Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường hàng hóa tuần từ 22-29/1: Điểm sáng mặt hàng nông sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Thị trường hàng hóa thế giới tuần qua chứng kiến mặt hàng nông sản bật tăng mạnh, nguyên liệu công nghiệp cũng dần hồi phục, trong khi mặt hàng năng lượng tiếp tục giảm.

Năng lượng: Giá dầu, khí đốt tiếp tục đi xuống

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua 29/1, giá dầu giảm trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 và các quy định mới hạn chế đi lại.

Cụ thể, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 36 US cent (-0,6%) 55,88 USD/thùng, dầu thô Tây Texas (WTI) giảm 14 US cent (-0,3%) xuống 52,2 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, cả 2 loại dầu vẫn tăng giá, lần lượt là 1,45% và 0,42%.

Jim Ritterbusch, Chủ tịch Công ty Dầu khí Ritterbusch & Associates ở Galena, Illinois (Mỹ), cho biết, việc cắt giảm sản lượng sắp tới của Ả Rập Xê-út có thể lấn át những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu liên quan đến dịch Covid-19. Theo vị này, Ả Rập Xê-út cam kết sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày vào tháng 2 và tháng 3/2021 như một phần của thỏa thuận của OPEC+.

Phiên trước đó, giá dầu được hỗ trợ bởi dữ liệu cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm 10 triệu thùng trong tuần trước do xuất khẩu dầu thô của Mỹ và nhập khẩu cùng giảm. Ngoài ra, chỉ số USD đi xuống cũng giúp hỗ trợ giá dầu.

Tuy nhiên, lo ngại về nhu cầu đã đè nặng lên tâm lý giới đầu tư và khiến giá dầu không thể giữ được đà tăng. Nền kinh tế Mỹ năm 2020 rơi vào cuộc suy thoái sâu nhất kể từ Thế chiến thứ hai do đại dịch Covid-19 làm suy giảm chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, đẩy hàng triệu người Mỹ mất việc làm và rơi vào cảnh nghèo đói.

Tương tự, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn New York giảm 10 US cent (-3,8%) xuống 2,564 USD/mmBTU - thấp nhất trong 1 tuần qua.

Song, tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên vẫn tăng hơn 4% sau khi giảm gần 11% vào tuần trước nữa. Còn tính cả tháng 1/2021, giá khí tự nhiên tăng hơn 1% sau khi giảm 12% trong tháng 12/2020 và 14% trong tháng 11/2020.

Kim loại: Bạc bật tăng, vàng chưa hết giảm, kim loại công nghiệp tiếp tục đi xuống

Ở nhóm kim loại quý, đóng cửa phiên cuối cuối tuần 29/1, giá vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,6% lên 1.851,01 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn New York tăng 0,4% lên 1.847,79 USD/ounce.

Dù vậy, tính cả tuần, giá vàng vẫn giảm gần 0,7% và có tháng 1 giảm mạnh nhất (-2,5%) kể từ năm 2011 do USD tăng và giới đầu tư có xu hướng chuyển sang tài sản được hưởng lợi từ nền kinh tế hồi phục.

Ngược lại, giá bạc tiếp tục tăng kể từ khi các thông điệp được lan truyền trên Reddit thúc đẩy hoạt động mua vào.

Theo đó, giá bạc giao ngay trên sàn LBMA tăng 2,5% lên 27,04 USD/ounce và có tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 12/2020 (tăng hơn 5%).

Suki Cooper, nhà phân tích của Standard Chartered nhận định, nhu cầu bạc từ các nhà đầu tư và ngành công nghiệp vững sẽ đẩy giá bạc tăng lên mức 30 USD/ounce trong nửa đầu năm 2021.

Đối với nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng giảm trước áp lực bán ra cùng với USD tăng và mối lo ngại về nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc. Cụ thể, giá đồng trên sàn London kết phiên 29/1 giảm gần 0,7% về mức 7.870 USD/tấn. Như vậy, đồng giảm giá gần 2% trong tuần qua và giảm gần 5% trong tháng 1/2021 kể từ mức cao nhất 8 năm (8.238 USD/tấn).

Tồn trữ đồng tại London chạm mốc 74.575 tấn, gần mức thấp nhất 15 năm trong tháng 9/2020, góp phần hạn chế đà giảm của kim loại này.

Tương tự, giá kẽm trên sàn London giảm 0,2% xuống 2.588 USD/tấn trong tuần và giảm hơn 6% trong tháng đầu năm - là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020 do tồn trữ kẽm tại London tăng lên 100.000 tấn trong tuần qua.

Về giá thép, trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc), giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 1,4% về mức 4.327 CNY (669,72 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá thép cây giảm 0,6% và có tuần giảm thứ 3 liên tiếp do tồn trữ tăng.

Giá thép cuộn cán nóng giảm 2,1% xuống 4.390 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 0,2% lên 14.260 CNY/tấn.

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 2% xuống 990 CNY/tấn theo xu hướng giá quặng sắt 62% Fe giao ngay giảm 8,5 USD xuống 159 USD/tấn.

Công ty tư vấn Mysteel cho biết, tồn trữ thép cây tại các nhà máy thép và thương nhân trong tuần tính đến ngày 28/1/2021 tăng 16% so với tuần trước đó lên mức 8,9 triệu tấn, nâng tổng tồn trữ sản phẩm thép trong tuần qua lên mức 17,9 triệu tấn.

Nông sản: Ngô tăng cao nhất 7,5 năm, đậu tương tăng 8 tháng liên tiếp

Kết thúc phiên 29/1, giá ngô Mỹ duy trì vững sau khi tăng lên mức cao nhất 7,5 năm, được thúc đẩy bởi doanh số bán ngô Mỹ sang Trung Quốc.

Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 1/2 US cent lên 5,34-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 5,5-1/2 USD/bushel - cao nhất kể từ tháng 6/2013.

Giá đậu tương tại Mỹ cũng tăng do lo ngại về vụ thu hoạch tai Brazil bị chậm lại và theo xu hướng giá ngô tăng mạnh.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 16-3/4 US cent lên 13,7 USD/bushel. Tính chung cả tháng, giá đậu tương tăng 59 US cent/bushel (+4,5%) - tăng tháng thứ 8 liên tiếp.

Giá khô đậu tương kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 3,9 USD lên 431 USD/tấn, trong khi giá dầu đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 0,03 US cent xuống 44,62 US cent/lb.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, các nhà xuất khẩu đã bán 132.000 tấn đậu tương vụ mới của Mỹ sang Trung Quốc. Công ty tư vấn Safras & Mercado nâng ước tính sản lượng đậu tương Brazil niên vụ 2020/21 lên 133,1 triệu tấn, so với 132,5 triệu tấn dự báo trước đó.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 101 ringgit (+3%) lên 3.489 ringgit/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá dầu cọ giảm xuống 3.365 ringgit/tấn. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp của mặt hàng này do số liệu tháng 12/2020 cao hơn so với dự kiến và thuế xuất khẩu dầu cọ thô của Indonesia tăng cao, khiến dầu cọ Malaysia trở nên hấp dẫn hơn.

Nguyên liệu công nghiệp: Hồi phục dần

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE kết phiên 29/1 tăng 0,24 US cent (+1,5%) lên 15,83 US cent/lb. Tính chung cả tháng 1/2021, giá đường tăng 2,2%, cho dù giảm nhẹ tuần qua (-0,3%).

Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 14,5 USD tương đương 3,3% lên 456,1 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE giảm 1,05 US cent tương đương 0,8% xuống 1,2295 USD/lb. Tính chung cả tuần giảm gần 1% và giảm 4,3% trong tháng 1/2021.

Ngược lại, giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 3 USD (+0,2%) lên 1.306 USD/tấn.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1/2021 ước giảm 17,6% so với tháng 1/2020 xuống 120.000 tấn, nhưng cả tuần giá vẫn giảm nhẹ.

Giá cao su tại Nhật Bản tăng và có tháng tăng đầu tiên trong năm 2021, trong bối cảnh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khi các trường hợp nhiễm Covid-19 tại nước mua cao su hàng đầu suy giảm, đồng thời JPY giảm so với USD cũng hỗ trợ giá.

Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Osaka tăng 8,6 JPY (+3,8%) lên 236 JPY (2,3 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 0,7% - tuần giảm thứ 3 liên tiếp, song cả tháng 1/2022 vẫn tăng 4%.

Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải cũng tăng 270 CNY lên 14.405 CNY (2.235 USD)/tấn.

Tin bài liên quan