC Markets cho biết, nguồn cung đồng toàn cầu sẽ vượt nhu cầu trong 2 năm tới nhờ sự hỗ trợ của một số dự án lớn sắp tới. Các nhà máy luyện đồng toàn cầu tăng cao hơn trong tháng 5/2022 do sự phục hồi ở Trung Quốc bù đắp cho sự sụt giảm ở châu Âu và các nơi khác.

Về các kim loại khác, diễn biến giá ghi nhận biến động nhẹ với nhôm tăng 1,7%; kẽm tăng 0,8%; nikel tăng 2% và ngược lại, chì giảm 0,7%; thiếc giảm 0,4%.

Nông sản: Đồng loạt giảm mạnh

Giá ngũ cốc trên sàn Chicago (Mỹ) đồng loạt giảm mạnh trong phiên 3/6 trong bối cảnh thị trường theo dõi các cuộc đàm phán ngoại giao nhằm nối lại việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine vốn bị đình trệ kể từ khi xung đột với Nga.

Theo đó, giá lúa mì giảm 18-1/4 cent xuống 10,40 USD/bushel, ngô giảm 3-1/4 cent xuống 7,27 USD/bushel và đậu tương giảm 31-1/2 cent xuống 16,97-3/4 USD. Các nhà môi giới cho biết, giá đậu tương giảm do những người tham gia thị trường bán chốt lời trước kỳ nghỉ cuối tuần.

Sovecon, một công ty tư vấn nông nghiệp hàng đầu ở Moscow (Nga) đã nâng mức dự báo về xuất khẩu lúa mì nước này trong năm marketing 2022/2023 (từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023) lên mức kỷ lục.

Tuy nhiên, việc nối lại thương mại đường biển của Ukraine được coi là rất quan trọng đối với các thị trường ngũ cốc, đặc biệt sau khi Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu lúa mì vào tháng trước nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Theo số liệu của Hội đồng ngũ cốc quốc tế, Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn và lúa mỳ lớn thứ 4 và thứ 6 thế giới trước khi xảy ra chiến tranh.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá cao su tăng 3 tuần liên tục; đường, cà phê và dầu cọ cùng giảm

Giá đường thô giao tháng 7/2022 kết thúc phiên 3/6 giảm 0,06 cent (-0,3%) xuống 19,29 cent/lb.

Các thương nhân cho biết, thị trường đang trong tình trạng nguồn cung tốt và các thương nhân chờ đợi việc cắt giảm thuế xăng dầu ở Brazil, điều này sẽ gây áp lực lên giá ethanol và có thể dẫn đến sản lượng đường tăng lên. Các nguồn tin thương mại và chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này sẽ xuất khẩu thêm 1,5 triệu tấn đường cho đến tháng 10, khi mùa vụ mới bắt đầu, nâng tổng lượng xuất khẩu trong niên vụ hiện tại lên 10 triệu tấn. Dự kiến sẽ có mưa ở khu vực Trung Nam Brazil, bắt đầu từ ngày 8/6, có thể làm ngừng thu hoạch mía trong một vài ngày.

Giá cà phê arabica giao tháng 7/2022 trên Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) đóng cửa phiên 3/6 giảm 5,85 cent (-2,5%) xuống 2,324 USD/lb, sau khi chạm mức cao nhất 3 tháng trong phiên trước đó (2,42 USD/lb), do thời tiết ẩm ướt hơn dự kiến ở nước trồng cà phê hàng đầu thế giới là Brazil.

Các đại lý cho biết, dự báo về những trận mưa trên các nông trường cà phê Brazil từ ngày 8/6 là một yếu tố khiến giá cà phê giảm vì đợt khô hạn trước đó làm gia tăng lo ngại về “sức khỏe” của cây cà phê trong tương lai.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo niên vụ cà phê 2022/23 của Colombia sẽ cho sản lượng 13 triệu bao, vững so với niên vụ trước, trong khi sản lượng của Ấn Độ sẽ tăng lên 5,74 triệu bao.

Giá cao su kỳ hạn tương lai tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần trong phiên 3/6 do tâm lý lạc quan của nhà đầu tư sau khi Thượng Hải dỡ bỏ lệnh phong tỏa chống Covid-19, làm kỳ vọng nhu cầu cao su tự nhiên sẽ tăng lên. Thị trường chứng khoán Tokyo tăng điểm cũng hỗ trợ giá cao su tăng.

Cụ thể, cao su kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Osaka tăng 3,3 JPY (+1,3%) lên 259,8 JPY (2 USD)/kg, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 22/4/2022 là 260,2 JPY/kg, cũng là phiên thứ 7 tăng giá liên tiếp và là tuần tăng thứ 3 liên tục.

Hợp đồng cao su giao tháng 7/2022 trên nền tảng SICOM của sàn Singapore ở mức 168,0 US cent/kg (+0,2% so với phiên liền trước).

Trong tháng 5/2022, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm, khi tâm lý người tiêu dùng tích cực hơn trước các biện pháp nới lỏng chống dịch, mặc dù chi phí năng lượng và nguyên liệu cao đã đẩy giá đầu vào tăng với tốc độ kỷ lục.

TP. Thượng Hải mở cửa trở lại và tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc giảm. Các nhà máy sản xuất lốp xe ở Thượng Hải cũng đang hoạt động với công suất tăng lên. Tồn kho cao su trong các kho do sàn Thượng Hải giám sát tăng 1% so với tuần trước.

Giá dầu cọ tham chiếu (kỳ hạn giao tháng 8/2022) trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia giảm 0,36% xuống 6.445 ringgit (1.469,11 USD)/tấn trong phiên 6/3, nhưng cả tuần vẫn tăng 1,45%.

Dự trữ dầu cọ của Malaysia vào cuối tháng 5/2022 dự kiến ​​sẽ giảm tháng thứ sáu trong bảy tháng gần nhất, bị ảnh hưởng bởi sản lượng sụt giảm và xuất khẩu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2021, theo kết quả một cuộc khảo sát của Reuters.

Lo ngại về sản lượng của Malaysia tăng lên khi Indonesia cấm một nhóm công nhân ở đồn điền của họ đi du lịch đến Malaysia trong bối cảnh thiếu lao động tại các đồn điền cọ của Malaysia.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan